Internet và những cuộc chiến tranh không khói súng

Sự phổ biến của Internet và các thiết bị kết nối đã hình thành nên những cuộc chiến tranh không khói súng.

>Nhà mạng tìm cách chặn dịch vụ gọi điện miễn phí

Sự xuất hiện liên tiếp của những sâu máy tính tinh vi như Stuxnet, Duqu hay Flame những năm qua khiến giới bảo mật tin rằng một số quốc gia đang giải quyết xung đột quốc tế bằng các cuộc tấn công có chủ đích trên Internet thay vì tấn công quân sự. Không như nhiều virus khác được phát tán nhan nhản qua mạng, những phiên bản mã độc này thể hiện rõ là chúng đang làm nhiệm vụ gián điệp và phá hoại, như Stuxnet tấn công vào chương trình hạt nhân của Iran.

Các tổ chức tình báo luôn khai thác nhiều cách khác nhau để nắm được thông tin mật của nước khác. Với sự thịnh hành của thiết bị điện tử và mạng kết nối, không có lý do gì để họ bỏ qua công cụ này trong việc thám thính hoạt động đối phương, thậm chí của cả đối tác. "Stuxnet, Duqu và Flame cho thấy chúng ta đang trong kỷ nguyên mới", Scott Borg, Giám đốc viện nghiên cứu U.S. Cyber Consequences Unit, cho hay. "Chiến tranh ảo không loại trừ bất cứ quốc gia nào.

Chính vì thế, trên thế giới đã xuất hiện thuật ngữ Digital Pearl Harbor (Trận chiến Trân Châu Cảng trên mạng), ám chỉ nguy cơ một cuộc tấn công âm thầm và tinh vi có thể đã diễn ra hoặc sắp bất ngờ xảy ra nhờ sự hỗ trợ của các mã độc (malware) mà đối phương không hề hay biết. Giới bảo mật nhấn mạnh rằng các quốc gia nên chuẩn bị cho một cuộc chạy đua vũ trang trên mạng nhằm tránh trở thành nạn nhân của trận chiến Trân Châu Cảng thời đại kỹ thuật số. Các tiết lộ chấn động của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden về những chương trình gián điệp của Mỹ, Anh, Pháp... cũng cho thấy các nước lớn đã sẵn sàng để đối phó với chiến tranh ảo - chiến tranh thông qua mạng kết nối.

"Thế giới đang chứng kiến sự dịch chuyển, sự thay đổi tính chất của chiến tranh, chuyển sang chiến tranh thông tin", ông Nguyễn Duy Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), khẳng định trong cuộc họp công bố sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2013 sáng 6/11 tại Hà Nội.

Đại diện của VNISA cho rằng, đã đến lúc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam nhận thức rõ về tầm quan trọng của an toàn thông tin và kinh phí cho an toàn thông tin phải chiếm 10-15% tổng kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin.

Nguy cơ chiến tranh ảo đã được nhắc đến, tuy nhiên, trước sự xuất hiện ngày càng nhiều các cuộc tấn công có chủ đích và mang tính phá hoại trên mạng thời gian gần đây ở Việt Nam, lần đầu tiên chủ đề "xung đột trên mạng" sẽ được đưa ra thảo luận công khai và trực tiếp tại Ngày An toàn thông tin Việt Nam, diễn ra vào ngày 14/11 tại TP HCM và 21/11 tại Hà Nội. Đây là năm thứ 6 sự kiện được tổ chức với sự phối hợp của Hiệp hội VNISA, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam VNCERT, Cục CNTT - Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thực trạng mất an toàn an ninh thông tin trên mạng đang gây ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội, gây thiệt hại về an ninh quốc phòng, sản xuất kinh doanh... Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang lấy ý kiến của các Hiệp hội để xây dựng Luật An toàn thông tin số, dự kiến trình Quốc hội vào năm tới để xem xét ban hành năm 2015.

Theo vnexpress

Theo Đăng lại