Iran sốt sắng cùng Mỹ giải quyết vấn đề hạt nhân

Iran sốt sắng cùng Mỹ giải quyết vấn đề hạt nhân
TP - Đại diện cấp cao của Mỹ và Iran hôm qua gặp nhau lần đầu tiên kể từ cuộc cách mạng Iran năm 1979. Tổng thống Iran Hassan Rouhani bày tỏ mong muốn đạt được thỏa thuận với các cường quốc thế giới về chương trình hạt nhân của nước này trong vòng 3-6 tháng tới.

> Nga giúp Mỹ thoát 'chiếc bẫy chính trị' Syria?
> Iran sẽ 'ra đòn' nếu Mỹ tấn công Syria

Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu trước phiên họp thứ 68 của Đại hội đồng LHQ hôm 25/9 ở New York. Ảnh: Stan Honda
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu trước phiên họp thứ 68 của Đại hội đồng LHQ hôm 25/9 ở New York. Ảnh: Stan Honda.

Chưa có cuộc đối thoại song phương nào giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif được sắp xếp, nhưng họ vẫn có cơ hội trao đổi nhanh bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đang diễn ra ở Mỹ, làm dấy lên hy vọng đạt được bước đột phá trong các cuộc đàm phán kéo dài.

Một số nhà phân tích nhận định, việc Iran đột nhiên sốt sắng cùng Mỹ giải quyết vấn đề hạt nhân có thể liên quan vấn đề Syria. Có khả năng Tehran đã chuẩn bị để rời xa Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Ông Zarif là ngoại trưởng Iran đầu tiên ngồi xuống đối thoại với ngoại trưởng của 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ, cộng thêm Đức để thảo luận chương trình hạt nhân của Tehran.

Cuộc gặp này diễn ra sau khi có đồn đoán rằng Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ gặp hoặc ít nhất sẽ bắt tay với Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề phiên họp Đại hội đồng LHQ và trả lời phỏng vấn báo chí Mỹ.

Khi được hỏi về khung thời gian giải quyết vấn đề hạt nhân, ông Rouhani nói: “Thời gian càng ngắn thì càng có lợi cho mọi người. Lựa chọn của Iran là 3 tháng, hoặc 6 tháng cũng tốt. Đó là vấn đề của vài tháng chứ không tính bằng năm”.

Phát biểu với báo Mỹ The Washington Post, ông Rouhani cho rằng, một bản nghị quyết về vấn đề hạt nhân là “bước khởi đầu” để giảm căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran, đồng thời cho biết ông đã được nhà lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Khamenei trao toàn quyền đàm phán vấn đề này.

Ông Rouhani nói rằng, dù Iran và Mỹ nhiều năm thù địch, nhưng nếu ông và Tổng thống Obama phối hợp cùng nhau thì sẽ cùng “nhìn về tương lai”. “Những bức thư và trao đổi giữa chúng tôi đang đi theo hướng đó, và sẽ tiếp tục như thế. Chúng tôi cần một điểm khởi đầu. Tôi nghĩ đó là vấn đề hạt nhân”, Tổng thống Iran nói với The Washington Post.

Bài toán kinh tế

Ông Rouhani nói trước Đại hội đồng LHQ rằng, ông đã chuẩn bị tham gia các phiên đàm phán “có giới hạn thời gian và hướng tới kết quả” về vấn đề hạt nhân. Iran đàm phán với 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức từ năm 2006 về chương trình hạt nhân.

Phương Tây nghi ngờ Iran đang cố gắng phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng nước này lâu nay vẫn cương quyết bác bỏ. Vì thế, Tổng thống Obama lần này hoan nghênh “cách thể hiện vừa phải” của Tổng thống Iran mới lên nắm quyền.

Theo một số nhà phân tích, một trong những lý do khiến Tổng thống Iran muốn có thỏa thuận về chương trình hạt nhân là nhằm giúp thúc đẩy nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ những biện pháp trừng phạt quốc tế gắn liền chương trình hạt nhân của nước này.

Tổng thống Mỹ Obama không ngừng gây áp lực lên nền kinh tế của Iran từ khi lên lãnh đạo vào năm 2008. Trước cuộc bầu cử tổng thống ở Iran vài tháng trước, các cường quốc thế giới đề xuất sẽ bỏ một số biện pháp trừng phạt gây ảnh hưởng xấu lên nền kinh tế Iran, đổi lại nước này giảm quy mô làm giàu uranium của mình.

TRÚC QUỲNH
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.