Hủy niêm yết DVD: Nhà đầu tư nguy cơ mất trắng

Hủy niêm yết DVD: Nhà đầu tư nguy cơ mất trắng
TP - Dự kiến, hôm nay (5-9), Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (Hose) quyết định hủy niêm yết cổ phiếu DVD - Dược Viễn Đông vì doanh nghiệp này bị TAND TPHCM tuyên phá sản.

Lượng cổ phiếu bị hủy niêm yết là 11,91 triệu đơn vị, Cty liên tục vi phạm công bố thông tin định kỳ theo quy định. Ngày 25-8, Hose cho hay đã nhận được thông báo của một chủ nợ là Ngân hàng ANZ về việc TAND TPHCM đã đồng ý mở thủ tục phá sản cho DVD.

Theo thông tin mà HĐQT công bố tại đại hội cổ đông bất thường tháng 3, tiền mặt của DVD đã cạn kiệt, cuối quý IV-2010 chỉ còn chưa đầy 1,6 tỷ đồng. Hàng tồn kho chủ yếu là thành phẩm và nguyên vật liệu đến cuối 2010 là 56,2 tỷ đồng, trong khi tổng nợ lên tới 1.058 tỷ đồng.

Kế hoạch bán tài sản để trả nợ được thông qua. Tuy nhiên, theo tính toán, tài sản có chẳng thấm vào đâu so với khoản nợ cả ngàn tỷ. Cụ thể, DVD nợ các ngân hàng ABBANK 368 tỷ đồng, ANZ 95 tỷ đồng, HSBC 52 tỷ đồng, Indovina 44,45 tỷ đồng...

Theo công bố kết quả kinh doanh của 628 doanh nghiệp niêm yết (DNNY) 101 DN lỗ trong quý 2, với tổng số lỗ lên tới 1.691 tỷ đồng.

Theo báo cáo thường niên chỉ số tín nhiệm Việt Nam 2011 dựa trên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2009 và 2010 của 596 DNNY, 1,2% DN bị xếp hạng C (hạng yếu kém nhất), trong đó 1,75% DN có thể bị phá sản vì thua lỗ và không có khả năng trả nợ.

Tháng 3, hai tổ chức nước ngoài, Deutsche Bank và BI Private Equity New Market II K/S, bán đổ bán tháo gần 30% cổ phiếu DVD với giá quanh ngưỡng 15.000 đồng/cổ phiếu. Thương vụ DVD khiến BI Private Equity New Market II K/S lỗ khoảng 170 tỷ đồng và Deutsche Bank lỗ chừng 45 tỷ đồng.

Lúc này, các chủ sở hữu của hơn 11,9 triệu cổ phiếu DVD trên sàn chỉ còn biết chờ đợi xem thủ tục phá sản thế nào, việc thanh lý tài sản ra sao và liệu họ có cơ hội nhận lại phần nào tiền đã bỏ ra mua cổ phiếu.

Theo quy định của Luật Phá sản, khi doanh nghiệp phá sản, thứ tự ưu tiên chia tài sản của nhà đầu tư thuộc diện cuối cùng (sau khi đã trả cho chủ nợ, trả lương cho người lao động...).

Câu hỏi được nhiều người quan tâm hiện nay là DVD được thành lập có thực sự sản xuất, kinh doanh, hay chỉ mua bán lòng vòng tạo doanh thu, lợi nhuận ảo và lợi dụng sàn chứng khoán để hút tiền? Một chủ doanh nghiệp dược nói rằng, thực ra giới kinh doanh dược không lạ gì DVD. Ông bảo từ lâu đã biết DVD rất giỏi đánh bóng, tô hồng. Các kế hoạch khuếch trương được tiến hành rất bài bản, tinh vi, chẳng thế mà họ lại thuyết phục được các ngân hàng đổ tiền vào.

Theo Phó tổng giám đốc một Cty chứng khoán, cái chết của DVD thực sự gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng doanh nghiệp niêm yết (DNNY). “Nghe nói, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có một ban kiểm soát hậu báo cáo nếu thấy nghi ngờ. Tôi nghĩ đã đến lúc cần nâng cao vị thế hoạt động của ban này, để sớm minh bạch họat động của doanh nghiệp hơn” - ông nói.

Ai chịu trách nhiệm?

Hơn 8 tháng qua, kể từ ngày lãnh đạo DVD dính vòng lao lý, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng với vai trò giám sát, cơ quan này đã theo dõi và xếp DVD vào loại cổ phiếu bị kiểm soát. Nhiều người thắc mắc, với tư cách là đơn vị cấp phép cho DVD niêm yết, tại sao Hose chỉ nhắc nhở nhẹ bằng văn bản thay vì có chế tài xử phạt.

Những vi phạm của DVD gồm có, không có người đại diện công bố thông tin, trong 1 năm thay 6 tổng giám đốc mà không thông báo, không có báo cáo tài chính quý theo định kỳ (báo cáo cuối cùng là tháng 6-2010).

Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao gần 3 tháng sau khi ngân hàng ANZ đệ đơn đề nghị mở thủ tục phá sản (tháng 5-2011), tòa đã tuyên mà Hose không hay biết. Theo giới chuyên gia chứng khoán, quãng thời gian này đủ để nhiều nhà đầu tư lớn nắm giữ DVD thoát thân, đẩy mớ cổ phiếu không còn giá trị sang tay người khác.

DVD có ngày chào sàn tưng bừng (22-12-2009) với giá đóng cửa là 74.000 đồng/CP. Cách đây gần 2 năm, với việc xây dựng nhà máy liên doanh Lili of France tại Bắc Ninh, mở rộng mạng lưới hệ thống phân phối, tuyển dụng hàng trăm cán bộ nhân sự cấp cao với mức lương khủng, DVD còn được giới đầu tư trên sàn vinh danh với tên gọi công ty dược hàng đầu (chỉ xếp sau Dược Hậu Giang).

Tháng 11-2010, khi Tổng giám đốc Lê Văn Dũng bị bắt với tội danh làm giá cổ phiếu, người ta mới té ngửa DVD đang ôm nợ khủng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG