Đại sứ 27 nước EU có mặt tại buổi trao đổi kín với người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Israel, ông Yaakov Amidror diễn ra một tuần trước.
Thông tin này được các nhà ngoại giao chia sẻ với tờ Haaretz. Trong khi đó, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tiết lộ với kênh truyền hình Al Manar của Hezbollah rằng, Syria đã nhận được lô S-300 đầu tiên. Israel đang xác minh thông tin Nga đã cung cấp S-300 cho Syria.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi trao đổi với các ngoại trưởng châu Âu đã bày tỏ lo ngại rằng, S-300 vốn là một trong những hệ thống phòng không tân tiến nhất thế giới sẽ cho phép Syria “đóng cửa” toàn bộ không phận Israel, biến nó thành vùng cấm bay.
Gọi việc chuyển giao S-300 của Nga là “mối đe dọa an ninh nghiêm trọng” đối với Israel, ông Netanyahu cảnh cáo Israel “sẽ không thể khoanh tay ngồi nhìn”.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Al-Manar của phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah ở Li-băng ngày 30/5, Tổng thống Syria Bashar al-Assad nói: “Syria đã nhận được đợt đầu tiên các tên lửa phòng không S-300 do Nga chế tạo. Số hàng còn lại sẽ đến Syria cuối ngày hôm nay (30/5)”. Al-Manar phát đi thông báo của ông Assad trong bản tin ngày 30/5. Theo các nhà phân tích, nội dung thông báo này có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và ảnh hưởng xấu tới nỗ lực tổ chức các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn về tình hình ở Syria.
Trước đó, ông Netanyahu cấm các bộ trưởng dưới quyền bình luận công khai về S-300. Nhưng sau những cánh cửa đóng kín, trong các cuộc gặp các bộ trưởng và nhà ngoại giao ngoại quốc, ông Netanyahu tiếp tục bày tỏ lo ngại với hy vọng gia tăng áp lực đối với ban lãnh đạo Syria.
Israel đang có những nỗ lực cuối cùng hòng thuyết phục Điện Kremlin từ bỏ việc chuyển giao tên lửa. Vì thế, thứ Ba vừa rồi, các quan chức tình báo cao cấp Israel đã đến Moskva. Cuộc đấu vẫn tiếp diễn trên mặt trận thầm lặng, trong khi các quan chức Israel chính thức nói rằng, họ không định thuyết phục Nga hủy bỏ việc chuyển giao tên lửa nữa.
Rõ ràng là chính quyền Israel đã quyết định là phải tự mình vô hiệu hóa các hệ thống S-300 ở Syria. Ngày 28/5/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya’alon đã tuyên bố, S-300 là mối đe dọa và cho biết “Thương vụ còn chưa được thực hiện, nhưng nếu như điều đó vẫn xảy ra, chúng tôi sẽ biết phải làm gì”.
Mặc dù, ông Ya’alon không nói rõ về các hành động của Israel, nhưng ta biết là trước đây, Israel đã không chỉ một lần tấn công và tiêu diệt các vũ khí nguy hiểm tiềm tàng đối với họ ở các nước láng giềng trước khi chúng được đưa vào trực chiến. Một trường hợp như thế xảy ra gần đây nhất vào đầu tháng 5/2013, khi các máy bay của Không quân Israel tiêu diệt các kho tên lửa đất đối đất dành cho Hezbollah ở ngoại ô Damascus.
Đầu tháng 5/2013, báo chí Mỹ đưa tin Nga dự định cung cấp S-300 cho Syria, điều này khiến Israel và Mỹ chỉ trích Nga dữ dội.
Hiện nay, nòng cốt của hệ thống phòng không Syria là các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm trung. S-300 có tầm bắn xa, cho phép củng cố mạnh mẽ hệ thống phòng không Syria, cản trở nặng nề hoạt động của không quân Israel trong khu vực, kiềm chế khả năng Mỹ và phương Tây áp đặt vùng cấm bay hoặc can thiệp quân sự vào Syria.
Theo Vietnamdefence/Lenta, Newsru