Huy động tổng lực

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hơn 10 ngày nay, TPHCM gần như đã huy động tổng lực trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, từ lương thực thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu cho đời sống người dân, đến thiết bị y tế, vắc- xin, kể cả nguồn nhân lực tình nguyện viên, đặc biệt là nguồn nhân lực y tế…

Gần 2 tháng trước, đứng trước quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ, chính quyền thành phố kêu gọi người dân cố gắng chấp nhận cuộc sống bất tiện, khó khăn, đoàn kết, nâng cao ý thức đẩy lùi COVID-19. Những ngày này, thành phố vẫn chưa khống chế được dịch bệnh, các ca dương tính vẫn tăng chóng mặt và có thể đợt giãn cách còn phải kéo dài thêm sau mốc 1/8 tới. Tỷ lệ thuận với số ca bệnh, chính là sự thiếu thốn cơ sở vật chất, nguồn nhân lực điều trị bệnh nhân COVID trong những ngày qua.

Ngày 24/7, TPHCM ra văn bản quyết định thành lập các khu cách ly tập trung F0 tại các quận, huyện, phường, xã. Thành phố kêu gọi, vận động hệ thống y tế tư nhân, nhân viên y tế đã nghỉ hưu tham gia chống dịch. Đồng thời cũng gửi văn bản khẩn đến Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ, điều động lực lượng y tế tại các bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn thành phố tham gia chống dịch, đặc biệt là nhân lực hồi sức cấp cứu với con số cụ thể 1.000 bác sĩ, 4.000 điều dưỡng, kỹ thuật viên.

Thực tế ấy phản ánh rất rõ TPHCM đang thiếu trầm trọng nguồn lực điều trị bệnh nhân. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, các cơ sở y tế của TPHCM chỉ lo được trong phạm vi 30 nghìn ca mắc COVID-19, trong khi đó, số ca bệnh đã vượt con số 55 nghìn người.

Theo các chuyên gia, với mỗi 1.000 giường bệnh cần tương đương ít nhất khoảng 2.000 nhân sự, riêng hồi sức sẽ cần tới hơn 1.300 nhân viên y tế. Như vậy, nếu chỉ tính hơn 35.000 bệnh nhân điều trị sẽ cần đến 70.000 cán bộ y bác sĩ... Điểm qua vài con số ấy để thấy, nhân lực y tế của thành phố phát triển bậc nhất cả nước cũng không thể đáp ứng nổi thực tế trên dưới 5.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày ở thời điểm hiện tại.

Nhu cầu nhân sự cho chống dịch ở TP.HCM được ghi nhận hiện đang rất căng ở tất cả các bộ phận, từ điều trị, cách ly đến công tác xét nghiệm và tiêm chủng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu theo mô hình tháp 5 tầng trong thu dung, điều trị các trường hợp F0 vừa được nâng cấp, chúng ta cần thiết tập trung nhân lực cho khối điều trị tầng 1 ở khu cách ly tập trung tạm ở các quận huyện và tầng 5 ở các trung tâm hồi sức điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Tại tầng 1, nếu đủ nhân lực tư vấn, chăm sóc, quản lý tốt người bệnh là F0 không triệu chứng, đang cách ly y tế tại nhà và các điểm cách ly tập trung, sẽ giảm được bệnh nhân nặng, giảm được gánh nặng cho các tầng tiếp theo. Tại tầng 5, trong thời gian tới, khả năng bệnh nhân nặng sẽ tăng cao, đòi hỏi nguồn lực có chuyên môn về hồi sức tham gia điều trị để giảm các ca tử vong.

Cuối cùng, vẫn không thừa khi một lần nữa chúng ta cần kêu gọi ý thức toàn dân. Mỗi người dân có ý thức tự bảo vệ mình, chính là giúp thành phố giảm các ca nhiễm mới và giảm cách gánh nặng cho các khu cách ly, điều trị vốn đang quá tải cả về vật chất lẫn con người.

MỚI - NÓNG