Kép xoan chơi xuân

Kép trống Nguyễn Xuân Hội cùng các đào kép trẻ Phù Đức. Ảnh: Nguyễn Văn Quế
Kép trống Nguyễn Xuân Hội cùng các đào kép trẻ Phù Đức. Ảnh: Nguyễn Văn Quế
TP - Chơi xuân có nhiều cách, nhưng cách của kép xoan Phú Thọ đi bộ hơn trăm cây số chỉ để… ghẹo gái thì kính phục! Cảnh hội xuân Kinh Bắc đông người cũng được ghi cả vào câu hát. Qua đó thấy cách chơi có một không hai và cái tài của kép xoan.

Bí ẩn quả cách thứ 14

Chẳng hiểu sao trong hệ thống bài quả cách hát xoan được nhắc tới có 14 nhưng chỉ hát 13. Còn một quả hầu như bị giấu nhẹm. Dò hỏi các cụ ở cả 4 phường xoan cổ, song các cụ hoặc không biết hoặc biết nhưng kiệm lời và có ý tránh. Chợt “phiêu” với ý nghĩ hay là có lời nguyền nào ở bài số 14 này?

Nghi vấn ấy cứ quẩn quanh trong đầu và tôi quyết định bỏ công “giải mã”. Một ngày sau dịp giỗ Tổ năm rồi, trong chén trà cuối xuân, ông Phạm Bá Khiêm, PGĐ Sở VH TT&DL kiêm chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Phú Thọ đã tiết lộ về quả cách thứ 14 có tên Chơi Dâu cách đã thất truyền. Thật may mắn, nhà nghiên cứu Lê Tượng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương kịp ghi lại phần lời, bây giờ Phú Thọ muốn phục dựng nhưng chưa thành.

Thấy cái tên Chơi Dâu cách nghe lạ, đánh tiếng thì không ai biết rõ ngọn nguồn “Dâu” là thế nào. Nhìn vào phần lời có đoạn “Vốn xưa tích để/ Có hội chùa Dâu/ Chư quan công hầu/ Dù che võng giá/ Chùa Dâu vui lạ/ Mồng tám tháng tư”.

Dân gốc Bắc Ninh không riêng tôi, ai chả thuộc câu “Dù ai đi đâu về đâu/ Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Tháng tư ngày tám thì về hội Dâu”. Tôi tạm phán đoán đó là chùa Dâu ở Thuận Thành. Nhưng làm sao thời xưa đi lại khó khăn, từ Phú Thọ đến Bắc Ninh cả trăm cây số mà các anh kép xoan lại chơi hội được? Hay đất Tổ cũng có một chùa cùng Dâu?

Kép xoan chơi xuân ảnh 1

Nghệ nhân Lê Thị Tú.

Cả bàn trà đều nghiêng theo giả thiết có tục kết bạn của xoan với một làng nào đó quanh vùng có chùa Dâu. Nhưng nghi vấn trong tôi chưa hết mà lại càng lớn hơn bởi những từ ngữ trong lời ca rất hóm hỉnh với cảnh trai gái nô nức, trẻ già chen lấn, những trò chơi dân gian hút cánh trẻ và cả những đen đủi bất trắc có thể gặp nếu chỉ một phút hớ hênh.

Tất cả điều ấy chỉ có thể hợp với không khí hội Kinh Bắc, vốn nổi tiếng nhộn nhịp, vui bậc nhất thiên hạ: “Chùa Dâu vui lạ cảnh hè tiên/ Trai lành gái tốt họp chơi chợ phiên/ Trai lịch sự gác tay bím cổ/ Già ngoảnh đầu bỏ mất bị tiền…”.

“Càng hát càng thấy buồn cười”

Nghệ nhân Lê Thị Huệ, nhận xét ca từ của “Chơi Dâu cách”

Vừa hay ngay sau đó có cơ hội xuống xã Kim Đức (cái nôi của hát xoan) tôi được gặp cả 4 phường, bèn mạnh dạn đánh tiếng về quả cách 14. Mọi người hơi ngạc nhiên, có lẽ vì lâu lắm rồi không ai nhắc đến nó.

Ông Ngũ trùm phường Phù Đức mở lời: “Đây là quả cách vốn ở phường tôi nhưng lâu rồi không hát, các cụ cũng không truyền lại”. Ông Hội tiếp lời: “Trước bố tôi thi thoảng có kể về quả cách này, đúng là tả cảnh hội chùa Dâu ở Bắc Ninh, chứ ở đây không có chùa Dâu”.

Ông Hội bảo: “Quả cách 14 có từ bao giờ thì không biết, chỉ biết ngày trẻ hai cụ thân sinh ra tôi và ông Ngũ đều từng về chơi hội chùa Dâu. Quả cách này dùng để giao lưu với các liền chị. Đến đời chúng tôi kế cận thì không về dưới đấy nữa”.

Xa thế không biết các cụ đi ngựa hay bằng gì được? - tôi thắc mắc. Bà Lê Thị Tú gạt ngay: “Lấy đâu ra, các cụ đi bộ mất mấy ngày đấy, cứ cơm nắm với cá mòi khô gói vào mang theo”.

Tôi mạnh dạn: Thế giả dụ muốn quả cách này sống lại có được không? Ông trùm Ngũ có vẻ không muốn lắm. Ông im lặng. Ba trùm phường còn lại thì hưởng ứng nhưng chuyện đi chơi hội của kép trẻ Phù Đức đã rõ nên không đâu bằng chính phường này hát lại. Nói hoài rồi các ông bà Phù Đức cũng chịu cầm lời Chơi Dâu cách về tập.

Hay thế thì phải hát!

Ngày thu âm, ông Ngũ có việc nhà không tham gia, giao mọi thứ cho ông Hội. Các bà hát chính trong phường vẫn đủ cả. Nhìn nét mặt ai cũng hớn hở, chưa kịp hỏi bà Lê Thị Huệ đã cười thành tiếng: “Hay đáo để đấy, nhất là mấy câu cuối như chửi nhau ấy, rất hóm hỉnh.

Bà cười giòn rồi nói tiếp: “Càng hát càng thấy buồn cười”. Bà cất tiếng hát, mấy bà hùa theo: “Gái hay mách qué rạc dài/ Ngồi lê mách lẻo bằng đôi ba chồng/ Trai bay thấy gái phải lòng/ Cái nết chẳng bằng cổ giả ngày xưa/ Gái bay nết ấy thời chừa/ Có chăng sẽ nói cho vừa lòng anh/ Mừng ơn phụ mẫu mẹ cha/ Ơn bụt ơn trời mẹ tớ đẻ ra…”.

Đó chỉ là cách ăn nói hơi sắc sảo một chút nhưng rất khác so với lời những bài quả cách kia vốn trang nghiêm, chừng mực và thành kính. Một sáng tạo khá thú vị của các anh kép xoan khi cảm nhận được không khí hội Kinh Bắc.

Không chỉ vậy, kép trẻ còn ngẩn ngơ trước vẻ duyên dáng của con gái Kinh Bắc nên mới tán ngay: “Anh thấy nàng vẻ vang lịch sự/ Lòng anh cũng muốn ở đời nàng bay/ Giầy chân bím cổ bấm tay/ Ai ơi chưa dễ ai hay sự tình/ Sự nhân tình kể cho nàng biết/ Chớ mải mê hoa nguyệt vãng lai/ Còn không hay đã có ai?/ Như anh anh kiếm một nơi cho nàng…”.

Lại thắc mắc: hay thế sao không còn được hát nữa? Nghệ nhân không ai rõ, có lẽ vẫn nghiêng về việc ngày trước đi chơi hội chùa Dâu thì mới hát, giờ không thì thôi. Có thể còn một nguyên nhân: quả cách này đã được khai thác không đúng với môi trường diễn xướng gắn liền nghi lễ hát thờ dâng vua thành hoàng. Việc khai thác này có lẽ do sự láu cá của mấy chàng kép trẻ.

Thế ngày xa xưa, các phường xoan có hay đi giao lưu thế này không? “Có, đi khắp nơi, lên Phú Thọ, sang Vĩnh Phúc, rồi xuống Hà Nội” - ông Hội cho biết. Bà Tú tiếp lời: “Ối giời! Ngày xưa Kim Đái đi hát Hà Nội, trai Hà Nội nó bắt mất đào. Ông trùm chả biết đâu mà tìm. Thế là lúc về đành phải bỏ, đến lúc bụng to tướng đào mới quay về”.

Tên Kim Đái không có gì xấu, nghĩa của nó là đai vàng vua ban, nhưng các nghệ nhân phường này lại sợ xấu nên nhất nhất đổi thành Kim Đới. Câu chuyện bắt đào Kim Đái mới chỉ xảy ra ở khoảng giữa thế kỷ 20 nhưng từ đấy việc quản lý đào kép của các trùm phường rất chặt. Và biết đâu đó cũng là một trong những lý do khiến việc đi giao lưu của các kép trẻ đất Phú Thọ tới hội Dâu bị gián đoạn?

Dẫu sao thì tất cả đã đi vào quá khứ và giờ quả cách thứ 14 Chơi Dâu cách đã sống lại. Biết đâu xuân này khi về đất Tổ, những giai điệu quả cách có phần phá cách và đầy thú vị ấy được vang lên khiến du khách càng thêm thích thú với sự sáng tạo của kép trẻ và thêm yêu hát xoan.

Hát Xoan thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục bắt nguồn từ tục hát thờ cúng các vua Hùng ở vùng đất Tổ Phú Thọ. Có 4 phường xoan gốc là Phù Đức, Kim Đới, Thét và An Thái, nằm ở hai xã Kim Đức và Phượng Lâu (TP Việt Trì, Phú Thọ).

Có ba hình thức hát chính: Hát thờ mở đầu cuộc hát, Hát quả cách trung tâm cuộc hát và Hát hội giao duyên. Hát quả cách mang tính nghi lễ. Có 13 quả cách tương ứng với 13 bài. Nội dung quả cách ca ngợi công ơn đức vua đại vương và cầu mong mùa màng tốt tươi, mọi người mạnh khỏe.

Qủa cách thứ 14 - Chơi Dâu cách dùng để giao lưu giữa kép xoan Phú Thọ với liền chị vùng Kinh Bắc chứ không thuộc hệ thống 13 quả cách mang tính nghi lễ. Cho nên mặc dù có tên gọi và chất liệu khai thác âm nhạc của quả cách nhưng Chơi Dâu cách không được dùng trong nghi lễ thờ cúng các vua Hùng mà chỉ ở vai trò của một bài hát hội giao duyên.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.