Các phạm nhân xếp hàng trước khi về buồng giam. Ảnh: Công lý |
Trần Văn Trọng (41 tuổi, ở huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) bị kết án tù chung thân vì tội Giết người. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Yên, người đầu gối tay ấp với anh ta.
Đầu năm 2000, khi xung quanh rộ lên đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, chị Yên bàn với chồng ra nước ngoài làm việc một thời gian, kiếm tiền về sửa nhà và tích lũy cho con ăn học. Ban đầu, Trọng không đồng ý vì nhà cửa không có phụ nữ chăm lo. Nhưng rồi anh ta cũng gật đầu vì cái nghèo khó cứ đeo đẳng.
Vay thêm tiền ngân hàng, chị Yên cũng kiếm được tấm vé sang Đài Loan lao động, Trọng ở nhà thay vợ đảm đang ruộng vườn và nuôi dạy hai đứa con nhỏ. Đi được một năm, chị Yên gửi được 28 triệu đồng về cho chồng trả nợ ngân hàng, một phần còn lại chi tiêu mua sắm.
Vừa nuôi con vừa cáng đáng việc ruộng đồng nên Trọng nhiều lần yêu cầu vợ phá hợp đồng, về nhà. Ngày 20-11-2005, chị Yên về nước thăm gia đình, thuyết phục chồng cho đi tiếp. Chị còn nhờ cả 2 bên nội ngoại tác động nhưng anh này không đồng ý. Bực tức, chị nói sẽ ly hôn.
Chiều hôm sau, Trọng đi đào móng nhà cho một người trong xóm, ở lại ăn cơm. Thấy chồng sặc sụa hơi men, chị Yên không dám phàn nàn liền rủ Trọng về bên nội để lấy giấy vay nợ, ra ngân hàng thanh toán.
Tại nhà bố mẹ Trọng, giữa hai người xảy ra cãi cọ. Trọng rút con dao sau phên cửa chém vào tay vợ khiến chị Yên sợ hãi bỏ chạy. Cơn giận bùng lên, Trọng đuổi theo, lôi vợ vào nhà rồi cứ thế vung dao. Giết người xong, Trọng chém vào cổ rồi cứa tay mình nhưng lưỡi dao tuột khỏi chuôi, chỉ để lại hai vết thương nhẹ.
Theo hồ sơ lưu trữ tại Trại giam Vĩnh Quang, trước khi được đưa lên đây thi hành án, trong thời gian giam cứu ở Trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Phúc, đã 3 lần Trọng tìm cách tự sát nhưng không thành.
Lần đầu tiên là ngày 2-5-2006, Trọng cạy được mảnh gỉ sắt bung ra từ bản lề ở cửa buồng giam nên đã dùng nó cứa vào cổ tay nhưng quản giáo phát hiện kịp thời, vết thương được băng bó.
Ngày 18-5-2006, với miếng gạc băng ở cổ tay trái, Trọng được dẫn giải ra tòa nghe xét xử. Bị tuyên án tù chung thân, về buồng giam, Trọng tiếp tục tìm tới cái chết. Anh ta giật miếng gạc băng vết thương, dùng răng cắn tiếp vào đó cho chảy máu tuy nhiên lại một lần nữa hành vi tiêu cực của Trọng được phát giác.
Vì quyết tâm chết nên khi vào nhà vệ sinh, Trọng nói dối là mình đau bụng, mắc bệnh trĩ để các phạm nhân cùng buồng không nghi vấn rồi lại tiếp tục làm hở vết thương cũ. Thấy Trọng vào buồng vệ sinh lâu không ra, phạm nhân cùng phòng vào, phát hiện Trọng ngồi bất tỉnh trên bồn cầu...
Từ ngày lên trại Vĩnh Quang trả án, được cán bộ quản giáo động viên, tư tưởng của Trọng dần ổn định. Thế nhưng vài ngày một lần Trọng lại lên cơn khùng điên, xé rách quần áo, nói năng lảm nhảm đến nỗi phải cùm tay chân; còn bình thường, anh ta rất hiền lành, ai nói gì cũng vâng dạ, rất lễ phép.
Chính vì cái sự điên dở ấy, chỉ xuất hiện vào những ngày mười tư, mồng một mà cho đến giờ, Trọng vẫn không có được kết quả giám định tâm thần để đi điều trị bệnh trước khi tiếp tục trả án.
Thượng tá Ngô Thành Chung, Phó Giám thị phụ trách phân trại 1 Trại giam Vĩnh Quang cho biết: “Những kẻ có tội vào đây để chịu hình phạt còn Trọng từ ngày vào trại, nếu không nằm bệnh xá thì đi đâu, làm gì cũng phải có người kèm mà phải hai người canh chừng, nếu không là xảy ra chuyện”.
Theo một số phạm nhân sống cùng buồng với Trọng thì anh ta là một người sống rất tình cảm, dễ hòa đồng nhưng lại rất hay khóc. Trọng rất ít tham gia vào các câu chuyện phiếm của mọi người trong buồng mà nhiều lúc thường ngồi im lặng, nhìn ra ngoài rồi lặng lẽ khóc.
Đại úy Phan Anh Tuấn, cán bộ giáo dục Trại giam Vĩnh Quang cho hay Trọng là người đa sầu đa cảm. Biết tâm lý phạm nhân này chưa vượt qua được sự mặc cảm về tội lỗi đã gây ra, thời gian đầu mới nhập trại, anh thường xuyên gặp Trọng, trò chuyện, động viên, khích lệ.
Qua những câu gợi mở, anh Tuấn biết Trọng rất yêu vợ. Anh ta nhớ chi tiết từng cái áo vợ mặc, thậm chí cả những chiếc cặp tóc mua ở đâu, khi nào đều nhớ rất rõ. Thực lòng Trọng không bao giờ nghĩ có ngày vợ chồng mỗi người một nơi nên khi nghe chị Yên dọa ly hôn, Trọng thấy hụt hẫng và đó chính là nguyên nhân khiến anh ta không kiểm soát được hành động.
Đau khổ và dằn vặt, Trọng chỉ mong được giải thoát khỏi những suy tư đang đè nặng trong tâm can mà đâu biết rằng việc mình hết lần này, lần khác tìm cách tự sát chỉ thêm làm khó cán bộ quản giáo.
Theo Công lý