Kéo điện cao thế vượt sông bằng cáp ngầm

TP - Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đang lựa chọn giải pháp kéo đường dây cao thế vượt sông bằng cáp ngầm thay cho đường dây trên không (ĐDK).

> Cô Tô có điện lưới quốc gia
> Vinacomin tài trợ 150 tỉ đồng kéo điện ra Cô Tô

Lựa chọn mới

EVN SPC đang triển khai thực hiện dự án đầu tư công trình đường dây 110kV Hồng Ngự - Phú Châu (tỉnh Đồng Tháp) nối tuyến mạch vòng giữa 2 trạm 220kV Cao Lãnh và 220kV Châu Đốc.

Đường dây này vượt ngang sông Tiền với khoảng rộng gần 1.000m. Để lựa chọn phương án thích hợp và mang lại hiệu quả đầu tư cao, EVN SPC đã tiến hành xem xét, đánh giá lại ưu nhược điểm giữa giải pháp đi ngầm và vượt bằng ĐDK.

Qua phân tích, các chuyên gia nhận thấy giải pháp vượt bằng ĐDK phải sử dụng trụ tháp cao đến 120m mới đảm bảo độ quy định về độ tĩnh không là 45m, dây dẫn loại ACSR 410.

Trong khi đó, giải pháp kéo cáp ngầm sử dụng cáp đồng XLPE 110kV, loại một lõi tiết diện 630mm2 luồn trong ống bảo vệ HDPE chôn ở độ sâu so với đáy sông từ 2m đến 5m, thi công bằng cách xẻ rãnh tạo mương cáp và kết hợp thợ lặn đặt ống qua sông.

Tổng mức đầu tư theo phương án vượt bằng ĐDK khoảng 54 tỷ đồng và phương án đi ngầm vượt sông khoảng 59 tỷ đồng, sự chênh lệch là không đáng kể.

Trong đó phương án vượt bằng ĐDK chưa tính đến chi phí bảo trì, sửa chữa trong quản lý vận hành như kiểm tra định kỳ đo độ lệch tâm, sơn bảo vệ, xiết bu lông …

Ngoài đường dây 110kV Hồng Ngự - Phú Châu (tỉnh Đồng Tháp), nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển điện phát triển kinh tế xã hội các tỉnh phía Nam, hiện EVN SPC đang triển khai thực hiện hàng loạt các công trình đường dây 110kV liên kết giữa các trạm 220kV; đồng thời cải tạo, nâng cấp các đường dây 22kV hiện hữu vượt sông bằng ĐDK.

Tuy nhiên, phần lớn các địa phương trong số 21 tỉnh, thành phố phía Nam thuộc địa bàn quản lý vận hành lưới điện của EVNSPC có hệ thống sông ngòi chằng chịt với nhiều cù lao, do vậy, việc xây dựng hệ thống lưới điện cho khu vực này là rất khó khăn và tốn kém. Và, đó cũng là lý do EVNSPC xem xét đến giải pháp kéo đường dây vượt sông bằng cáp ngầm.

Giải pháp cho tương lai

Theo các chuyên gia, chi phí xây dựng cáp ngầm có xu hướng ngày càng giảm. Nếu những năm 2000, chi phí xây dựng cáp ngầm vượt sông cao hơn chi phí xây dựng ĐDK trên 100% thì hiện nay, tỷ lệ này giảm xuống còn từ 10% đến 50%.

Tương lai chi phí xây dựng của 2 giải pháp này sẽ tiến về gần nhau hơn, thậm chí chi phí xây dựng cáp ngầm có thể thấp hơn ĐDK. Vì rằng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để xây dựng ĐDK gấp trên 4 lần so với cáp ngầm.

Các hạng mục công trình đi theo ĐDK vượt sông do phải chọn điểm vượt xa khu dân cư, cũng có nghĩa là phải xây dựng thêm hạng mục đấu nối với lưới hiện hữu làm tăng tổng mức đầu tư.

Ngoài ra, phương án ĐDK gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng do giá bồi thường ngày càng tăng; có những nơi không thể giải quyết được mặt bằng; đất móng trụ và hành lang chiếm dụng diện tích lớn nhưng không sử dụng, không tạo ra lợi ích trong xã hội trong suốt tuổi thọ dự án, gây lãng phí quỹ đất.

Cáp ngầm còn là giải pháp công nghệ tiên tiến bới công nghệ cáp ngầm đang phát triển mạnh, chi phí vật tư, thiết bị sẽ thấp dần, giải pháp thi công đơn giản do máy móc thi công ngày càng phổ biến làm giảm chi phí xây dựng.

Giải pháp cáp ngầm cũng giúp tiết kiệm các chi phí bảo trì, sửa chữa trong quản lý vận hành; ngoài ra phương án đi ngầm khắc phục được các rủi ro khách quan như bão, lốc xoáy, tàu thuyền đi lại đi sông…

Theo Báo giấy