Kể chuyện giải cứu khách Tây

Du khách quốc tế càng cảm tình đặc biệt với Việt Nam trong bối cảnh đại dịch
Du khách quốc tế càng cảm tình đặc biệt với Việt Nam trong bối cảnh đại dịch
TP - Trong bối cảnh du lịch suốt năm qua điêu đứng vì COVID-19, đây đó vẫn lấp lánh những câu chuyện ấm áp. Không ít du khách quốc tế mắc kẹt được “giải cứu” thật đẹp.

Ðường dây nóng đặc biệt

Chị Francesca Hughes (quốc tịch Anh) là nhân viên đang làm việc trong nhóm tiếp thị du lịch của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) được giao trực điện thoại 24/24 giờ trong giai đoạn Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội. Hàng trăm cuộc gọi, hàng chục người bước qua hoang mang từ sự tư vấn, hỗ trợ của tổng đài này.

Kể chuyện giải cứu khách Tây ảnh 1 Ông Dieter Schenk đam mê đưa văn hóa truyền thống địa phương vào từng góc thiết kế của khu TUI Blue Nam Hội An

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký TAB kể, từ đầu tháng 2 khi Việt Nam bắt đầu công bố những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, nhiều du khách gửi câu hỏi, thắc mắc đến TAB. Tháng 4/2020 thực hiện giãn cách xã hội, không ít khách mắc kẹt tại Việt Nam do các đường bay quốc tế bắt đầu bị hủy bỏ. Sau cuộc bàn bạc nhanh giữa các thành viên chủ chốt, TAB quyết định cung cấp đường dây trợ giúp bằng tiếng Anh từ 11/4 để du khách gọi điện và đặt các câu hỏi như nơi họ có thể mua đồ, khách sạn nào vẫn mở cửa, họ có thể ăn ở đâu, điều gì sẽ xảy ra nếu thị thực hết hạn.

Trong hàng trăm cuộc gọi của một tháng, bên cạnh những câu hỏi hỗ trợ thông tin thông thường, Francesca ghi chép lại không ít tình cảnh khốn khó của du khách nhưng họ lại gặp được sự trợ giúp nhiệt tình nhất. “Một người đàn ông Anh mất việc do COVID-19, không đủ tiền thuê nhà. Anh ấy liên hệ qua đường dây nóng, chúng tôi bèn đề nghị một khách sạn ở TPHCM hỗ trợ chỗ ở, kết nối giúp anh ấy vài cơ hội việc làm. May mắn cuối cùng anh ấy tìm được việc mới, nhờ đó đủ chi phí trả cho khách sạn đồng thời được gia hạn thị thực” chị Francesca Hughes kể.

Vợ chồng David và Denisa (Mỹ) gọi tới tổng đài ngày 20/4, thông báo rằng họ tới Yên Bái du lịch đúng dịp giãn cách, visa hết hạn. Sau này họ báo tin vui là chủ nhà trọ Yên Bái hết sức dễ thương khi cho họ ở gần như miễn phí, họ chỉ phải trả một số tiền ít ỏi. Cả hai lưu lại Yên Bái một tháng trước khi gia hạn thị thực và du lịch tới nhiều địa phương khác.

Một nữ du khách Pháp cảm kích khi cô bối rối vì đang ở TPHCM có việc cần di chuyển ra Nha Trang thì Francesca đã hỗ trợ cô làm thủ tục kiểm tra tình trạng chuyến bay, cách di chuyển ở Nha Trang.

Người Việt luôn được tiếng hiếu khách, giữa đại dịch lại thêm dịp để chứng minh. “Leonara người Mỹ ở Việt Nam khi dịch bùng phát, visa hết hạn và cô ấy bị mắc kẹt ở Đắk Lắk từ 11/4. Cô ấy gặp được vợ chồng chủ nhà trọ tốt bụng cho tá túc. Sau này Leonara trở lại Mỹ và kể, cảm thấy rất thoải mái trong những ngày tá túc ở nhà trọ đó. Một du khách người Nam Phi cố gắng về nhà khi dịch bệnh bùng phát. Ban đầu anh ấy cố gắng trở về nhưng rồi quyết định ở lại Việt Nam. Anh ấy nói đó là quyết định tốt nhất bởi anh ấy tìm được một công việc, tận hưởng cuộc sống ở Việt Nam. Mọi người đều khen ngợi sự hỗ trợ từ đường dây của chúng tôi. Hầu hết cho biết họ muốn ở lại Việt Nam vì đây là nơi an toàn trong bối cảnh COVID-19”, Francesca Hughes nói.

Một người Ðức yêu Hội An

Nhìn Dieter Schenk nhiều người không nghĩ ông là Giám đốc phát triển kinh doanh của tập đoàn TUI- một trong những tập đoàn lữ hành, du lịch lớn nhất châu Âu sở hữu nhiều công ty và tàu du lịch, hàng không, chủ yếu ở châu Âu, Địa Trung Hải và Mexico. Ông Dieter Schenk niềm nở, nhiệt tình, xăng xái lái xe giới thiệu cho du khách từng khu vực, phong cách thiết kế mang đậm hơi thở Hội An của khu nghỉ dưỡng TUI Blue Nam Hội An.

Với cương vị Giám đốc phát triển kinh doanh của tập đoàn TUI, ông Dieter Schenk có nhiệm vụ tìm kiếm cơ hội kinh doanh, chuẩn bị hợp đồng, hỗ trợ dự án trong giai đoạn đầu và hỗ trợ khi Giám đốc điều hành của khu nghỉ dưỡng tiếp quản công việc. Sau đó tập đoàn yêu cầu ông ở lại tới khi khai trương. “Trước khi khai trương vài tuần, Giám đốc điều hành xin nghỉ và về nước. Trong tình cảnh đó, chúng tôi nhận ra rằng dịch COVID-19 sẽ phức tạp hơn, tốt hơn là tôi ở lại để điều hành dự án và điều hành khu nghỉ dưỡng”, ông kể.

Ông Dieter Schenk cùng nhân viên địa phương vượt qua cơn bão của dịch bệnh và cơn bão tàn phá nặng nề hồi tháng 10 năm ngoái. “Thành thật mà nói, không ai ngờ dịch sẽ ảnh hưởng lớn, dai dẳng và trên diện rộng toàn thế giới như hiện tại. Từ tháng 3 tôi đã ở đây và cố gắng vượt qua khó khăn với nhân viên. Tôi muốn nói lời cảm ơn tới toàn bộ đội ngũ nhân viên”, ông nói.

Kỳ Giáng sinh và đón năm mới này là năm đầu tiên ông Dieter không thể đoàn tụ gia đình tại Đức. Chọn ở lại Việt Nam bởi một khi quay trở về Đức gần như không biết trước ngày trở lại Việt Nam. Dieter Schenk nói rằng, đất nước của các bạn có thể tự hào về công dân của mình. Ông rất ngạc nhiên và có những đánh giá rất cao với cách người dân ở đây làm việc và ứng phó với dịch. Ông tiếp tục làm việc ở Việt Nam, gắn bó với khu nghỉ dưỡng ở vùng đất du lịch còn khá mới mẻ ở Tam Kỳ.

Đường dây nóng hỗ trợ du khách quốc tế do TAB đề xuất từ ngày 11/4 đến 14/5. TAB cũng đã xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu để sẵn sàng cung cấp cho khách các thông tin về đường dây nóng của Bộ Y tế, công an xuất nhập cảnh, taxi, đại sứ quán của các nước tại Việt Nam, các bệnh viện và cơ sở xét nghiệm nhanh COVID-19, các khách sạn và các nhà hàng còn mở cửa nhận khách tại các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, TPHCM, Hạ Long, Hội An, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, Nha Trang, Cần Thơ và Phú Quốc.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.