> Hy Lạp phê chuẩn gói cứu trợ mới
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos nói rằng, các chủ nợ đã bỏ thầu 85,8% trong tổng số trái phiếu chính phủ trị giá 177 tỷ euro. Tỷ lệ đó tương đương 95,7% tổng số nợ của Hy Lạp.
Còn “những điều khoản hoạt động tập thể” sẽ được sử dụng để ép các chủ nợ không tự nguyện tham gia.
Kết quả này cũng dọn đường cho Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra gói cứu trợ 172 tỷ USD như đã thỏa thuận với Hy Lạp tháng trước.
Phát ngôn viên của chính phủ Hy Lạp Pantelis Kapsis nói rằng, kết quả trên là một cuộc “bỏ phiếu tín nhiệm” về khả năng của Hy Lạp trong việc thực hiện những cải tổ cấu trúc sâu rộng đối với nền kinh tế đang “lâm trọng bệnh”. “Tôi nghĩ đây là một khoảnh khắc lịch sử,” ông Kapsis nói.
Theo thỏa thuận được coi là để tái cấu trúc nợ lớn nhất trong lịch sử này, các chủ nợ sẽ đổi trái phiếu cũ của họ lấy trái phiếu mới mang mệnh giá thấp hơn, lãi suất thấp hơn và kỳ hạn dài hơn.
Điều này có nghĩa họ sẽ mất khoảng 74% giá trị đầu tư, trong khi khoản nợ công của Hy Lạp sẽ được giảm hơn 100 tỷ euro.
Hạn chót để thanh toán những trái phiếu được quy định bởi luật quốc tế và các trái phiếu được nhà nước bảo đảm do các công ty cổ phần phát hành đã được dời đến ngày 23-3.
Hậu quả khó lường
Athens xác nhận họ se thực hiện thỏa thuận, cũng như các điều khoản hành động tập thể đối với trái phiếu chính phủ theo quy định của luật pháp Hy Lạp. Việc ép buộc những người sở hữu trái phiếu được quy định bởi luật pháp quốc tế nghe theo sự sắp xếp của chính phủ sẽ không đơn giản.
Điều này sẽ làm tăng các khoản trả cho một số nhà đầu tư có bảo hiểm trái phiếu, gây ra những hệ quả chưa thể lường trước được đối với thị trường, giới chuyên gia nhận định.
Theo nhiều nhà kinh tế, dù đạt được thành công nhất định, giải pháp trái phiếu sẽ không giải quyết được các vấn đề sâu xa của Hy Lạp, và điều tốt nhất nó có thể mang lại là tạo thêm thời gian cho quốc gia đang đối mặt cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất kể từ Thế chiến 2 và sa vào khoản nợ tương đương 160% tổng sản phẩm quốc nội.
Tới ngày 20-3, Athens phải có trong tay một lượng tiền không nhỏ để thanh toán lượng trái phiếu trị giá 14,5 tỷ euro đến kỳ đáo hạn. Hy Lạp đã trì hoãn trả nợ hết lần này đến lần khác từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra 2 năm trước.
Nhiều đối tác quốc tế lo ngại rằng, gói cứu trợ thứ hai trong 2 năm chưa phải là gói cứu trợ cuối cùng. Các nhà phân tích bày tỏ lạc quan một cách thận trọng, và cho rằng biện pháp đổi trái phiếu khó có thể giải quyết được tất cả vấn đề.
Trong bối cảnh Hy Lạp đang đối mặt nhiều vấn đề khủng hoảng trầm trọng, số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ thất nghiệp vào tháng 12-2011 ở nước này đã leo lên mức 21%, gấp đôi tỷ lệ trung bình của khu vực đồng euro.
Người dân Hy Lạp ngày càng phẫn nộ với đòi hỏi thắt lưng buộc bụng mà các chủ nợ quốc tế yêu cầu vì nó khiến đời sống của họ cơ cực hơn, sau khi quy mô nền kinh tế giảm 1/5 kể từ năm 2008.
Gia Tùng tổng hợp