Kẹt giữa Mỹ - Trung, nhiều nước châu Á hối hả tích luỹ tên lửa mạnh

0:00 / 0:00
0:00
Các xe chở tên lửa DF-26 trên quảng trường Thiên An Môn nhân lễ kỷ niệm 70 năm chấm dứt Thế chiến 2 vào tháng 9/2015. (Ảnh: Reuters)
Các xe chở tên lửa DF-26 trên quảng trường Thiên An Môn nhân lễ kỷ niệm 70 năm chấm dứt Thế chiến 2 vào tháng 9/2015. (Ảnh: Reuters)
TPO - Giới phân tích cho rằng châu Á cuộc tranh tranh quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay đang kéo các nước nhỏ vào một cuộc chạy đua vũ trang, dù những người này trước đây thường đứng bên lề cuộc đua tích luỹ tên lửa tầm xa tiên tiến.

Trung Quốc đang sản xuất hàng loạt tên lửa đa năng DF-26 có tầm xa lên đến 4.000km, trong khi Mỹ phát triển những vũ khí mới để đối phó với Bắc Kinh ở Thái Bình Dương.

Các quốc gia khác ở khu vực cũng đang tích cực mua sắm hoặc phát triển tên lửa của mình, trong bối cảnh lo ngại về Trung Quốc và không muốn quá phụ thuộc vào Mỹ.

“Bức tranh tên lửa đang thay đổi ở châu Á, và nó thay đổi rất nhanh”, ông David Santoro, chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương, đánh giá.

Những vũ khí đó ngày càng rẻ hơn và chính xác hơn. Khi một nước mua, các nước láng giềng không muốn tụt lại, các nhà phân tích cho biết. Tên lửa mang lại những lợi ích chiến lược như răn đe kẻ thù và nâng cao vị thế quốc gia, đồng thời có thể là mặt hàng xuất khẩu béo bở.

Theo ông Santoro, dù không chắc chắn về những tác động lâu dài, nhưng các vũ khí mới có ít vai trò trong cân bằng căng thẳng và giúp duy trì hoà bình.

“Khả năng cao hơn là sự phổ biến tên lửa sẽ bồi thêm nghi ngờ, gây ra chạy đua vũ trang, làm tăng căng thẳng rồi cuối cùng là gây khủng hoảng và dẫn đến chiến tranh”, ông Santoro nói.

Theo báo cáo năm 2021 chưa được công bố, Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ (INDOPACOM) có kế hoạch triển khai các tên lửa tầm xa mới để tạo nên “một mạng lưới tấn công chính xác dọc chuỗi đảo thứ nhất”, bao gồm một dải từ Nhật Bản xuống Đài Loan và các đảo nam Thái Bình Dương.

Hệ thống mới đó sẽ bao gồm vũ khí siêu thanh tầm xa (LRHW), một loại tên lửa có thể mang đầu đạn bay nhanh hơn tốc độ âm thanh để tấn công mục tiêu ở cách xa 2.775km.

Phát ngôn viên của INDOPACOM nói với Reuters rằng Mỹ chưa có quyết định cuối cùng về nơi sẽ đặt những vũ khí đó. Cho đến nay, hầu hết các đồng minh của Mỹ ở khu vực đều lưỡng lự tiếp nhận. Nếu đặt tại đảo Guam thuộc Mỹ, LRHW sẽ không thể tấn công Trung Quốc đại lục.

Nhật Bản, nơi đồn trú của hơn 54.000 lính Mỹ, có thể tiếp nhận một số hệ thống tên lửa ở chuỗi đảo Okinawa, nhưng Mỹ có thể sẽ phải rút các lực lượng khác, một nguồn tin từ nhóm tư vấn của chính phủ Nhật Bản tiết lộ.

Việc các nước tiếp nhận tên lửa Mỹ chắc chắn sẽ vấp phải sự phản ứng giận dữ của Trung Quốc.

Trong khi đó, một số đồng minh của Mỹ đang tự tích luỹ tên lửa. Úc gần đây thông báo sẽ chi 100 tỷ USD trong 20 năm tới để phát triển các loại tên lửa tiên tiến.

“COVID-19 và Trung Quốc cho thấy việc phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng toàn cầu khi xảy ra khủng hoảng và chiến tranh là một sai lầm. Vì thế, suy nghĩ về năng lực sản xuất tại Úc là chiến lược khôn ngoan”, ông Michael Shoebridge, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách chiến lược Úc, nói.

Nhật cũng đã chi nhiều triệu đô la phát triển các tên lửa tầm xa từ mặt đất, và đang phát triển phiên bản mới của tên lửa chống hạm đặt trên xe tải, với tầm xa ước tính 1.000km.

Trong số các đồng minh của Mỹ, Hàn Quốc có chương trình tên lửa đạn đạo nội địa mạnh mẽ nhất. Nước này gần đây nhận được cái gật đầu của Washington để huỷ bỏ hạn chế đối với tầm xa của tên lửa. Tên lửa Hyunmoo-4 của nước này có tầm xa 800km, dễ dàng bắn sang Trung Quốc.

“Khi năng lực tên lửa tầm xa của các đồng minh của Mỹ tăng lên, khả năng những nước đó tham gia khi khủng hoảng khu vực xảy ra cũng tăng”, Zhao Tong, chuyên gia về an ninh chiến lược tại Bắc Kinh, viết trong bài đăng gần đây.

Bất chấp những quan ngại đó, Washington sẽ “tiếp tục khuyến khích các đồng minh và đối tác đầu tư vào năng lực quốc phòng tương thích với những hoạt động phối hợp”, Hạ nghị sĩ Mỹ Mike Rogers, thành viên Uỷ ban quân vụ Hạ viện Mỹ, nói với Reuters.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.