Hủy đề án chặt bỏ 6.700 cây, dân mới yên tâm

Nhiều cây to, khỏe bị đốn hạ gây bức xúc dư luận những ngày qua.
Nhiều cây to, khỏe bị đốn hạ gây bức xúc dư luận những ngày qua.
TP - Sau khi Hà Nội “lệnh” cho dừng chặt hạ 6.700 cây xanh, Tiền Phong có cuộc trao đổi với  GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam. GS Dũng cho rằng, Hà Nội chặt cây vội vàng là coi thường người dân và vi phạm Luật Thủ đô, cần truy trách nhiệm người ra chủ trương.

GS Nguyễn Lân Dũng nói:

Thứ nhất, quyết định chặt 6.700 cây xanh tại Hà Nội đã gây làn sóng bức xúc không chỉ trong người dân Hà Nội mà là người dân cả nước. Trên facebook người dân còn lập ra cả diễn đàn mong muốn lấy được 6.700 like, chữ ký nhưng kết quả có tới hàng vạn người vào ký để phản đối.

Tôi có may mắn đi đến 30 thủ đô các nước thì Hà Nội vẫn là Thủ đô đẹp với diện tích lớn thứ 3 trên thế giới. Hà Nội đẹp không phải vì nhà cao tầng, vì đường sá, du lịch mà chính là vì cây và hồ. Chúng ta khá đau đớn vì san lấp đi rất nhiều hồ, nếu tìm lại hồ sơ sẽ thấy có bao nhiêu hồ đã san lấp. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước, việc xử lý nước thải.

Lấp hồ rồi thì Hà Nội phải còn cây xanh chứ. Những hàng cây được trồng từ hàng chục năm trước nay trở thành cây cổ thụ, tán rộng che mát các con đường là tài sản quý vô cùng vậy mà Hà Nội nỡ chặt bỏ.

Tôi nghĩ, việc chặt bỏ cây trong mấy ngày qua, Hà Nội không chỉ vội vàng mà còn quá coi thường các nhà khoa học, người dân khi chưa hỏi ý kiến của họ trong đề án này.

Theo ông Trần Văn Mão, người có 51 năm nghiên cứu về bệnh của cây thì cây cũng giống như con người, cũng có lúc khỏe, lúc ốm đau, sâu bệnh. Vậy thì, cây ốm bệnh phải chữa cho cây chứ không lẽ cứ bệnh là “chôn” luôn. Mà chữa bệnh cho cây cực kỳ đơn giản, cây thiếu dinh dưỡng thì bón phân, cây úng thì xử lý đất. Tôi nghĩ, việc này khá đơn giản chỉ cần Công ty Công viên cây xanh có các cố vấn là các nhà khoa học.

Xúc động vì người dân yêu cây xanh

Nếu không có sự phản đối của người dân thì giờ này đã có hàng nghìn cây bị đốn hạ? Ông nghĩ thế nào trước tình cảm của người dân với những hàng cây?

Phải nói rằng, một làn sóng phản đối dâng lên mạnh mẽ từ người già đến người trẻ và bằng nhiều hình thức khác nhau khiến tôi xúc động. Người thì hát nhạc chế, làm thơ, có người đứng đeo biển tôi là cây xanh, tôi có quyền sống, cảm động hơn là có hai chị mang bánh mì, chai nước đến ngồi ôm thân cây, giữ cây…

Cây xanh vốn là tài sản, là di sản của một vùng đất. Có những cây còn được ví quý hơn vàng như cây đa gắn liền với lịch sử ở Tân Trào… Người dân yêu cây xanh và hành động vì lợi ích nó mang lại là đúng và họ có quyền đòi phải có người chịu trách nhiệm.

Hủy đề án chặt bỏ 6.700 cây, dân mới yên tâm ảnh 1

GS Nguyễn Lân Dũng.

Cây thay thế không phù hợp

Thưa GS, dẫu hàng trăm cây xanh vô tội đã bị chặt bỏ, dẫu có tuyến phố đã không còn màu xanh, song việc Hà Nội cho tạm dừng đề án vẫn rất đáng hoan nghênh. Muộn còn hơn không. Tuy nhiên, ai là người phải chịu trách nhiệm chính trong chuyện này, thưa ông?

Theo tôi phải truy trách nhiệm ai ra chủ trương? Chủ trương có hợp lý không? Tôi rất ngạc nhiên Cty Công viên cây xanh khi bị chất vấn lại đổ cho nhà tài trợ vội vàng. Tất nhiên, sau đó một loạt nhà tài trợ đã lên tiếng, họ ủng hộ chủ trương làm đẹp Thủ đô chứ không phải ủng hộ chủ trương chặt cây của Hà Nội.

Hà Nội mới chỉ “lệnh” dừng chặt bỏ cây là chưa được, mà Hà Nội phải hủy bỏ đề án thì dân mới yên tâm. Chỉ có khi nào cây chết thì thay thế, nếu định thay thế cả phố thì trồng xen, đợi 10 năm sau khi xác định được cây này có thay thế được mới bỏ cây trước. Ngoài ra, tiến hành việc duy tu thường xuyên như cắt cành, chăm sóc cây một cách có trách nhiệm là tốt rồi.

GS Nguyễn Lân Dũng

Qua theo dõi cuộc họp báo mà Hà Nội tổ chức vừa rồi, tôi chưa thấy ai chịu trách nhiệm cả. Họ chỉ nhận khuyết điểm là thiếu tuyên truyền trước chứ không phải là việc quyết định cho chặt bỏ 6.700 cây là đúng hay sai? Họ nói là “không phải chiến dịch” nhưng một đề án mà làm cấp tập, người ta bình luận là làm nhanh hơn lâm tặc thì gọi là chiến dịch không sai. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải xem xét trách nhiệm, việc này phải dựa trên pháp luật. Theo tôi việc làm này đã vi phạm Luật Thủ đô. Luật Thủ đô điều 14 quy định rõ,  trên địa bàn Thủ đô nghiêm cấm chặt phá rừng, cây xanh. Đã nghiêm cấm mà chặt là có tội. Không có tội khi có những điều kiện cụ thể. Điều 10 Luật Thủ đô cũng nói, khi lập quy hoạch cải tạo, tái thiết đô thị phù hợp với thực tế tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Vậy việc chặt 6.700 cây xanh  Hà Nội đã trình Thủ tướng xin ý kiến chưa?

Ngoài ra, tôi cũng đặt câu hỏi Hà Nội ký quyết định chặt bỏ 6.700 cây xanh có phù hợp với điều kiện thực tế, có phù hợp quy hoạch đô thị chưa?

Nghị định 64 của Chính phủ ghi rõ, điều kiện chặt hạ cây xanh chỉ khi cây bị chết, bị đổ gẫy, có nguy cơ đổ gẫy, cây bị bệnh, già cỗi, cây trong dự án xây dựng. Tôi nghĩ, từ trước đến nay việc duy tu thường xuyên đã xử lý, thay thế cây đổ, chết là đủ rồi không nhất thiết phải chặt bỏ cùng lúc nhiều cây như vậy. Họ đưa ra lý do cây xà cừ rễ nông, dễ đổ, không nên trồng là sai hoàn toàn. Đồng ý cây xà cừ rễ nông nhưng có những cây đã sống đến 70 tuổi, thân hai người ôm mới xuể thì đó là những cây cổ thụ khỏe mạnh, cho bóng mát chứ. Nếu không phù hợp thì không nên trồng tiếp chứ không phải chặt bỏ.

Cây  bị đốn hạ trên đường Nguyễn Chí Thanh đã được thay thế loại cây mới được cho là cây vàng tâm. Theo GS cây này có phù hợp để trồng ở đô thị không?

Hiện nay, người ta đang tranh cãi về cây thay thế mới là cây vàng tâm hay cây mỡ. Hai cây này khác loài, cùng chi thường sống trong rừng vùng Lào Cai, Yên Bái. Cây mỡ có tên khoa học là Conifera, cây vàng tâm có tên khoa học là Magnolia fendana. Tuy nhiên, cả hai loài cây này đều không thích hợp để trồng trong đô thị và chưa bao giờ ngành lâm nghiệp đô thị coi loài này là cây che bóng mát cả. 

Lại còn ý định trồng mỗi phố 1 cây, việc này chưa chắc đã đúng. Vì trồng được như thế phải nghiên cứu kỹ, trồng thí điểm mất thời gian như ngày xưa trồng cây phượng ở Lý Thường Kiệt, cây sao đen ở Lò Đúc. Có một thời người ta mang cây khác trồng ở Lò Đúc đâu có được. Cây nào sống được ở đâu còn phụ thuộc vào điều kiện từng vùng đất nữa.

Tôi thấy ta bỏ đi kiến trúc sư trưởng là sai vô cùng. Tôi nhớ có lần nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan có nói: “Từ trên cao nhìn xuống Hà Nội như ai đó cầm nắm gạch đá lổn nhổn ném xuống”. Tôi thì thấy đi từ ngoại thành vào nhìn những nhà lấn chiếm cạnh bờ sông, không thể nghĩ đó là Thủ đô. Tôi tán thành ý kiến của GS Ngô Bảo Châu rằng, nếu muốn làm đẹp Hà Nội đâu phải sửa cây xanh, còn bao nhiêu cái đáng sửa hơn. Bộ mặt Hà Nội đang có những hình ảnh xấu xí như dãy nhà chung cư xuống cấp, nhà đua nhau xây chuồng cọp hay như biển quảng cáo to nhỏ lổn nhổn, tiếng Anh to hơn tiếng Việt…

Qua việc này, ông kiến nghị điều gì thưa GS?

Hà Nội mới chỉ “lệnh” dừng chặt bỏ cây là chưa được, mà Hà Nội phải hủy bỏ đề án thì dân mới yên tâm. Chỉ có khi nào cây chết thì thay thế, nếu định thay thế cả phố thì trồng xen, đợi 10 năm sau khi xác định được cây này có thay thế được mới bỏ cây trước. Ngoài ra, tiến hành việc duy tu thường xuyên như cắt cành, chăm sóc cây một cách có trách nhiệm là tốt rồi.

Việc chặt bỏ hàng trăm cây đã gây bức xúc trong người dân là quá lớn. Tôi không tin, các nhà tài trợ ủng hộ hết việc chặt 6.700 cây, tôi không tin là không mất đồng nào? Tôi cũng không tin toàn bộ số gỗ này sẽ được đấu thầu và sung công quỹ. Tuy nhiên, kết luận là của cơ quan điều tra. Người ta nói họ chặt ngày chặt đêm nhanh còn hơn cả lâm tặc. Trong luật một người chặt cây, phạm luật sẽ chịu mức phạt thế nào? Trong khi chặt hàng trăm cây thì tội to chứ. Phải quy trách nhiệm không thể nói chúng tôi có khuyết điểm là tuyên truyền không đầy đủ.

MỚI - NÓNG