Ngày 19/3, báo cáo với đoàn công tác do Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dẫn đầu, ông Trần Hoàng Quân - Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh cho biết tốc độ đô thị hóa trên địa bàn huyện ngày càng nhanh.
Cùng với hạ tầng kỹ thuật phát triển, đời sống người dân ngày càng cao, dân số cơ học tăng cao đã tạo nhiều áp lực trong công tác quản lý Nhà nước. Bộ máy chính quyền xã - thị trấn đang quá sức và không theo kịp sự phát triển. Áp lực công việc đối với đội ngũ cán bộ thực thi công vụ ngày càng nặng nề dẫn đến nhiều hạn chế, thiếu sót mà tình trạng quản lý trật tự đô thị không tốt, dẫn đến việc xây dựng trái phép ồ ạt như vừa qua là một ví dụ.
Theo ông Trần Hoàng Quân, huyện Bình Chánh có 4 xã dân số ngày càng tăng cao, gồm: Vĩnh Lộc A (trên 127.000 người); Vĩnh Lộc B (trên 129.000 người); Bình Hưng (trên 101.000 người) và Tân Kiên (trên 60.000 người).
Ông Quân kiến nghị thành phố chấp thuận chủ trương cho 4 xã trên ký hợp đồng lao động đối với từ 5 đến 10 người hoạt động không chuyên trách trong một số lĩnh vực và cho phép huyện Bình Chánh được bố trí tăng số lượng cán bộ, công chức ở những xã có dân cư quá đông nhằm giảm tải áp lực trong công tác quản lý điều hành.
“Về lâu dài, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Chánh kiến nghị Thành ủy TPHCM xem xét, chấp thuận cho chủ chương để huyện Bình Chánh lập đề án nâng cấp xã thành thị trấn đối với 4 xã đã đủ tiêu chuẩn gồm Vĩnh Lộc A, Tân Kiên, Bình Hưng, Bình Chánh” – ông Quân đề xuất và cho biết đề án trên sẽ giúp Bình Chánh xây dựng bộ máy chính quyền đô thị phục vụ tốt cho người dân, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay.
Chia sẻ với áp lực tăng dân số của huyện Bình Chánh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết UBND TPHCM đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ duyệt biên chế của thành phố có tính đến đặc thù về quy mô dân số. Tuy nhiên, kiến nghị của TPHCM đều bị bác. Toàn bộ các phường, xã của TPHCM đều phải cắt giảm cán bộ không chuyên trách theo Nghị định 34 của Chính phủ.
Về đề án chuyển 4 xã lên thị trấn, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho rằng địa phương cần chuẩn bị chu đáo. Khi đã hoàn thành các thủ tục cần thiết, đề án sẽ nhanh chóng được chấp nhận mà việc thành lập TP Thủ Đức vừa qua là một minh chứng và được coi là tiền đề để rút kinh nghiệm cho lộ trình chuyển một số huyện thành quận.
Về việc chuyển đổi huyện thành quận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức lưu ý mới là kế hoạch ban đầu. Thành phố sẽ còn phải thực hiện nhiều bước, thời gian kéo dài.
“Huyện Bình Chánh đã có sự chuẩn bị bước đầu. Huyện cần rà soát, đối chiếu về các tiêu chí, điều kiện để chuyển huyện thành quận, thị xã hay thành phố thuộc TPHCM để đưa ra lộ trình thật sự khả thi, tránh có tình trạng hiểu nhầm huyện Bình Chánh sẽ lên quận. Kết quả rà soát sẽ giúp xác định được vị trí của huyện để từ đó có giải pháp phấn đấu” – ông Đức chia sẻ.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, một số kiến nghị của huyện Bình Chánh, nhất là đề xuất chuyển đổi mô hình hoạt động cần tính toán thêm cho phù hợp vì nhiều lĩnh vực như trật tự xây dựng, quản lý quy hoạch… còn nhiều vấn đề hạn chế.
“Khi TPHCM thành lập TP Thủ Đức, dư luận cũng băn khoăn thành phố phía tây sẽ hoạt động như thế nào. Việc chuyển đổi huyện thành quận kéo theo nhiều việc khác như mua bán đất đai, dịch vụ,… nếu không quản lý tốt, chúng ta sẽ bị rối" – ông Nên lưu ý.