Kế hoạch chi tiết phá cùm, đào tường vượt ngục của 2 tử tù

Ngày 11/4, Tòa án Cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm, tuyên y án tử hình với Nguyễn Văn Tình về hành vi mua bán ma túy.
Ngày 11/4, Tòa án Cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm, tuyên y án tử hình với Nguyễn Văn Tình về hành vi mua bán ma túy.
TPO - Hai tử tù, người nắm được sơ đồ bố trí trại giam, người biết cách phá cùm, đào tường nên đã cùng nhau thực hiện kế hoạch “vượt ngục”. Các đối tượng gặp may hơn nữa khi quản giáo nhận nhiệm vụ không lên chòi canh gác.  

Quản giáo không canh gác

Ngày 7/5 tới, TAND TP Hà Nội sẽ xét xử sơ thẩm các bị cáo Lê Văn Thọ (tức Thọ “sứt”, SN 1980, ở Thanh Hà, Hải Dương) và Nguyễn Văn Tình (SN 1989, ở Quốc Oai, Hà Nội) về tội “Trốn khỏi nơi giam giữ”.

Cùng vụ án, có 4 bị cáo khác là người quen của Thọ và Tình phải hầu tòa về tội “Che giấu tội phạm” theo Điều 389 BLHS với khung hình phạt từ 3 năm cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Theo tài liệu vụ án, năm 2017, Thọ bị Tòa án tỉnh Hà Nam tuyên tử hình; Tình bị Tòa án Hà Nội tuyên tử hình cùng về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Trong thời gian kháng cáo chờ xét xử phúc thẩm, cả 2 được giam chung trong 1 phòng tại Khu D, Trại tạm giam T16 Bộ Công an (Thanh Oai, Hà Nội).

Trước khi ở cùng Thọ, Tình bị giam tại khu B nên đã quan sát sơ đồ của Trại T16 gồm tường bao cao 4,7m, trên có hàng rào dây thép gai cao 50cm, tại 4 góc tường có 4 chòi gác… các phạm nhân được giam giữ trong 5 dãy nhà 2 tầng được đánh số từ A đến F.

Trong khi đó, Thọ phát hiện phòng giam đã cũ, cùm chân có thể tháo ra, tường xây bằng gạch có thể đục khoét được nên đã lập kế hoạch bỏ trốn, rủ Tình cùng thực hiện. Cả 2 bàn với nhau nhổ đinh sắt, lắc cùm chân khiến lỏng chốt sắt… để chuẩn bị “vượt ngục”.

Ngày 6/9/2017, 2 tử tù nghe dự báo thời tiết qua loa phát thanh của trại, biết Hà Nội sẽ có mưa to do ảnh hưởng bão nên đã thống nhất bỏ trốn vào nửa đêm về sáng. Hai ngày sau, lợi dụng được tháo cùm ra vệ sinh, Tình đã tháo, cất giấu đinh và vít sắt trên tường rồi lấy giấy vệ sinh bịt lại; Thọ lấy kem đánh răng bít kín ngoài lỗ đinh để quản giáo không phát hiện.

Tiếp đến, các đối tượng rút chỉ từ khăn mặt cưa lấy một mảnh nhựa từ hộp cơm. Thọ đã mài nhỏ mảnh nhựa, “chế” ra một chìa khóa để mở cùm của Tình. Cả 2 cũng tính toán, phải ra khỏi phòng giam trước 22h đêm để kịp thoát ra ngoài trước khi trời sáng.

Chiều 10/9/2017, Thọ lấy quần đùi và vỏ hộp bánh kẹo che lên đỉnh màn nhằm chắn tầm quan sát của camera đồng thời lắc mạnh cùm, rút chân ra ngoài. Đối tượng cũng lấy “chìa khóa” bằng nhựa hộp cơm mở cùm cho bạn tù.

Tiếp đến, cả 2 xé chăn bện thành đoạn dây dài 10m và xé túi ninon lấy dây buộc đinh, vít sắt vào 2 bàn chải đánh răng tạo dụng cụ khoét vữa tường gạch. Thọ cũng dùng cùm gỗ đập bong vữa tường gạch nơi mình nằm trong khi Tình đứng ngoài cảnh giới, nếu thấy quản giáo tới gần sẽ báo cho đồng bọn dừng lại.

Sau đó, cả 2 thay nhau khoét vữa tại mạch tường, cậy được 4 viên gạch ở lớp tường bên trong trước khi dùng cùm gỗ đục thủng lớp tường bên ngoài. Các tử tù còn cẩn thận, dùng quần bò quấn vào đầu cùm gỗ khi đục tường nhằm giảm tiếng động.

Khi tạo được lỗ hổng (23x34cm), Thọ và Tình kiên nhẫn đợi loa phát thanh của trại tạm dừng, mọi người đi ngủ mới lấy quần áo và dây vải tự chế trốn ra ngoài. Cẩn thận hơn, Thọ dùng chiếu nhét vào lỗ tường bị đục để ánh sáng không phát ra ngoài.

Kế hoạch chi tiết phá cùm, đào tường vượt ngục của 2 tử tù ảnh 1

Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ.

Ra khỏi buồng giam, 2 tử tù trèo qua nóc nhà, tường ngăn để đột nhập khu trạm xá, nhà bếp. Tại đây, chúng lấy đi búa tạ, xẻng để đào chân hàng rào lưới B40 và 1 thanh sắt hình chữ U buộc vào dây vải nhằm móc vào tường, đu ra ngoài.

Tuy nhiên, do có cảnh sát bảo vệ đi tuần và có người trên chòi C nên Thọ và Tình ngồi yên chờ đợi. Khoảng 3h ngày 11/9/2017, các đối tượng phát hiện quản giáo tại chòi C hết ca trực, xuống chòi D bàn giao nhưng quản giáo nhận nhiệm vụ đã không lên chòi C canh gác. Thọ và Tình nhanh chóng chui qua lớp lưới B40, đi lên chòi C rồi lấy áo che camera trước khi đu dây trốn khỏi trại T16. 

“Không ảnh hưởng bố mẹ”

Được “tự do”, cả 2 đi bộ lên đường đi nhờ xe với lý do: “Chúng tôi đi đơm cá, để xe trên bờ bị lấy trộm”. Tình cũng mượn điện thoại gọi cho bố đẻ đến đón mình tại khu vực Hà Đông (Hà Nội). Sau đó, cả 2 thuê taxi đi về khu đô thị An Khánh nhưng bị lái xe hỏi dò về quần áo nhiều bùn đất, có mùi hôi. Tình đáp lại: “Bọn anh đi chơi cờ bạc bịp, bị bọn nó phát hiện đuổi đánh”.

Trên taxi, Tình gọi điện lại cho bố và được biết ông bị tai nạn xe máy khi ra đón con. Vì vậy, 2 tử tù yêu cầu taxi di chuyển về nhà Tình lấy quần áo và 5 triệu đồng. Tiếp đến, cả 2 mượn xe máy đi tới nhà bị can Nguyễn Văn Hạnh (SN 1972, ở Kỳ Sơn, Hòa Bình) là cậu ruột của Tình để tìm chỗ trốn.

Ông Hạnh cùng cháu mình là Nguyễn Văn Việt (SN 1985) đã đưa Tình và Thọ lên rừng, nấu cơm cho cả 2. Việt còn giúp Thọ thuê taxi trốn đi nơi khác và cho Tình mượn xe máy đi về Mộc Châu (Hòa Bình).

Tình cũng nhận sự giúp đỡ của một người anh họ là bị can Nguyễn Văn Ba (SN 1989, ở Kỳ Sơn, Hòa Bình). Ba đã nhận điện thoại từ một thanh niên lạ mặt đưa cho Tình để liên lạc với một đối tượng tên Tuân (ở Vân Hồ, Sơn La) để Tuân đến đón. Tuy nhiên, khoảng 1h ngày 16/9/2017, Tình đi xe máy tới khu vực Mai Châu (Hòa Bình) thì bị bắt giữ.

Về phần Thọ, tử tù này trốn về Hưng Yên gặp một người tên Tuấn “quý” (chưa được làm rõ), đòi nợ được 100 triệu đồng. Sau đó, Thọ đi sang Hải Dương đón bạn gái là Nguyễn Thị Phương Lan (SN 1994, ở Chí Linh, Hải Dương) vào nhà nghỉ nói chuyện.

Lan biết Thọ bị kết án tử, vừa trốn trại nên hỏi người tình có định đầu thú không. Thọ trả lời: “Anh sẽ không về nhà làm ảnh hưởng bố mẹ, để anh suy nghĩ đã”. Chiều 16/9/2017, Thọ bắt taxi đi về khu vực Nam Sách (Hải Dương) liền bị công an bắt giữ.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.