Jetstar Pacific đổi tên, thay nhận diện thương hiệu khi Qantas rút lui

TPO - Cổ đông lớn nhất của Jetstar Pacific là Vietnam Airlines (VNA) cho hay, hãng và Tập đoàn Qantas (Úc) đã thống nhất xúc tiến những thay đổi đối với Jetstar Pacific, đối tác Úc có thể sẽ chuyển giao cổ phần của mình lại cho VNA. Dự kiến, hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam sẽ đổi lại tên như trước đây là Pacific Airlines và thay nhận diện thương hiệu mới.
Jetstar Pacific đổi tên, thay nhận diện thương hiệu khi Qantas rút lui ảnh 1 Jetstar Pacific đang tiến hành các thủ tục cần thiết để đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines, với logo và bộ nhận diện thương hiệu mới.

Theo đó, Jetstar Pacific đang tiến hành các thủ tục cần thiết để đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines, với logo và bộ nhận diện thương hiệu mới được truyền cảm hứng từ màu sắc chủ đạo của VNA (màu xanh). Thời điểm Jetstar Pacific chính thức hoạt động dưới tên mới Pacific Airlines sẽ dựa theo quyết định của nhà chức trách.

Pacific Airlines cũng chuyển hệ thống đặt chỗ từ Navitaire sang Sabre - hệ thống VNA đang vận hành, để đồng bộ hoá mạng bay, các thủ tục đặt chỗ và tính năng dành cho khách hàng với VNA.  

Ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc VNA, kiêm Chủ tịch HĐQT Pacific Airlines cho biết, các hãng hàng không chi phí thấp đóng vai trò nhất định trong quá trình phục hồi ngành hàng không. Với việc đồng bộ hoá hệ thống bán và mạng bay, Pacific Airlines và VNA sẽ tăng cường hiệu quả khai thác, năng lực cạnh tranh trong cả phân khúc hàng không truyền thống lẫn chi phí thấp.

Được biết, trong ngắn hạn, VNA đang đàm phán với Tập đoàn Qantas và báo cáo Chính phủ Việt Nam về việc tiếp nhận chuyển giao vốn từ Qantas sang VNA. Qua việc chuyển giao này để xử lý các khó khăn và tồn tại của Jetstar Pacific.

Về dài hạn, VNA dự kiến sẽ tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược mới. Qua đó để mở rộng quy mô vốn và quy mô sản xuất kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh và tăng thị phần.

Thời gian qua, VNA với vai trò cổ đông lớn tại Jetstar Pacific đã tham gia tái cơ cấu hãng hàng không gía rẻ này, từ chỗ sau nhiều năm lỗ liên tục, năm 2018-2019 đã bắt đầu có lãi (dù vẫn lỗ luỹ kế hơn 4.000 tỷ đồng). Dù vậy, dịch COVID-19 xảy ra vào đầu năm 2020, đã khiến các hãng hàng không thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, do hoạt động kinh doanh bị gián đoạn.

Hiện Qantas Group đang sở hữu 30% cổ phần Jetstar Pacific Airlines. Jetstar Pacific có đội tàu bay 18 chiếc A320, khai thác 33 đường bay trong nước và quốc tế. Nếu không xảy ra dịch bệnh, trong năm nay hãng này dự kiến nâng đội tàu bay lên 30 chiếc.

Jetstar Pacific Airlines được thành lập ngày 15/6/1991, với tên gọi ban đầu là Pacific Airlines, là hãng hàng không cổ phần đầu tiên của Việt Nam, với 7 cổ đông góp vốn ban đầu.

Năm 2007, Tập đoàn Hàng không quốc gia Úc – Qantas Group (Qantas Airways) đã mua lại 30% cổ phần Pacific Airlines để trở thành cổ đông chiến lược, và đổi tên hãng thành Jetstar Pacific Airlines. Với chiến lược phát triển hãng không giá rẻ.

Hãng này đã trải qua 2 lần tái cơ cấu vào các năm 2008 – sau khi Qantas tham gia góp vốn và chuyển sang mô hình hàng không giá rẻ; và năm 2012 – khi 68% vốn tại Jetstar Pacific được Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chuyển giao cho Vietnam Airlines.

Dù vậy, việc kinh doanh hàng không giá rẻ của Jetstar Pacific khá khó khăn, đặc biệt là chịu sự cạnh tranh khốc liệt sau khi hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air ra đời.

MỚI - NÓNG
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.