Ðiểm thi môn Lịch sử, Ngoại ngữ thấp: Bộ GD&ÐT nói gì?

Ảnh minh họa. Ảnh: Xuân Tùng.
Ảnh minh họa. Ảnh: Xuân Tùng.

Ngay sau khi công bố phổ điểm  các môn thi THPT quốc gia,  chiều qua, 11/7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ÐT  đã trao đổi với Tiền Phong xung quanh băn khoăn phổ điểm môn Ngoại ngữ và môn Lịch sử.

Phổ điểm môn Sử thấp, thậm chí ở nhiều địa phương, tỉ lệ thí sinh đạt điểm trên trung bình chỉ xấp xỉ 20%. Vậy ông đánh giá phổ điểm môn Lịch sử năm nay như thế nào?

Năm nay, với môn Lịch sử, ban ra đề thi có một bước chuyển về việc định hướng ra các câu hỏi trong đề thi theo hướng đánh giá năng lực của thí sinh, tức là không yêu cầu học sinh phải ghi nhớ hay trả lời các câu hỏi máy móc theo khuôn mẫu có sẵn mà chú trọng về phần vận dụng các kiến thức của lịch sử trong việc giải quyết các vấn đề, có lẽ đây cũng là một trong những  lý do căn bản khiến kết quả thi của các em không cao như những môn khác.

Tuy nhiên, môn Lịch sử vẫn là môn có số lượng điểm 10 lớn, 11 điểm 10 và hơn 700 thí sinh đạt điểm 9 trở lên. Ðây là những thí sinh dự thi môn Lịch sử để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Ở đây có thể thấy, mục đích dự thi của thí sinh đã ảnh hưởng tới phổ điểm môn Lịch sử. Với một kỳ thi với 2 mục đích, tính mục đích của các thí sinh trong kỳ thi rất là rõ. Thực tế là những thí sinh dự thi môn Lịch sử với mục đích xét tuyển đại học, cao đẳng có điểm số tốt hơn hẳn so với những thí sinh chỉ dự thi với mục đích tốt nghiệp.

Ðiểm số môn Lịch sử thấp vẫn đặt dấu hỏi về việc dạy và học môn học này trong nhà trường. Ý kiến của ông như thế nào?

Tôi cho rằng, kết quả thi Lịch sử của các em chỉ phản ánh một phần nội dung đề thi, cách thức tổ chức thi, điều quan trọng hơn là chúng ta phải thay đổi phương pháp dạy học để làm sao môn Lịch sử trở nên thân thiện hơn, học sinh học hứng thú hơn, giáo viên dạy hiệu quả hơn và từ đó dẫn đến kiến thức lịch sử tích lũy được, năng lực vận dụng lịch sử trong cuộc sống được nâng lên.

Khi đó chắc chắn kết quả thi Lịch sử của các em trong kỳ thi THPT quốc gia cũng như những kỳ thi khác sẽ được thể hiện qua điểm số ở mức độ cao hơn.

Với một kỳ thi được đổi mới theo hướng ra đề thi đánh giá được năng lực học sinh, cá nhân ông và những người trong ban ra đề có bất ngờ với kết quả thi năm nay không?

Chúng tôi không bất ngờ bởi chúng ta không thể ngày một ngày hai là có sản phẩm của giáo dục nói chung và môn Lịch sử nói riêng, đặc biệt chúng ta đang chuyển nền giáo dục từ chú trọng cung cấp nội dung sang nền giáo dục hình thành phẩm chất và năng lực, điều đó đòi hỏi một quá trình.

Trong quá trình ấy, chúng ta có rút kinh nghiệm, có thay đổi, có đổi mới để năm sau cao hơn năm trước và đến một thời điểm nào đó thì thật sự việc dạy học sẽ hoàn toàn theo định hướng phẩm chất và năng lực.

Kèm với đó là hình thức thi theo hướng đánh giá năng lực của học sinh ở mức độ hoàn chỉnh, lúc đó chúng ta sẽ phản ánh một cách chính xác hơn, khách quan hơn của các em, không chỉ với môn Lịch sử mà tất cả các môn khác.

Không phải năm nay chúng ta mới đưa vào các câu hỏi đánh giá năng lực, việc này đã làm từ những năm trước, đặc biệt là năm 2016 trở lại đây. Các câu hỏi đánh giá năng lực ngày càng xuất hiện nhiều trong đề thi THPT quốc gia, chỉ khác nhau về mức độ, năm sau dày hơn năm trước.

Tất nhiên mỗi môn học có một đặc thù riêng, có thể với môn này sự chuyển đổi, sự tiếp nhận từ dạy học cho đến việc học sinh lĩnh hội, thi cử thuận lợi hoặc khó khăn hơn nên kết quả thể hiện ra bên ngoài có sự khác nhau.

Phổ điểm ngoại ngữ vẫn nghiêng về phía thấp nhiều hơn, tình trạng này không phải lần đầu tiên xảy ra. Phải chăng, đang có sự chuyển biến chậm trong việc cải thiện chất lượng dạy Ngoại ngữ?

Ðúng là nhìn trong phạm vi cả nước thì sự chuyển biến chưa rõ nét. Tuy nhiên đi vào phân tích sâu theo từng tỉnh, từng vùng thì thấy rất rõ  đối với những thành phố, thị xã có điều kiện để học ngoại ngữ tốt thì kết quả của các em cao và sự cải tiến nâng cao chất lượng rất rõ. Còn ở những vùng còn khó khăn thì sự chuyển biến về ngoại ngữ chưa rõ nét. Ðó là thực tế và chứng tỏ phổ điểm đã phản ánh chân thực.

Xin cảm ơn ông!

“Tôi cho rằng, kết quả thi Lịch sử của các em chỉ phản ánh một phần nội dung đề thi, cách thức tổ chức thi, điều quan trọng hơn là chúng ta phải thay đổi phương pháp dạy học để làm sao môn Lịch sử trở nên thân thiện hơn, học sinh học hứng thú hơn, giáo viên dạy hiệu quả hơn và từ đó dẫn đến kiến thức lịch sử tích lũy được, năng lực vận dụng lịch sử trong cuộc sống được nâng lên”,         

Ông Mai Văn Trinh

MỚI - NÓNG