Ðiều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển: Thí sinh được hỗ trợ tối đa

0:00 / 0:00
0:00
Dù trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng, thí sinh vẫn an tâm điều chỉnh nguyện vọng tuyển sinh. Ảnh: Như Ý
Dù trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng, thí sinh vẫn an tâm điều chỉnh nguyện vọng tuyển sinh. Ảnh: Như Ý
TP - Trong hai ngày 24-25/8, thí sinh đăng ký xét tuyển đại học (ÐH) bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT trên toàn quốc được phép điều chỉnh nháp nguyện vọng. Các cơ sở giáo dục phổ thông, trường ÐH cũng chạy thử hệ thống phần mềm xét tuyển trên hệ thống dữ liệu giả lập.

Khó khăn nhất hiện nay là các địa phương thực hiện Chỉ thị 16, thí sinh cần điều chỉnh đối tượng ưu tiên không thể đến trường nộp xác nhận minh chứng.

Ngồi ở nhà điều chỉnh nguyện vọng

Em Nguyễn Thị Thúy Nga, cựu học sinh lớp 12D3, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TPHCM), cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua em đạt trên 25 điểm tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh). Trong hai ngày điều chỉnh nguyện vọng, em có điều chỉnh nháp và chỉ mất khoảng 15 phút để hoàn thành. Năm nay được phép điều chỉnh nguyện vọng 3 lần, Nga đã thử nháp hai lần và đều thành công. Lần điều chỉnh nguyện vọng chính thức sắp tới, em sẽ bổ sung 4 nguyện vọng vào ĐH Sư phạm TPHCM và ĐH Ngân hàng. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng tăng lên so với số đăng ký ban đầu sẽ phải đến nơi nộp hồ sơ đăng ký dự thi để làm phiếu. Tuy nhiên, TPHCM đang thực hiện Chỉ thị 16 nên Nga chỉ việc nộp tiền qua tài khoản theo hướng dẫn, chụp ảnh gửi lại cho trường và ngồi nhà để điều chỉnh nguyện vọng.

Bà Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Hà Nội), cho hay, những em tăng số lượng nguyện vọng sẽ nộp số tiền tương ứng với số nguyện vọng tăng lên. Bộ phận trực tuyển sinh của trường sẽ cập nhật thông tin cho thí sinh trên hệ thống, sau đó, các em chỉ cần ngồi ở nhà điều chỉnh nguyện vọng. Theo khảo sát, toàn bộ học sinh lớp 12 của trường năm nay không em nào phải điều chỉnh đối tượng ưu tiên, nên 100% học sinh của trường yên tâm ngồi tại nhà điều chỉnh nguyện vọng.

Lọc ảo hiệu quả

Bên cạnh sự hỗ trợ bởi phần mềm lọc ảo của Bộ GD&ĐT, hai nhóm lọc ảo ở hai đầu Nam - Bắc năm nay vẫn thực hiện để hỗ trợ các trường. PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, năm nay có 54 trường ĐH từ Hà Tĩnh trở ra tham gia nhóm xét tuyển phía Bắc, tăng 2 trường so với năm ngoái. Phần mềm làm việc theo nguyên tắc xét nguyện vọng của thí sinh đến khi nào trúng tuyển thì dừng. Như vậy, sẽ không có trường hợp thí sinh trong nhóm trúng tuyển nhiều ngành, nhiều trường, mà chỉ có thể trúng tuyển 1 ngành của 1 trường.

Theo báo cáo của Bộ GD&ÐT, kết thúc đợt điều chỉnh nháp, có 79.321 thí sinh đăng ký xét tuyển điều chỉnh nguyện vọng, chiếm 9,97% tổng số thí sinh đăng ký. Các Sở GD&ÐT có số lượng thí sinh đăng ký điều chỉnh nhiều là Sở GD&ÐT TPHCM với 11.546 em, chiếm 13,68%; Sở GD&ÐT Hà Nội với 10.999 em, chiếm 12,59%.

Theo ông Điền, tham gia nhóm xét tuyển miền Bắc, các trường sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức trong lọc ảo. Căn cứ chỉ tiêu, số lượng đăng ký xét tuyển nguyện vọng, phần mềm sẽ xử lý, xác định điểm chuẩn và tìm ra thí sinh trúng tuyển. Hệ thống phần mềm này sẽ giúp 54 trường thành viên tốn ít công sức nhất trong việc đảm bảo chỉ tiêu và điểm chuẩn. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ ảo trong toàn miền Bắc và hỗ trợ giảm tải lọc ảo cho Bộ GD&ĐT.

Đại diện nhóm xét tuyển phía Nam cho biết, có 89 trường tham gia nhóm. Bằng việc tham khảo số liệu phần mềm lọc ảo chung của nhóm, các trường sẽ đưa ra điểm chuẩn phù hợp. Điều này giúp thí sinh không bị trượt oan và đơn vị tham gia xác định được dự kiến các mức và tỷ lệ gọi trúng tuyển.

MỚI - NÓNG