Huyền Như phải bồi thường gần 4.000 tỷ đồng

'Siêu lừa' Huỳnh Thị Huyền Như lãnh án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Tri Thức
'Siêu lừa' Huỳnh Thị Huyền Như lãnh án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Tri Thức
TPO - Ngoài mức án tù chung thân về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Huỳnh Thị Huyền Như còn bị TAND TPHCM tuyên phải bồi thường cho các bị hại gần 4.000 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm tuyên buộc bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như bồi thường cho 9 doanh nghiệp, 3 ngân hàng, 9 cá nhân gần 4.000 tỷ đồng.

Đó là, Công ty Thái Bình Dương, SBBS (210 tỷ đồng), Bảo hiểm Toàn Cầu, Zen Plaza, chứng khoán Phương Đông, Thịnh Phát, Hưng Yên... ngân hàng Navibank (200 tỷ đồng), ACB (718 tỷ đồng).

HĐXX xác định tư cách tham gia tố tụng của 9 công ty, 3 ngân hàng là nguyên đơn dân sự, là người bị hại trực tiếp của bị cáo Huyền Như. Vietinbank chỉ là đơn vị có nghĩa vụ liên quan chứ không phải bị đơn dân sự. Việc VKSND TPHCM thừa ủy quyền của VKSND tối cao kiến nghị xử lý trách nhiệm hình sự với các ông bà Nguyễn Thị Minh Hương, Trương Minh Hoàng (hai phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TPHCM) là do các ông bà này đã được giám đốc chi nhánh ủy quyền về huy động vốn, cho vay vốn đã thiếu sự sâu sát, quản lý lỏng lẻo để cho hàng loạt cán bộ của mình tại các phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng vi phạm pháp luật.

Về quan hệ giữa Vietinbank và Công ty Cổ phần chứng khoán Saigonbank- Berjaya (SBBS), HĐXX cho rằng: do Huyền Như biết SBBS có nguồn tiền cần gửi vào Vietinbank chi nhánh TPHCM với lãi suất 14%/ năm, lãi ngoài không ghi trong hợp đồng từ 14-16%/ năm, do đang cần tiền trả nợ, Như đã làm giả hợp đồng giữa SBBS và Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, ký giả chữ ký của giám đốc chi nhánh, đóng dấu giả của chi nhánh.

Khi Như làm giả các lệnh chuyển tiền, Vietinbank chi nhánh TPHCM không biết. Vì không biết nên không có động tác báo nợ, báo số dư tài khỏan trong tài khoản của SBBS. Số tiền của SBBS bị Như dùng thủ đoạn để chiếm đoạt Vietinbank TP.HCM không có lỗi nên không phải bồi thường. Quan hệ giữa SBBS và Vietinbank không phải là quan hệ dân sự do không có ký hợp đồng ủy thác đầu tư vốn. SBBS mở tài khoản tại Vietinbank là do dẫn dụ của Như.

Tương tự, HĐXX cũng bác bỏ quan điểm của các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các nguyên đơn dân sự còn lại trong vụ án và cho rằng Vietinbank không có trách nhiệm phải bồi thường các thiệt hại do hành vi lừa đảo của Huyền Như gây ra.

Ngoài ra, HĐXX, buộc bị cáo Võ Anh Tuấn nộp 10 tỷ đồng tiền hưởng lợi từ việc làm bất chính của Huyền Như để trả cho các bị hại và tịch thu trên 121 tỷ đồng bổ sung vào công quỹ nhà nước. Buộc các bị cáo Nguyễn Thiên Lý, Nguyễn Thị Lành, Hùng Mỹ Phương, Đào Thị Tuyết Dung, Phạm Văn Chí trả lại số tiền đã hưởng lợi từ việc cho vay nặng lã.

HĐXX còn kiến nghị điều tra bổ sung thêm tội đối với một số bị cáo trong vụ án này và một số đối tượng liên quan chưa bị khởi tố như nguyên Tổng Giám đốc Công ty Thái Bình Dương, nguyên lãnh đạo một số ngân hàng... đã thiếu trách nhiệm và tiếp tay cho Huyền Như cùng đồng bọn thực hiện trót lọt hành vi phạm tội trong thời gian dài.

MỚI - NÓNG