Kéo giá sữa xuống: Cần đồng tâm

Kéo giá sữa xuống: Cần đồng tâm
TP - Ba giờ đồng hồ, hơn 500 ý kiến và câu hỏi của bạn đọc đã gửi tới các vị khách mời tại buổi giao lưu trực tuyến “Vì sao giá sữa Việt Nam đắt nhất thế giới”. Từ  phản hồi của những người trong cuộc và gợi mở của độc giả, chúng tôi thấy hé mở những bất cập và giải pháp cho “nghịch lý” trên.

>> Nội dung chi tiết buổi giao lưu trực tuyến

Kéo giá sữa xuống: Cần đồng tâm ảnh 1
Giá sữa đắt, một phần vì người tiêu dùng “sính ngoại”. Ảnh: Kinh Bang

Tâm lý đánh đu

“Ngay đợt vừa qua, khi thấy có biến động, Cục Giá đã kiến nghị Bộ giao cho cơ quan thuế vào thanh tra một số hãng. Đồng thời có công điện gửi tới chủ tịch UBND các tỉnh tiến hành thanh kiểm tra việc tăng giá tại các cơ sở” – Ông Vũ Công Chính, Phó Cục trưởng Quản lý Giá Bộ Tài chính, cho hay.

Giá sữa cao, theo ông Chính, là bởi giá vốn sữa nhập của các hãng sữa ngoại luôn chiếm tới 90 phần trăm thành phẩm, các chi phí khác chỉ chiếm 10 phần trăm.

“Chắc chắn giá đã bị đẩy lên, làm giá ngay từ nước ngoài. Đây là vấn đề nan giải, bị ràng buộc bởi nhiều luật mà với quyền hạn của mình, chúng tôi không thể tự giải quyết được”- Ông Chính lý giải.

Có ý kiến cho rằng sao không có một cơ chế tham chiếu nào với giá sữa nhập cùng khu vực để so sánh, bắt bài doanh nghiệp?

Tại sao giá sữa Việt Nam lại cao nhất thế giới? (Trâm,  15 tuổi , 50 Nguyễn Huệ - thành phố Kon Tum) - TS Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn Bảo vệ Người tiêu dùng VN:

"Các hãng sữa nước ngoài phải tốn rất nhiều chi phí (không bị khống chế trong khi doanh nghiệp sữa Việt Nam chỉ được chi tối đa 10 phần trăm để hình thành mạng lưới phân phối ở VN) cho tuyên truyền, quảng cáo, quảng bá thương hiệu".

"Chúng tôi dự kiến kết hợp cùng với một số phòng thí nghiệm tiến hành lấy mẫu sữa bột của các hãng sản xuất trong nước và nhập khẩu thử nghiệm để khẳng định những thông tin mà các nhà sản xuất nhập khẩu hoặc cung cấp cho người tiêu dùng là chính xác hay không và chất lượng của các loại sữa có phù hợp với mục đích, nhu cầu của người tiêu dùng hay không." - TS Hồ Tất Thắng

Sữa bột ngoại đóng hộp tại Việt Nam đắt hơn sữa nội, có phải vì có nhiều các thành phần khác trội hơn? (một số bạn đọc) - Bà Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: “Các thành phần dinh dưỡng chính, năng lượng, chất đạm, chất béo và các vitamin khoáng chất không khác nhau nhiều giữa sữa nội và sữa ngoại.

Về các chất DHA, RA, được quảng cáo có trong thành phần một số sữa rất cần thiết cho trẻ nhưng, thực tế, hoàn toàn có thể tạo ra từ những bữa ăn dinh dưỡng  lấy từ cá, dầu ăn vừng, lạc. Viện Dinh dưỡng cũng đã nghiên cứu các sữa sản xuất trong nước. Ví dụ như Dielac của Vinamilk vẫn bảo đảm cho các cháu thuộc lứa tuổi 24 – 36 tháng có sự phát triển cân nặng, chiều cao đạt theo tiêu chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Nhiều người tiêu dùng Việt  sính sữa ngoại? (tran hau que, 36 tuổi, tranhauque74@yahoo.com.vn)- TS Tâm lý  Huỳnh Văn Sơn- Trưởng Bộ môn Tâm lí học Trường ĐHSP TPHCM:

Kết luận sính ngoại thì có vẻ nặng nề nhưng thực chất đó là tâm lí đánh đu. Hoàn toàn có thể thông cảm với những gia đình trẻ trong việc đầu tư cho con cái. Tuy nhiên, để đầu tư dinh dưỡng cho con không trở thành gánh nặng, các gia đình cần tìm hiểu, không nhất thiết phải dốc hết túi. Giải pháp lâu dài là các nhà hoạch định chính sách phải đảm bảo sự công bằng.

Phải đồng lòng

Tôi đang học tại Úc, ở đó Chính phủ Úc không cho phép tăng giá các mặt hàng thiết yếu và sữa là một trong số đó. Tôi đề nghị nhà nước ta đưa ra chính sách kiểm soát giá?.(Le Duc Hoang Viet, 20 tuổi, Quận 1, TP Hồ Chí Minh). 

Ông Vũ Công Chính: Việc định giá sữa là do các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa. Để xử lý những hành vi vi phạm này, thì thực hiện theo Nghị định 107 và 169 của Chính phủ.

Phải làm gì để người tiêu dùng được bảo vệ? (Tuyết, 25 tuổi, Cầu giấy- Hà Nội); Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan quản lý phải vào cuộc trước tình hình tăng giá sữa hiện nay. Vậy  các cơ quan nhà nước có  biện pháp gì giúp dân không phải mua sữa đắt (Minh Trang, 30 tuổi, Thanh Xuân, HN)

TS Hồ Tất Thắng: Cần phải coi sữa là một trong những mặt hàng Nhà nước phải bình ổn giá, yêu cầu các nhà sản xuất và nhập khẩu thông báo công khai cơ cấu giá thành, quản lý và khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị và các loại chi phí khác nhằm giảm giá thành sữa. Nên tiến hành một cuộc đánh giá chất lượng giữa các loại sữa ngoại và sữa nội.

Chúng ta đang có phần buông lỏng quản lý sữa nhập (một số bạn đọc)? Bà  Bùi Thị Hương, Giám đốc Đối ngoại Vinamilk:  Đó là điều có thể nhìn thấy được. Giá sữa ngoại cao là do tâm lý của người tiêu dùng cho rằng giá cao chất lượng cao.

Tựu trung 500 ý kiến gửi đến cuộc giao lưu và phần trả lời của những người tham dự đều đồng tâm vào cuộc kéo giá sữa tại Việt Nam xuống mức hợp lý. Thêm một gợi mở từ bài học giá thuốc khi xưa. Đó là nếu những văn bản như nghị định chưa đủ sức nặng, nên mổ xẻ vấn đề tại Quốc hội và nếu cần có thể  đưa vào luật quản lý!

Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Đoàn Công Huynh nhấn mạnh: “Mục tiêu của Báo Tiền Phong là mong tìm cách kéo giá sữa xuống, hay ít ra là tháo gỡ tâm lý, tác động truyền thông làm sao có thể tháo gỡ sự phi lý của giá sữa, hoặc tác động đến chính sách vĩ mô để giải quyết thực trạng hiện nay”.

Khánh Huyền
(Ghi và tổng hợp)

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.