Kế hoạch tạo con sông dài nhất thế giới của Ấn Độ gây tranh cãi

Sông Hằng ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
Sông Hằng ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
Dự án tạo ra con sông dài 12.500 km bằng cách nối liền mạng lưới sông của Ấn Độ đang vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia môi trường.

Chính phủ Ấn Độ sắp tiến hành dự án Inter Linking of Rivers (ILR) nối liền những con sông lớn chảy qua dãy Himalayas và bán đảo Deccan thông qua 30 kênh đào quy mô siêu lớn và 3.000 con đập, New Scientist hôm 28/11 đưa tin.

Theo kế hoạch, dự án sẽ nối liền 14 con sông ở phía bắc Ấn Độ với 16 con sông ở phía tây, trung và nam đất nước, cho ra đời mạng lưới sông dài khoảng 12.500 km nhằm giảm hạn hán và lũ lụt, tạo ra 35 triệu hecta đất trồng trọt và sản xuất 34.000 megawatt điện.

Sau khi hoàn thành, mạng lưới sông này sẽ dài gấp đôi sông Nile ở Ai Cập, con sông dài nhất thế giới hiện nay, và có thể dẫn nước từ những khu vực dễ ngập lụt đến nơi hạn hán kéo dài.

Tuy  nhiên, nhiều nhà địa chất và sinh thái học ở Ấn Độ bày tỏ lo ngại rằng dự án ILR có thể gây ra những thảm họa môi trường và xói mòn vùng ven biển, đe dọa cuộc sống của người dân và động vật hoang dã.

Theo các nhà môi trường, việc phân chia giữa những vùng lưu vực sông chứa nhiều nước và ít nước không hề đơn giản. Biến đổi khí hậu tạo ra nhiều thay đổi trong lượng mưa với nhiều ảnh hưởng khó dự đoán lên dòng nước.

Nhóm nhà khoa học ở Viện Công nghệ Ấn Độ tại Bombay và Madras phát hiện sự sụt giảm đáng kể trong lượng mưa vào thời gian gió mùa ở những lưu vực sông dồi dào nước tại Ấn Độ. Mô phỏng trên máy vi tính chỉ ra lượng nước đang giảm ở những lưu vực sông nhiều nước trước đây và tăng lên ở lưu vực thường xuyên thiếu nước.

Các nhà địa chất học cho rằng mặt đất Ấn Độ tiến hóa dần với dòng nước tự nhiên qua hàng thiên niên kỷ. "Phần lớn sông ngòi được bổ sung nước mưa vào đợt gió mùa, tạo nên những thềm lũ và châu thổ lớn qua nhiều năm", nhà nghiên cứu Vedharaman  Rajamani ở Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi, cho biết. "Quy hoạch những con sông theo mạng lưới ILR sẽ làm gián đoạn nguồn cung cấp trầm tích và dưỡng chất".

Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp, do đất canh tác được phát triển ở thềm lũ và khu vực châu thổ sông từ nhiều thế kỷ. "Những con sông tái tạo tầng ngầm nước gần đất canh tác. Chúng cũng đóng vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái nước ngọt, bao gồm cá, và mang lại dưỡng chất cho dạng sống dưới nước", Rajamani nói.

Một mục tiêu chủ chốt của dự án ILR là ngăn chặn lũ ở một số vùng của Ấn Độ. Nhưng các chuyên gia nhận định kế hoạch đã bỏ qua giá trị đích thực của lũ lụt. Những trận lũ mang lại một lượng khổng lồ phù sa, có thể giảm xói mòn ở ven biển.

"Một con sông không chỉ là ống dẫn nước tự nhiên. Nó chở theo bùn lắng và trầm tích. Những con đập giữ lại lớp trầm tích, có vai trò quan trọng đối với môi trường sống ở hạ nguồn sông", nhà địa chất học Chittenipattu Rajendran ở Trung tâm nghiên cứu khoa học cao cấp Jawaharlal Nehru, Bangalore, chia sẻ.

Lũ lụt tự nhiên cũng giúp tái tạo nguồn cung cấp nước ngọt bên dưới thềm lũ và châu thổ. Nếu không có lượng nước bổ sung từ lũ lụt, nước mặn sẽ dần dần xâm nhập vào nguồn nước ngầm ở đất liền, kéo theo hiện tượng khử nước và sa mạc hóa, theo Rajamani.

Rajamani cho biết nước ngọt dồi dào ở châu thổ vịnh Bengal đặc biệt quan trọng, giúp tạo ra và duy trì lớp đất ít mặn ở vịnh, một nhân tố ảnh hưởng tới gió mùa tại Ấn Độ. Việc can thiệp vào hệ thống tự nhiên này có thể tác động đến lượng mưa trong thời gian gió mùa ở khu vực.

Rajendran, lượng nước khổng lồ trong những con đập sẽ làm tăng áp lực nước trong các khe nứt, đè lên lớp vỏ bên dưới, dẫn đến nguy cơ động đất ở vùng có nguy cơ cao như dãy núi Himalaya.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.