Huyện có nhiều người 'đi Tây về xây nhà lầu' nhất nước

Huyện có nhiều người 'đi Tây về xây nhà lầu' nhất nước
TP - Huyện Yên Dũng (Bắc Giang) là địa bàn có số người đi xuất khẩu lao động nhiều nhất nước. Nhờ số ngoại tệ gửi về mà bộ mặt nông thôn nơi đây đang thay đổi một cách chóng mặt.
Huyện có nhiều người 'đi Tây về xây nhà lầu' nhất nước ảnh 1
Nhiều nhà tầng đang mọc lên ở Tân Liễu

Trước đây, Yên Dũng có rất nhiều hộ thiếu ăn đứt bữa, phải đạp xe đi khắp nơi thu mua ve chai, đồng nát để mưu sinh thì nay nhiều người đã trở thành triệu phú.

Bỏ nghề đồng nát để… đi Tây

Tân Liễu là xã nghèo nhất Yên Dũng vì đây là rốn nước của cả huyện. Người dân nơi đây chỉ cấy được một vụ lúa nên vẫn thường đi gánh gạch, buôn bán ve chai, đồng nát hoặc làm thuê để kiếm sống qua ngày.

Vật lộn với cuộc sống bằng đủ mọi nghề, nhưng số hộ nghèo những năm trước đây ở Tân Liễu vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn - hơn 80%. Trong số đó, có không ít hộ ở tình trạng nghèo đói, thiếu ăn đứt bữa.

Đồng ruộng luôn ở tình trạng ngập úng, người dân Tân Liễu xoay sang cấy lúa tái giá, làm thủy sản nhưng cũng chẳng cải thiện được tình hình. Từ khi phong trào xuất khẩu lao động trở thành một hướng đi mới để có thể thoát nghèo, làm giàu, nhiều người đã bỏ lại ruộng đồng và cả nghề ve chai để tìm đường… đi Tây! 

Những hộ bỏ nghề ve chai để xuất ngoại để rồi trở thành giàu có ở đây không hiếm.

Chị Đỗ Thị Luật, trước khi làm nghề thu mua ve chai, sắt vụn cũng đã từng làm đủ nghề như: chăn lợn, làm máy xát, gánh gạch… nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Năm 2003, gia đình đồng ý cho chị đi sang Đài Loan làm việc. Năm 2006, chị hoàn thành hợp đồng về nước đã dùng tiền xây căn nhà 3 tầng khang trang đẹp vào loại “top ten” của xã.

Để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình, năm 2007, chị Luật tiếp tục làm hồ sơ sang đảo Site lao động. Không chỉ có gia đình chị Luật, tại Tân Liễu còn có nhiều gia đình khác như gia đình chị Màu, chị Lan, chị Vinh… trước đây đều làm nghề đi gom sắt vụn ve chai, nay đều đã “đi Tây, xây nhà lầu”.

Chị Nguyễn Thị Nhận, vợ Bí thư đoàn xã Nguyễn Đình Dâu cũng đi xuất khẩu lao động, đã gửi tiền về cho gia đình và xây thành ngôi nhà 3 tầng to, đẹp nhất xã.

Từ vài ba hộ ban đầu xuất ngoại, toàn xã Tân Liễu giờ đã có hơn 100 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Thị trường chủ yếu là Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc và một số nước ở khu vực Trung Đông như: Bairan, Qatar, Các tiểu vương quốc A rập (UAE), Arập Xêút.

Từ một xã nghèo nhất huyện Yên Dũng, giờ đây Tân Liễu đang thay da đổi thịt từng ngày, từ đầu xã đến cuối xã, hàng trăm ngôi nhà cao tầng được dựng lên nhiều không đếm xuể.

Cũng giống như Tân Liễu, xã Cảnh Thụy cũng nhờ phong trào đi xuất khẩu lao động mà giờ đã trở thành một trong những xã tiêu biểu toàn tỉnh về làm tốt công tác xuất khẩu lao động.

Cảnh Thụy được biết đến là vùng rau xanh và cũng là nơi có nhiều người buôn bán giỏi. Từ một xã vốn đã khấm khá nay càng khấm khá hơn do có số người đi xuất khẩu lao động nhiều nhất huyện Yên Dũng.

Ông Vũ Ngọc Bông - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Toàn xã có tới 30-40% số hộ có điều kiện kinh tế ở mức khá giả, trong đó nhiều hộ có tiền tỷ và dư sức để mua ô tô! Những gia đình có bạc tỷ thường có nhiều người đi xuất khẩu lao động ở các thị trường có mức lương cao từ 15-20 triệu đồng/ tháng như: Hàn Quốc, Nhật Bản”.

Ông Bông cho biết thêm, nếu như tổng thu nhập của toàn xã năm 2007 là 40 tỷ đồng thì số tiền người lao động ở nước ngoài gửi về ít nhất là 25 tỷ đồng!

Chính quyền chăm lo, hỗ trợ

Không những hỗ trợ, tạo điều kiện cho vay vốn đối với các hộ có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, nhất là các gia đình chính sách, UBND huyện Yên Dũng còn thành lập ban chỉ đạo xuất khẩu lao động của huyện và yêu cầu các xã trên địa bàn thành lập ban chỉ đạo cấp xã do Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban.

Thành viên gồm đại diện các ban ngành, đoàn thể như công an, tư pháp, hội nông dân, phụ nữ và đoàn thanh niên… Hơn thế nữa, UBND huyện còn chỉ đạo thành lập bộ phận quản lý và tư vấn miễn phí về xuất khẩu lao động, địa điểm ở vị trí thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận.

Anh Nguyễn Văn Dũng - cán bộ Phòng Nội vụ - Lao động Thương binh và Xã hội huyện Yên Dũng, người phụ trách bộ phận này cho biết: “Từ tháng 7/2007 đến nay, đã tư vấn cho hơn 400 lượt người về xuất khẩu lao động và cung cấp những thông tin bổ ích, liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Mục tiêu lớn nhất mà chúng tôi muốn hướng đến là trở thành chiếc cầu nối giữa người lao động và các doanh nghiệp có chức năng đưa người đi lao động ở nước ngoài, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp người lao động bị lừa đảo”.

Con số 1.600 người đi xuất khẩu lao động năm 2007 của Yên Dũng sẽ tăng thêm nhiều nữa trong năm 2008. Ở Yên Dũng, nếu về nông thôn, thấy 10 ngôi nhà tầng thì có tới 9 ngôi là được xây nên từ tiền của người đi xuất khẩu lao động gửi về.

Phong trào xuất khẩu lao động được làm một cách bài bản, kết nối từ huyện đến xã-thôn nên Yên Dũng trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc hỗ trợ người dân tìm đến con đường xuất ngoại.

Làm việc với PV Tiền phong, ông Bùi Thế Sơn - Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho biết: Đối với Yên Dũng, xuất khẩu lao động đang là một mũi nhọn, là hướng đi quan trọng để xóa đói, giảm nghèo và làm giàu.

Cùng với sự chỉ đạo của tỉnh, huyện sẽ tiếp tục quan tâm và hỗ trợ người dân vay vốn để đi xuất khẩu lao động.

MỚI - NÓNG