Kết nối, nhóm lửa và truyền lửa

Kết nối, nhóm lửa và truyền lửa
TP - Muốn tập hợp đoàn viên thanh niên trước hết phải hiểu rõ những đặc thù của ĐVTN ở từng lĩnh vực. Ví dụ, thanh niên ở khu vực đô thị có điểm mạnh điểm yếu thế nào? Cái họ quan tâm và mong muốn được đáp ứng là gì? Đời sống, sở thích và khát vọng của thanh niên nông thôn?

Cũng như vậy, chúng ta cần hiểu sâu hơn đối với thanh niên là cán bộ công chức; học sinh, sinh viên; thanh niên ở các nhà máy, khu công nghiệp hay ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

Cùng là thanh niên khu vực đô thị nhưng không có nghĩa là tất cả thanh niên ở đó đều có xu hướng giống nhau, vì thế không thể áp dụng khuôn cứng một biện pháp nào đó để thu hút, tập hợp. Nắm rõ xuất phát điểm, điều kiện sống và đánh giá đúng năng lực, sở trường, nguyện vọng, sở thích sẽ là cơ sở quan trọng để Đoàn đưa ra các phương pháp vận động, tập hợp thanh niên phù hợp hiệu quả. Để làm được điều đó, cán bộ Đoàn phải là người luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu.

Hiện nay, có không ít cơ sở Đoàn đã hình thành được các mô hình tập hợp thanh niên qua các câu lạc bộ, nhằm đáp ứng được những nhu cầu, nguyện vọng khác nhau của thanh niên và từ đó nâng cao chất lượng sinh hoạt Đoàn.

Như vậy, trong một chi đoàn có thể có nhiều câu lạc bộ khác nhau và cán bộ Đoàn cần phải là người kết nối, nhen lửa và truyền lửa cho đoàn viên thanh niên. Muốn vậy, cán bộ Đoàn trước hết phải là người có chuyên môn giỏi, có khả năng quy tụ, tập hợp và nhất là gương mẫu trong quan hệ, lối sống…

Tôi nghĩ, cùng với việc điều tra đánh giá đời sống, tư tưởng của thanh niên và từ đó có phương pháp tiếp cận phù hợp thì từ thực tiễn hoạt động tổ chức Đoàn cũng nên xây dựng các mô hình điểm cả về phương thức tập hợp thanh niên, cách thức hỗ trợ thanh niên và kịch bản một buổi sinh hoạt Đoàn hấp dẫn để các cơ sở Đoàn có thể tham khảo học tập.

Khi hoạt động Đoàn thực sự đi vào lòng tuổi trẻ, hấp dẫn đoàn viên thanh niên thì khi ấy tổ chức Đoàn là ngôi nhà chung sôi nổi đầm ấm và khi ấy việc tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, thanh niên sẽ thuận lợi hơn nhiều!

Kết nối, nhóm lửa và truyền lửa ảnh 1
Phạm Mai Anh
Phạm Mai Anh - Bí thư Đoàn Học viện Quan hệ Quốc tế: Nên thăm dò ý kiến ĐVTN trước khi tổ chức chương trình hoạt động

Trước khi phát động các phong trào, chúng ta nên tìm hiểu và lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên.

Ví dụ, trường tôi thường phát phiếu thăm dò ý kiến của  đoàn viên thanh niên vào dịp đầu năm, trước khi xây dựng một chương trình hoạt động dài hơi cho cả năm học.

Thông qua các ý kiến thu thập được BCH Đoàn sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của sinh viên. Tôi nghĩ, làm như thế sẽ đem lại hiệu quả, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Đối với Đoàn trường Học viện Quan hệ Quốc tế, việc định hướng và giới thiệu việc làm cho sinh viên luôn được coi trọng. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo nhằm trang bị cho sinh viên như kỹ năng cần thiết như: Chuẩn bị hồ sơ xin việc trả lời, phỏng vấn...

Kết nối, nhóm lửa và truyền lửa ảnh 2
Nguyễn Thành An

Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức các cuộc đối thoại giữa các nhà tuyển dụng tiềm năng với sinh viên, giúp sinh viên có định hướng tốt hơn cho công việc của mình sau này.

Nguyễn Thành An - Bí thư Đoàn trường Đại học Ngoại thương: Đừng làm thay việc của thanh niên

Để công tác Đoàn phát triển, vai trò của cán bộ Đoàn rất quan trọng. Đừng nên nghĩ thay, làm thay việc của thanh niên, mà hướng họ suy nghĩ và tổ chức thực hiện.

Người thủ lĩnh chỉ cần định hướng và hỗ trợ. Phải đặt mình vào vị trí của thanh niên thì mới biết họ thích gì, cần gì.

Nguyễn Hà - Quảng Dân
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.