Iceland và giấc mơ bóng đá của vùng băng giá

Nhắc đến Iceland, bây giờ người ta không chỉ nghĩ đến vùng đất của những ngọn núi lửa, những suối nước nóng và những lực sĩ thường xuyên giành giải Người đàn ông khỏe nhất hành tinh. Đó còn là quốc gia nhỏ nhất dự vòng chung kết Euro 2016.
Iceland (xanh) đánh bại ông lớn Hà Lan cả hai lượt trận để giành vé vào vòng chung kết Euro năm nay.

Albert Einstein từng nói: "Trí tưởng tượng quan trọng hơn tri thức". Iceland là một quốc gia quanh năm tuyết phủ, với dân số chỉ bằng một phần năm của TP HCM. Có đến bảy tháng, mặt cỏ tự nhiên ở Iceland không thể dùng để chơi bóng. Vậy mà họ vẫn đặt mục tiêu góp mặt ở vòng chung kết một giải đấu lớn và làm được. Đó là vì họ dám tưởng tượng và làm mọi thứ cho ước mơ ấy. Có gì đó rất giống với Leicester City, một đội bóng cũng mặc áo xanh và nằm trong một thành phố có dân số tương tự Iceland.

Trong một đêm tháng 9/2015, khi Iceland chính thức giành vé đến Pháp dự EURO 2016, Thủ tướng của nước này vội vã bước vào phòng thay quần áo của các cầu thủ và truyền đi một thông điệp: "Đêm nay, tất cả các quán bar và nhà hàng của chúng ta sẽ mở cửa đến sáng".

Và ngài Thủ tướng đã mời toàn bộ đội tuyển cùng ông dùng bữa tối, để ghi nhớ cái ngày lịch sử của bóng đá Iceland. Trung tâm của thủ đô Reykjavik chưa bao giờ nhộn nhịp đến thế. Họ tràn ra đường và chẳng muốn về nhà, đến mức cảnh sát phải khuyên từng người hãy về nhà, để họ cũng có thể về nhà mà trốn cái lạnh cắt da.

Vị Thủ tướng yêu bóng đá ấy là Sigmundur David Gunnlaugsson. Ông bị buộc phải rời nhiệm sở vì cùng với vợ dính vào Hồ sơ Panama mới đây. Nhưng ở một nơi nào đó, Gunnlaugsson hẳn đang cùng những người dân Iceland khác dõi theo đội nhà tại Euro năm nay, khởi đầu là trận đấu với Bồ Đào Nha.

Có đến hơn 20.000 người Iceland sẽ có mặt trên khán đài để xem trận đấu này. Với một quốc gia chỉ có 329.000 dân, nó có nghĩa là cứ 16 người thì lại có một người có vé xem trận đấu ở Pháp, chưa kể những người có mặt ở các fanzone. Quốc gia nhỏ thứ nhì tại Euro năm nay là Bắc Ireland, nhưng dân cư của họ cũng đến 1,8 triệu người, gấp năm lần Iceland.

Những CĐV đến Pháp năm nay đều thuộc về một hội CĐV quốc gia mang tên Tolfan (có nghĩa là số 12, ý nói CĐV là cầu thủ thứ 12 của đội bóng). Và với người cầu thủ đặc biệt mang tên Tolfan này, Iceland đang mơ về những ngày hè sôi động.

"Chúng tôi không quan trọng đối thủ là ai, bởi vì chúng tôi luôn đá hết mình trong mỗi trận đấu," Eidur Gudjohnsen, cầu thủ nổi tiếng nhất trong lịch sử Iceland, cho biết. Trước đây, khi nói về bóng đá Iceland, người ta sẽ nghĩ ngay đến một sự kiện hi hữu: năm 1996, lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay thế giới chứng kiến một cặp cha con cùng xuất hiện trên sân ở một trận đấu quốc tế. Hôm ấy, Eidur và sân thay cho cha mình là Arnor, khi Iceland đá với Estonia.

Giờ thì thế hệ đàn em đã làm được điều mà cha con Gudjohnsen không làm được: lần đầu góp mặt ở vòng chung kết một giải đấu lớn. Và họ không đến Pháp để du lịch sau khi đã vượt qua một bảng đấu có Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và CH Czech ở vòng loại.

Gylfi Sigurdsson, cầu thủ của Swansea City, cho biết: "Tôi vừa trải qua một mùa giải điên rồ mà Leicester City đã vượt qua mọi ông lớn để vô địch. Nó cho mọi người thấy là với một tập thể đoàn kết, thi đấu với thái độ và tinh thần đúng mực, mọi chuyện đều có thể. Iceland ở vào một bảng khó, nhưng ở Euro thì bảng nào chẳng khó. Nếu khởi đầu thuận lợi, biết đâu...".

Dù bất lợi về mặt địa thế, Iceland vẫn nỗ lực không ngừng để vươn ra sân chơi lớn.

Sigurdsson là người có công lớn mang Iceland đến Pháp, với sáu bàn ở vòng loại. Iceland thắng năm trong sáu trận đầu tiên của hành trình kỳ diệu ấy, đánh bại Hà Lan cả sân nhà lẫn sân khách với tỷ số lần lượt 2-0 và 1-0. Sigurdsson ghi cả ba bàn trong hai trận ấy.

Khi đón Iceland đến sân nhà, Hà Lan có một kỷ lục đáng ngưỡng mộ: bất bại ở Amsterdam suốt từ Olympic 1928. Vậy mà Iceland vẫn có thể ra về với ba điểm. Đấy là điểm nhấn lớn nhất của Iceland ở vòng loại, chứ không phải trận hòa Kazakhstan 0-0 để chính thức giành vé sau đó. "Đánh bại Hà Lan, chúng tôi biết mình đã rất gần với lịch sử. Kết quả cho thấy chúng tôi có thể đương đầu với những gã khổng lồ," Sigurdsson nói.

Iceland là một vùng đất băng giá, nhưng giấc mơ bóng đá của họ chưa bao giờ nguội lạnh. Nó được khơi dậy và ủ ấm bởi những tiền nhân. Đấy là Albert Gudmundsson, cầu thủ chuyên nghiệp đầu tiên của quốc gia này trong thập niên 1940. Ông đá cho Arsenal và AC Milan trước khi trở thành Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Iceland (KSI) và có lúc còn ra tranh cử Tổng thống. Tượng của ông được đặt ở ngay bên ngoài trụ sở KSI.

Sau đó là Sigi Sigurvinsson, ngôi sao của Bayern Munich và Stuttgart trong thập niên 1980. Kế đến là Eidur Gudjohnsen, người đã lang bạt qua 15 CLB khác nhau, trong đó có Chelsea, Barcelona và Tottenham.

Ngôi sao quốc tế mới nhất của Iceland tất nhiên là Sigurdsson, đại diện cho cầu thủ Iceland trong thời đại mới. Anh làm việc chăm chỉ, cần cù, đã rời quê hương từ năm 16 tuổi để vào lò đào tạo của Reading. Anh khởi đầu ở vị trí trung vệ, nhưng đã được HLV Brendan Rodgers phát triển thành một tiền vệ. "Cậu đá cao hơn 30 mét sẽ khá hơn đấy", câu nói ấy của Rodgers đã góp phần làm thay đổi vận mệnh của Sigurdsson và bóng đá Iceland.

Năm 2000, Iceland xây sân bóng đá trong nhà đầu tiên. Họ gọi nó là "ngôi nhà bóng đá", để các cầu thủ có thể chơi bóng... quanh năm, thay gì chỉ bốn tháng ấm lên ít ỏi trong năm như trước đây. Sigurdsson vẫn chưa thể quên được những ngày chơi đá bóng trên mặt sân đầy sỏi, bởi vì cỏ không mọc nổi trong suốt tám tháng từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau.

"Ngôi nhà bóng đá" góp phần nuôi dưỡng tình yêu và khả năng chơi bóng của người Iceland.  

Sigurdsson nói: "Tôi toàn phải chơi trên mặt sân đóng băng, trên tuyết. Tôi chỉ chơi bóng đá trong nhà vài năm trước khi sang Anh. Nhưng trang thiết bị bây giờ rất tuyệt vời và chúng tôi đang chờ xem thế hệ các cầu thủ sau này sẽ hưởng lợi từ điều ấy thế nào".

Bây giờ, Iceland đã có bảy "ngôi nhà bóng đá" cũng như 100 sân bóng ngoài trời, với trang thiết bị cho phép họ đá bóng quanh năm. Nhưng đấy chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của bóng đá Iceland.

Phóng viên tờ Daily Mail (Anh) tìm đến Geir Thorsteinsson, 51 tuổi, từng là cầu thủ trẻ triển vọng, sau đó trở thành HLV, trọng tài, thư ký CLB, quan chức KSI và cuối cùng lên ngồi vào ghế Chủ tịch Liên đoàn vào năm 2007. Thorsteinsson nói: "Đấy là một kế hoạch dài hơi. Trước hết chúng tôi cần trang thiết bị để thi đấu và huấn luyện trong mùa đông. Chúng mất 15 năm cho việc ấy. Bây giờ, ở mỗi ngôi nhà, bạn chỉ cần đi bộ là có thể tìm thấy một CLB thể thao, một sân bóng, một nơi để học huấn luyện".

Những con số sẽ giúp bạn hình dung ra quang cảnh bóng đá Iceland tốt hơn. Quốc gia này có 22.000 cầu thủ được đăng ký, một phần ba trong số đó là nữ. Có tổng cộng 800 HLV có bằng do UEFA cấp, nghĩa là cứ 411 người dân Iceland thì lại có một HLV chuyên nghiệp. Con số này ở Anh là 10.600 người.

Thorsteinsson cho biết trái ngọt của quá trình đầu tư này là "thế hệ vàng" của bóng đá Iceland. Tất cả 23 tuyển thủ dự Euro năm nay đều đang thi đấu ở nước ngoài. Sigurdsson tất nhiên là ngôi sao sáng giá nhất. Nhưng Iceland còn có Aron Gunnarsson của Cardiff, với gần 60 lần khoác áo đội tuyển ở tuổi 27. Hay tiền vệ Johann Gudmundsson của Charlton, Jon Dadi Bodvarsson của Kaiserslauten. Tất nhiên là cả Eidur Gudjohnsen, dự giải ở tuổi 37. Anh là cầu thủ duy nhất mà tên không kết thúc là chữ "son". Có người còn nói đùa là khi đội tuyển Iceland vào sân, khán đài chỉ cần hô lên: "Son, Son, Son" thì coi như... cả đội đều được cổ vũ.

Iceland được kỳ vọng là hiện tượng thú vị ở Euro 2016.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến mảnh ghép sau chót được đặt vào tổng thể bức tranh vào năm 2011, khi Iceland thuyết phục thành công Lars Lagerback làm HLV trưởng. Ngày ấy, Lagerback đã 62 tuổi và tính chuyện về hưu. Nhưng ông quyết định hoãn ngày an hưởng tuổi già lại để cùng Iceland làm một cuộc phiêu lưu. Kinh nghiệm của một HLV từng hai ba lần dự World Cup cùng với Thụy Điển và Nigeria đã giúp Iceland có những bài học hữu ích.

Bây giờ, bên cạnh Lagerback còn có Heimir Hallgrimsson, cựu cầu thủ nay chuyển sang làm HLV. Iceland là đội tuyển quốc gia duy nhất có mô hình đồng HLV. Lagerback cần Hallgrimsson bởi ông hiểu văn hóa Iceland. Hallgrimsson vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm từ tiền bối để sau này ra làm riêng. Euro 2016 là giải đấu cuối cùng của Lagerback. Ông tin là mình đã làm hết những gì có thể cùng với Iceland.

Hallgrimsson, đồng nhiệm của Lagerback, là một HLV kỳ dị. Bởi ông vừa làm HLV, vừa làm nha sĩ. Khi Iceland bước vào trận đấu với Bồ Đào Nha (tối 14/6 theo giờ Paris), biết đâu Lagerback sẽ nói với các cầu thủ của mình: "Vào sân và đá một trận ra trò nào. Thua cũng được, nhưng phải hết mình. Nếu không Hallgrimsson sẽ nhổ các cậu đến cái răng cuối cùng!".

Theo Theo Vnexpress