Iran sẽ sản xuất vũ khí hạt nhân?

Iran sẽ sản xuất vũ khí hạt nhân?
TPO - Iran ngày 1/7 tuyên bố lượng uranium được làm giàu đã vượt ngưỡng cho phép được nêu trong thỏa thuận quốc tế; điều này làm dấy lên lo ngại Iran có khả năng sẽ chế tạo được vũ khí hạt nhân.

Iran đã vượt qua giới hạn về lượng uranium được làm giàu của nước này nêu trong thỏa thuận hạt nhân do Trung Quốc, Pháp, Đức, Liên minh châu Âu, Iran, Nga, Anh và Mỹ ký năm 2015. Đây là vi phạm đầu tiên đối với thỏa thuận quốc tế sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi văn kiện này một năm trước, NPR đưa tin ngày 1/7.

Ngày 1/7, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố nước này hiện có hơn 300 kg uranium được làm giàu ở cấp độ thấp. Ngưỡng tối đa cho phép được nêu trong thỏa thuận hạt nhân là 300 kg.

Giới hạn 300 kg là một phần của Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) – một thỏa thuận quốc tế dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama mà Tổng thống Trump rút khỏi hồi tháng 5/2018.

Theo IRNA (Thông tấn xã Cộng hòa Hồi giáo Iran), Ngoại trưởng Zarif nói rằng, nước ông chưa thấy lợi ích kinh tế nào được hứa hẹn có được nếu tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Ông Zarif cũng nói rằng, theo điều khoản JCPOA, Iran được phép vượt giới hạn về uranium được làm giàu.

Iran sẽ sản xuất vũ khí hạt nhân? ảnh 1 Một kỹ thuật viên Iran làm việc tại cơ sở chuyển đổi uranium Isfahan cách thủ đô Tehran khoảng 420 km (ảnh chụp năm 2007). Ảnh: Getty Images.

Iran gây sức ép với phương Tây?

Uranium được làm giàu ở cấp độ thấp là một phần quan trọng của JCPOA. Bình thường, loại nhiên liệu này không bị coi là nguy hiểm, có thể được dùng để sản xuất điện hạt nhân.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng, nếu lượng uranium được làm giàu ở cấp độ thấp tiếp tục tăng lên sẽ tạo điều kiện cho Iran một ngày nào đó có thể quyết định làm giàu ở cấp độ cao hơn, tới điểm mà nhiên liệu có thể được dùng trong đầu đạn hạt nhân. Một lượng lớn uranium được làm giàu ở cấp độ thấp có thể được tinh chế để chế tạo bom hạt nhân tương đối nhanh.

Quả bom nguyên tử Mỹ thả tháng 8/1945 phá hủy thành phố Hiroshima của Nhật Bản chứa vài chục cân uranium 235 được làm giàu ở cấp độ cao, nhưng có sức công phá tương đương 12.000-15.000 tấn thuốc nổ TNT, theo cuốn sách “Astonishing the Wild Pigs: Highlights of Technology” của Lucien F. Trueb.

Hồi đầu tháng 5, Iran tuyên bố sẽ viện dẫn Điều 36 của JCPOA. Theo Iran, đó là một phân trong thỏa thuận quốc tế cho phép nước này tăng sản lượng nhiên liệu hạt nhân nếu các chính phủ nước ngoài không thực hiện cam kết đem lại lợi ích kinh tế cho Iran.

Iran đưa ra tuyên bố trên sau khi chính quyền Donald Trump hủy việc miễn áp dụng trừng phạt Iran trong một số trường hợp ngoại lệ. Cụ thể, trước đó, một số nước được phép mua dầu mỏ của Iran.

Thay vì rút hoàn toàn khỏi JCPOA, Iran nói rằng, họ sẽ không đưa uranium được làm giàu ở cấp độ thấp ra nước ngoài. Điều này cho phép Iran tích lũy nhiên liệu hạt nhân và vượt ngưỡng cho phép nêu trong thỏa thuận năm 2015.

Khi khẳng định Iran đã phá vỡ giới hạn tích trữ uranium, Ngoại trưởng Zarif cũng nói rằng, nước ông sẽ tiếp tục vượt giới hạn tiếp theo.

Theo thỏa thuận hạt nhân, Iran cam kết làm giàu uranium chỉ ở cấp độ thấp – cao nhất là 3,67%. Iran phải tuân thủ quy định này trong 15 năm. Nhưng vì các điều khoản chính của thỏa thuận đang bị bỏ rơi, quy định hạn chế về thời gian đó đang có nguy cơ bị phá vỡ.

“Bước tiếp theo là về mức trần 3,67%,” ông Zarif tuyên bố hôm 1/7.

Giới hạn 300kg được đặt ra để giữ cho Iran luôn thiếu khoảng một năm để tích trữ đủ uranium nước này cần nếu muốn chế tạo một vũ khí hạt nhân. Lãnh đạo Iran luôn nói rằng, chương trình hạt nhân của họ không phải để sản xuất vũ khí hạt nhân. Nhưng JCPOA được thiết kế để đảm bảo Iran không thể sản xuất vũ khí hạt nhân.

Với việc vượt quá giới hạn tích trữ uranium được làm giàu ở cấp độ thấp, Iran đang gây sức ép với phương Tây để châu Âu giảm bớt lệnh trừng phạt (để đổi lại việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân), nhiều nhà phân tích nhận định.

Iran sẽ sản xuất vũ khí hạt nhân? ảnh 2 Hai quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945. Ảnh: SAM.


Lý do làm giàu uranium

Uranium được dùng để sản xuất điện hoặc vũ khí hạt nhân là loại uranium 235 rất hiếm trong tự nhiên. Uranium tự nhiên có 99,284% đồng vị uranium 238, trong đó chỉ có khoảng 0,711% là uranium 235. Uranium 235 là đồng vị duy nhất có mặt trong tự nhiên có thể phân hạch bằng nơtron nhiệt.

Để tăng tỷ lệ hợp phần uranium 235 (tức làm giàu uranium), người ta thực hiện quá trình tách đồng vị. Uranium được làm giàu ở cấp độ thấp có ít hơn 20% hàm lượng uranium 235. Khi sử dụng trong các lò phản ứng nước nhẹ thương mại (các lò phản ứng phát điện phổ biến nhất trên thế giới), uranium được làm giàu có từ 3 đến 5% uranium 235.

Hiện có nhiều phương pháp để làm giàu uranium như tách đồng vị điện từ, khuyếch tán nhiệt, khuyếch tán khí, khí động học, tách đồng vị laser, trao đổi i-ôn và hoá học, tách plasma, khí ly tâm… Nhiều nước, trong đó có Iran đang sử dụng phương pháp ly tâm để làm giàu uranium. 

Theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, Iran phải giảm số lượng máy ly tâm uranium từ khoảng 19.000 xuống còn 5.060 trong vòng 10 năm. 

Iran sẽ sản xuất vũ khí hạt nhân? ảnh 3 Các máy ly tâm được dùng để làm giàu uranium ở Iran. Ảnh: Iran Daily.
MỚI - NÓNG