Hữu Ước, chưa hết bất ngờ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Xôm tụ cùng ấm sáng những sắc màu với hơn 100 bức sơn dầu, acrylic giăng khắp không gian của Nhà triển lãm Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hà Nội). Ấy là cuộc chơi mới toanh của trung tướng Hữu Ước, đánh dấu cái tuổi 70. Triển lãm diễn ra từ 12/8 đến 19/8/2022.

Tưởng đã cố hữu đã mặc định đã đóng khung này khác… Nhưng ông bạn già này vẫn thường gây ra bao thứ bất ngờ!

Như dạo Hữu Ước bập vào cái thú vẽ!

Tôi ngờ rằng bài thơ Thiều vẽ con bò mùa đông của Hữu Ước là một thứ xui nguyên giục bị?

Hữu Ước, chưa hết bất ngờ ảnh 1

Tác giả bài viết (bìa trái) trước một tác phẩm trong triển lãm

Bài thơ ấy có lẽ được nhất trong những gom những tuyển thành mấy tập Thơ Hữu Ước. Hình như Hữu Ước đã bất ngờ phát giác, đã đọc được thông điệp qua khối hình cùng sắc màu ở người trợ thủ đa tài nhiều năm cho mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều?

Cữ thu là trời dịu dần. Dương khí dần thu liễm. Dồn thụ âm khí vào đỉnh điểm của tiết đông. Tiết ấy, vạn vật dường như co cụm. Con bò của Nguyễn Quang Thiều đã ám ảnh Hữu Ước, từ hình dáng đến đường nét sắc màu. Nó toát yếu khơi gợi thứ gì đó cô đơn lẫn thê lương…

Giải tỏa, sẻ chia những ám ảnh ấy, Hữu Ước không dừng lại ở một bài thơ về bức tranh của Nguyễn Quang Thiều! Hình như tận cùng ám ảnh, lão hứng lên tha lôi màu vẽ cùng toan về bày ở góc trong cùng của căn phòng cơ quan Báo An Ninh thế giới ở 100 Yết Kiêu. Trong cái góc kín đáo ấy, cậu bé Hữu Ước, kẻ liều lĩnh Hữu Ước bắt đầu khởi một sự chơi, nghịch mới! Thi sĩ, văn sĩ Hữu Ước như khởi đầu một cuộc lên đồng mới?

Hữu Ước, chưa hết bất ngờ ảnh 2

Triển lãm tranh của Hữu Ước

Tạm để lại sau lưng những cột mốc, tác giả của hơn chục vở kịch cùng mấy tập thơ, vài cuốn tuyển truyện ngắn cùng tiểu thuyết, vài album ca nhạc. Và thành tựu của một Tổng biên tập điều hành tờ báo từng có lượng phát hành lớn nhất mặt bằng báo chí nước Việt, Hữu Ước âm thầm hùng hục vẽ. Như tự dưng lão đặt ra một cái mốc của một chặng đua mới. Vẽ!

Đầu tiên thì chốt trái cửa. Khi có chút tự tin thì rinh ra phòng làm việc mé ngoài. Rồi ít bữa nữa thì cửa khép hờ.

Bận ấy, giữa hai hơi thuốc lào một cuộc gặp, tôi lờ mờ nhận ra lão đương nhấm nhẳn như giải mã thứ tuyên ngôn về cuộc chơi mới. Rằng khi làm thơ, viết văn viết kịch là dạng chơi với ý nghĩ của mình. Thứ nào tử tế đường được thì viết ra giấy. Bây giờ thì là thể hiện ra màu và lên toan!

Cái tin Hữu Ước vẽ đến tai tiên chỉ làng văn Đỗ Chu. Tiếp cỡ Đỗ Chu thì là phải buông bút có lẽ mới phải phép? Nhưng Hữu Ước, giữa ngổn ngang bừa bộn những tuýp sơn dầu, bột màu, khung toan và khói thuốc lào vẫn điềm tĩnh tiếp chuyện lão tiên chỉ. Khi ấy Hữu Ước cũng mang máng biết Đỗ Chu cũng đương bập vào cái thú vẽ… Đỗ Chu đương nhẩn nha về Nguyễn Đức Toàn, về Hoàng Vân. Về sự giải thoát cân bằng của hai đấng nhạc sĩ này. Tại sao Nguyễn Đức Toàn có nhiều lúc phải tạm rời khuông nhạc và tìm đến khung tranh như thế? Rằng cơn cớ chi nhạc sĩ Hoàng Vân lại nhiều ngày chả ỏ ê gì việc viết nhạc mà lại trái tay để miệt mài với thư pháp? Rằng tại sao cái giống nghệ sĩ nhà văn lại phải tìm đến thứ ngôn ngữ ma mỵ của vẽ vời của hội họa?

Những chuyện không đầu không cuối chả lớp lang gì của Đỗ Chu như thứ đoản văn thường rất bắt tai người nghe. Nhưng xen giữa chuyện, lão không quên và hồn nhiên cái việc nhắc Hữu Ước là cái này khoảng màu kia phải đầm đậm cái kia nhàn nhạt bớt.

Một chi tiết hơi bị hồn nhiên của lão tiên chỉ này là chuyện luôn miệng đấy nhưng thi thoảng lại mân mê những tuýp sơn dầu ngoại đắt tiền cùng những nhận xét về giá trị, công năng của chúng. Hữu Ước tưởng như đương xiêu hồn phách lạc vào trận đồ bát quái của sắc màu nhưng tinh quái đọc ngay được ý nghĩ của ông anh.

- Anh thích thì cầm về mà dùng.

Chả đợi nhắc, Đỗ Chu tự nhiên và hồn nhiên bỏ những tuýp ấy vào cái túi dết lúc nào cũng kè kè bên vai.

Chứng kiến cái cảnh ngồ ngộ này, tôi suýt phì cười khi chợt nhớ câu chuyện của cụ Kim Lân về nhà văn Nguyễn Tuân. Rằng cụ Nguyễn Tuân đến nhà ai đó có bầy những bình lọ đồ cổ hoặc những vật mỹ thuật bắt mắt thì cụ lại mân mê, nhấc lên đặt xuống. Chuyện trên giời dưới bể những tưởng đâu đâu. Rồi những khen đấy mà chê đấy. Nhưng cuối các cuộc đều toát yếu lên tinh thần rằng những vật này mà để ở nhà này, mà lưu lại đây thì hơi bị phí!

Rồi chủ nhân cũng chợt bừng ra cái điều, phải vào tay Nguyễn Tuân sở hữu thì mới xứng? Như cái lý quý vật thì phải gặp quý nhân? Thế rồi chả lâu la mấy, vài lần ghé chơi và thưởng ngoạn như thế, cụ Nguyễn đã sở hữu dễ dàng cái vật mà mình thích.

Bữa không có Đỗ Chu, tiện mồm nhắc Hữu Ước sao chưa đầm đậm hay nhàn nhạt cái ý hôm nọ? Hữu Ước cười, màu của tao, đường nét của tao. Nhắc là việc của lão. Chứ ai cũng chồm hỗm trong tranh của tao thì…

Lại nhớ thêm có dạo Đỗ Chu gợi ý cho Hữu Ước một phương pháp sáng tác đầy hứng khởi là dùng tuýp sơn dầu dúi mầu lên mặt vải (mà Đỗ Chu dùng cái từ thụi lên mặt toan). Sau chừng như thấy không hiệu ứng nên bỏ cái phương pháp ấy!

Hữu Ước cứ miệt mài một dạo như thế. Thôi thì sơn dầu, thuốc nước, lại chơi cả acrylic (sơn nước) trên toan. Thứ đã khung thứ để ngỏ cứ tày tặn mãi lên.

Xin miễn cho người viết bài này cái việc bình phẩm tranh Hữu Ước. Chức phận đó nên dành cho người thưởng lãm. Chỉ bộc bạch ra đây cảm giác ngài ngại trước cái sức làm việc khủng của một người viết dám vuột sang một ngả rẽ, một sân chơi mới, sắc màu!

Nhưng cũng tại triển lãm, đứng gần ông Chủ tịch Hội Nhà văn kiêm cây cọ đương có danh Nguyễn Quang Thiều, thoáng thấy ông xuýt xoa chia sẻ với người coi về những cái dáng cùng sắc màu rất lạ của núi trong tranh Hữu Ước… Rồi một chốc lại thoáng thấy những bộc bạch của cỡ gộc Thành Chương trong Fb rằng coi tranh Hữu Ước có một thứ mà Thành Chương rất thiếu, rất thèm mà Hữu Ước rất thừa thãi ấy là sự hồn nhiên!

Có vẻ như sự sống với Hữu Ước này không bao giờ chán nản. Như luôn vượt thoát, vượt thoát?

Những năm 80,đương là Trưởng phòng cứng của tờ Công an nhân dân, đùng cái Hữu Ước vướng án tù mấy năm trong Chí Hòa. Ra tù, mọi cánh cửa như sập trước mặt. Nhà ở nhờ. Phải đi bán báo, đi làm hộp đựng bánh kẹo thuê. Rồi trải qua bao tao tiết thời khó, Hữu Ước lại trở lại nghề. Lại lợi hại hơn với những thành đạt cùng danh hiệu này chức nọ. Giờ lại cân bằng và sung sức không chữ nghĩa giai điệu thì là đường nét sắc màu?

***

… Chiều 23 Tết vừa rồi, ghé chỗ Hữu Ước ở Xã Đàn. Vắng rợn. Rồi phát ra một tràng ho khủng chỗ đống chăn im lìm góc nhà. Rồi thò ra khuôn mặt đỏ rừ nhưng bệch bạc của cái giống đương sốt. Ông bạn già nằm bệt đã mấy hôm nay. Con cái ghé chăm nhưng bố bảo về mà lo Tết. Tí nữa chúng lại tới.

Về nhà. 11 giờ đêm. Tin nhắn của thằng con “Bố cháu bị Covid rồi” Tôi thoáng nghĩ đến cái điếu của ông chủ mà mình bập vô hồi tối…

Con chăm cha không bằng bà chăm ông. Chợt nghĩ đến bà vợ tảo tần hiền thục của Hữu Ước biệt dương thế nhiều năm nay. Mấy bố con ông cháu chỏng chơ nhưng đầm ấm quấn túm. Mỗi lần có cuộc tụ bạn bè, nhớ đến câu đùa của Hữu Ước về những thúc giục mối manh tục huyền này khác “chỉ vì mỗi cốc sữa thôi mà phải nuôi nguyên cả một con bò à?”.

Chiều 30 Tết, nhẹ người tiếp được tin nhắn của người nhà báo tin Hữu Ước đã âm tính.

Ra Giêng một dạo đùng cái hung tin, Hữu Ước dính K! Mà K thực quản. Lối đi, con đường chuyên chở đồ ăn thức uống đã bị bít. Cũng là lộ trình của rượu và liên tằng những hơi khói thuốc lào.

… Phải chăm bẵm chứng kiến người thân từng dính K, buổi ấy tôi rối trí tung lên phây cái tin Hữu Ước đương chuẩn bị giải phẫu ở một bệnh viện Singapore và xin những niệm lành, cầu cho Hữu Ước tai qua nạn khỏi! Mới mấy chục phút đưa trên mạng mà hơn trăm người bạn lành của Hữu Ước hưởng ứng…

Rồi lại nhận được tin, không phải mổ ở Singapore. Được cấp thuốc để cầm cự. Rồi về Hà Nội để mổ.

Tò mò hóng chuyện mấy vị giáo sư điều trị cho Hữu Ước. Thoạt đầu là tiên lượng không đến nỗi nào. Rồi phương án năm ăn năm thua. Rồi cuối cùng là tế bào ung thư may mà mới chớm di căn…

Con bệnh Hữu Ước đã không cô đơn. Bạn bè anh em quấn túm. Được tin một yếu nhân chuyển cho cả thuốc đặc hiệu chi đó điều trị K mà nhờ đó ông may thoát được hơn chục năm nay.

Và tháng trước, bạn bè xúm lại coi ké những chứng chỉ xét nghiệm này khác. Ngạc nhiên, bao nhiêu là hân hoan khi thấy sạch bách những tế bào ác tính.

Thoát cửa tử. Vậy là mệnh Hữu Ước còn vững…

Con bò mùa đông, chú bò già Hữu Ước mang cái ách Văn-Thơ-Hội họa ì ạch kéo cái cày nghiệp đương phải đi nốt những đường cày cuối? May mà vẫn chưa khuỵu!

May! Thốt lên từ ấy nhưng chợt lại thấy ngài ngại, kinh kinh. Chả hiểu lão bạn già với tính khí cố hữu luôn những bất ngờ này khác liệu có bày ra cuộc chơi gì mới nữa không đây?

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.