Kể cách khác về bạo lực tình dục

TP - Kẻ bạo hành (xâm hại tình dục trẻ em) và nạn nhân được thể hiện trong một tác phẩm điêu khắc thủng lỗ chỗ. Vô số vỏ chai rượu, lon bia bẹp dúm ngổn ngang  phơi bày nguy cơ bạo lực gia đình từ chất kích thích. Những bức chân dung “mờ nhân ảnh” với dòng chữ đầy ám ảnh... Người xem khá sốc khi bước chân vào triển lãm “Lỗ hổng cavani”.
Sắp đặt “Tĩnh” của Vũ Văn Việt. Ảnh: Lan Hương.

Lỗ hổng Cavani” là triển lãm ảnh và nghệ thuật sắp đặt được thực hiện bởi nhóm S.E.A, trong dự án “Phòng chống bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em”, bảo trợ bởi CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên) .

Quản lý nhóm tác giả Vũ Hải Anh cho biết S.E.A là chữ cái đầu tên tiếng Anh ba ngành học của bốn thành viên nhóm là Xã hội học, Kinh tế, Nghệ thuật.  S.E.A chỉ có một tháng để phỏng vấn, sáng tác và cho ra mắt một cách hiểu, một cách kể khác về đề tài vốn đang rất nóng trên các phương tiện truyền thông - “bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em”.

Kẻ xâm hại và nạn nhân đều có lỗ thủng

Hầu hết người xem bước vào triển lãm đều tò mò pha chút sợ  tiến ngay đến chiếc lồng vải đen ở giữa phòng, sắp đặt mang tên “Lỗ hổng cavani”. Trong ánh sáng nhập nhoạng, kẻ xâm hại đang choàng tay về phía một em nhỏ, cạnh đó còn một em bé hơn đang ôm con gấu bông. Tác phẩm làm từ giấy bồi và vỏ chai nhựa phế thải. Trên người kẻ thủ ác và nạn nhân có những dòng chữ trích từ các bài báo về  vụ án xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em. Tác giả, nghệ sĩ Phạm Khắc Thắng chia sẻ: “Sở dĩ tôi để các lỗ thủng lớn trên người kẻ gây tội và nạn nhân vì tôi nghĩ sau tất cả tâm hồn họ đều có vết hổng. Nạn nhân mang vết thương tinh thần đó có khi đến hết đời, kẻ thủ ác cũng có thể trong tuổi thơ là nạn nhân của bạo lực, giờ họ làm điều ác cho đứa trẻ khác, tâm hồn họ mãi mãi khuyết thủng như vậy”. Cavani là viết tắt của “câm và nín”. Nếu người trong cuộc cứ câm nín thì họ sống mãi với lỗ hổng đó.

Sắp đặt “Tĩnh” của họa sĩ Vũ Tuấn Việt được làm từ hàng trăm vỏ lon bia, vỏ chai rượu, vỏ bao thuốc lá, vỉ thuốc tân dược (thuốc kích thích). Các lon bia nhàu bẹp, có cái bị xé rách tạo thành cánh tay vươn lên. Ánh sáng đèn hắt, tạo hiệu ứng hình bóng in lên tường cảnh hỗn loạn, của bạo lực và sự kêu cứu. Trên tường có nhiều dấu X màu đỏ mang tính báo động. Một vài bông hồng khô và tươi hắt bóng trên tường cho cảm giác tuyệt vọng và hy vọng. Theo tác giả sợi chỉ đỏ đan chồng chéo trong tác phẩm là “sợi dây tơ hồng”. Khi hòa thuận, sợi tơ gắn kết các thành viên trong gia đình, khi bạo lực xảy ra nó lại trở thành gông xích, giam cầm người phụ nữ. Đứng khá lâu trước sắp đặt “Tĩnh”, Hoàng Huy Dương (sinh viên Hà Nội) thổ lộ anh ngộ ra rất nhiều điều  “về thứ bạo lực tồn tại trong gia đình, làng xóm mà hầu hết người trong cuộc không biết mình là nạn nhân hoặc kẻ bạo hành”.

Bí mật sau bức chân dung “mờ nhân ảnh”

Nhận việc phỏng vấn 20 nạn nhân của bạo lực tình dục, Nguyễn Thùy Linh khá hoang mang vì vốn là cử nhân ngành kinh tế, đây là lần đầu chị tham gia hoạt động xã hội với chủ để nhạy cảm thế này. Chỉ có năm trong số 20 nạn nhân đồng ý cho nhóm dự án kể hộ câu chuyện của họ theo ngôn ngữ nghệ thuật. Vì cam kết bảo mật tên tuổi, không để lộ mặt nên những bức ảnh chân dung được thực hiện bởi một nhiếp ảnh gia tay nghề cao. Sau phỏng vấn, Thùy Linh hẹn riêng từng nhân vật và người chụp ảnh đến một phòng  kín đáo. Năm bức ảnh chân dung  phóng to treo trên tường là năm góc độ khó nhận ra nhân vật nhất. Một bờ vai xòa tóc, một khóe miệng cười, một ánh mắt dõi nhìn xa xăm. Trên mỗi bức là câu nói ám ảnh trích từ lời kể của nhân vật. Thùy Linh gỡ băng ghi âm phỏng vấn, chép tay lại một đoạn tự sự vào cuốn sổ, dán một vài tấm ảnh khoảnh khắc của nhân vật đó thành tác phẩm sách nghệ thuật. Người xem có thể ngắm năm bức chân dung trên tường và xem tiếp câu chuyện trong năm cuốn số đặt trên bàn.

Trên một bức chân dung có dòng chữ “Tao không tin mày, mẹ tôi nói thế”. Cô gái trong ảnh hồi 11 tuổi đã từng bị bố và anh trai hiếp dâm trong hai năm liền. Khi mẹ biết chuyện, bà nói với cô một câu lạnh tanh. Hiện giờ cô đã cắt liên hệ với gia đình, bỏ đến một nơi xa làm công nhân.

Trong quá trình làm dự án, Thùy Linh ấn tượng nhất với nhân vật một phụ nữ trung niên. Nhìn bề ngoài, gia đình khá giả, vợ chồng chị đẹp đôi, con cái thành đạt. Chồng chị là trí thức nhưng ghen tuông bệnh hoạn. Có lần do ghen bóng gió, anh ta đã đánh vợ đến nhập viện. Sau cuồng ghen anh ta ép vợ quan hệ tình dục kiểu thú tính bất chấp chị ốm đau hoặc không đồng thuận. Điều khiến Thùy Linh ngạc nhiên là người vợ khốn khổ vẫn tưởng chồng ghen và cuồng dâm kéo dài nhiều năm là do quá yêu vợ. Linh hỏi chị: “Có lúc nào chị nảy ý định ly dị không”. Câu trả lời của chị sau đó được nhóm trích ra đưa lên ảnh chân dung: “Làm gì có ai ly hôn về chuyện ấy, xấu hổ lắm”.

Nhóm tác giả “Lỗ hổng cavani” và khán giả có chung cảm nhận rằng, nếu không gặp gỡ tiếp xúc thì không bao giờ họ biết hiện thực tàn nhẫn, bạo lực đến thế. “Hóa ra những vụ án bạo lực tình dục chúng ta biết qua báo chí đã được kể giảm nhẹ đi rất nhiều”.