Công ty UVision của Israel sẽ trình diễn hai hệ thống vũ khí “lảng vảng” tại khu vực thử nghiệm Dugway ở bang Utah nhằm thâm nhập thị trường Mỹ, tạp chí quốc phòng Mỹ Breaking Defense đưa tin ngày 20/7.
Gọi là vũ khí “lảng vảng” vì bản chất là máy bay không người lái mang theo đầu đạn bay lảng vảng xung quanh khu vực mục tiêu trong một thời gian dài (tối đa 6 giờ), tìm kiếm, xác định, định vị mục tiêu rồi tấn công.
Được dùng rộng rãi trong xung đột Nagorno-Karabakh
Hệ thống vũ khí “lảng vảng” của Israel đã được sử dụng rộng rãi trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia hồi năm 2020. Hồi đó, Azerbaijan chủ yếu sử dụng hệ thống vũ khí “lảng vảng” có tên Harop của Công ty Israel Aerospace Industries (IAI). Harop có kích thước lớn hơn loại vũ khí “lảng vảng” mới nhất do UVision sản xuất.
![]() |
Hệ thống vũ khí “lảng vảng” có tên Harop của Công ty Israel Aerospace Industries. Ảnh: IAI. |
UVision hy vọng xuất khẩu được hệ thống vũ khí “lảng vảng” mới nhất sang Mỹ. Trước đó, Lục quân Mỹ đã mua hệ thống Switchblade do công ty Mỹ AeroVironment sản xuất.
Gần đây, UVision giành được hợp đồng cung ứng hệ thống vũ khí “lảng vảng” mang tên Hero-120 cho lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Hệ thống này sẽ được tích hợp với xe hạng nhẹ LAV-M, xe chiến thuật hạng nhẹ hỗn hợp (LRUSV) có khả năng tự hành trong tương lai.
UVision đã thành lập một công ty con ở Mỹ với hy vọng ký được thêm hợp đồng với các lực lượng vũ trang Mỹ để xuất khẩu hệ thống vũ khí “lảng vảng” mới.
![]() |
Triển khai hệ thống vũ khí “lảng vảng” Switchblade (do công ty Mỹ AeroVironment sản xuất) tấn công tàu nhỏ trên biển. Đồ họa: Chuck Hill. |
Avi Mizrachi, thiếu tướng về hưu của Israel, hiện là tổng giám đốc điều hành của UVision, nói với Breaking Defense: “Một số hệ thống của chúng tôi đã được chứng minh về khả năng chiến đấu. Tôi không thể tiết lộ chi tiết, nhưng kết quả hoạt động sẽ được trình bày cho người Mỹ biết”.
Vì chiến trường biến đổi nhanh chóng, nên UVision đang tập trung phát triển các hệ thống vũ khí mới, và xuất khẩu sang “Đông Âu – nơi có một số quốc gia lo ngại chiến sự có thể bùng phát như giữa Nga và Ukraine”, ông Mizrachi nói.
Bay 2 giờ trên không để tìm diệt mục tiêu
Theo ông Mizrachi, các lực lượng vũ trang Mỹ đang xem xét hệ thống vũ khí “lảng vảng” Hero-30 và Hero-400. Bộ Quốc phòng Israel đã mua hệ thống Hero-30 và trang bị cho các lực lượng phòng vệ Israel.
Hero-30 có năng lực theo dõi với độ chính xác cao rồi khóa mục tiêu. Hệ thống này còn có tính năng hủy nhiệm vụ vào giây cuối cùng, tham gia vụ tấn công thứ hai hoặc thay đổi mục tiêu. Hero-30 hiện nay nặng 2,9 kg (tính riêng vũ khí – máy bay không người lái) và được vận chuyển trong hộp kim loại. Hộp này cũng được sử dụng làm máy phóng khí nén.
Khi được phóng ra, một động cơ điện sẽ chạy và vũ khí hoạt động trên không ở độ cao 305-610 m trong vòng 30 phút. Vũ khí cũng truyền video về cho người vận hành.
UVision đang chào bán cho người Mỹ hệ thống vũ khí “lảng vảng” Hero-30 phiên bản đặc biệt, nhẹ hơn và mang được đầu đạn nặng hơn 0,5 kg. Hãng cũng đang tìm cách kéo dài thời gian vũ khí hoạt động trên không.
![]() |
Phóng Hero-30. Ảnh: EDR. |
Theo tướng về hưu Mizrachi, các lực lượng của Mỹ cũng sẽ thử nghiệm hệ thống Hero-400 có kích thước lớn hơn, được phóng từ các tổ hợp phóng gắn trên xe hoặc đặt tại các căn cứ hoạt động tiền phương (FOB). Hệ thống vũ khí “lảng vảng” tối tân này có thể hoạt động trên không trong 2 giờ liên tục, có đầu đạn đa năng có thể dùng trong các chiến dịch chống tăng, xuyên bê tông và chống cá nhân. Giống như Hero-30, hệ thống Hero-400 có thể được thu hồi trong trường hợp cần thiết (hủy nhiệm vụ vào giây cuối, đổi mục tiêu, tấn công lần sau).
![]() |
Máy bay không người lái Predator phóng tên lửa. Ảnh: General Atomics. |
Tướng về hưu Mizrachi nói rằng, giá của các hệ thống vũ khí “lảng vảng” do UVision sản xuất “rẻ hơn rất nhiều so với các hệ thống khác, trong khi đã được chứng minh về khả năng chiến đấu, và liên tục được nâng cấp dựa trên kết quả hoạt động”.
![]() |
Tên lửa hành trình Tomahawk. Ảnh: Getty Images. |
Dưới đây là bảng so sánh giữa 3 loại vũ khí có nhiều đặc điểm chung là tên lửa hành trình (như Tomahawk Block IV), vũ khí “lảng vảng” (như Harop) và máy bay không người lái tấn công (như Predator MQ-1).
Đặc điểm | Tên lửa hành trình | Vũ khí “lảng vảng” | Drone tấn công |
Chi phí | Thấp | Thấp | Cao |
Khả năng thu hồi sau khi phóng | Không | Thường là không | Có |
Đầu đạn tích hợp | Có | Có | Không |
Bổ nhào kiểu tàng hình vào mục tiêu | Thường là có | Thường là có | Thường là không |
Mức độ lảng vảng | Không hoặc hạn chế | Có | Thường là có |
Cảm biến để bắt mục tiêu | Hạn chế | Có | Thường là có |
Kiểm soát và chỉ huy trong khi bay | Thường là hạn chế | Có | Có |
Tầm bay nói chung | Dài, được tối ưu cho tốc độ bay không đổi | Ngắn | Ngắn (ngắn hơn cho chuyến bay khứ hồi) |
Tốc độ nói chung | Thường là cao | Thường là thấp | Phụ thuộc vai trò |
Tầm bay cụ thể | 1.600 km | 1.000 km | 1.100 km |
Tốc độ tối đa | 880 km/h | 190 km/h | 217 km/h |
Thời gian bay | 2 giờ | 6 giờ | 24 giờ |
Tổng trọng lượng có tải | 1.588 kg | 135 kg | 1.020 kg |
Vũ khí | Đầu đạn 450 kg | Đầu đạn 23 kg | 2 tên lửa Hellfire AGM-114 hoặc 6 tên lửa không đối đất Griffin AGM-176 |
Chiều dài | 6,25 m | 2,5 m | 8,22 m |
Sải cánh | 2,67 m | 3 m | 16,8 m |