Các khu công nghiệp tại Hà Nội:

Hút công nhân trở lại sau Tết

Chủ tịch LĐLĐ thành phố thăm và động viên tinh thần công nhân tại nhà máy sản xuất xe máy Yamaha Motor Việt Nam.
Chủ tịch LĐLĐ thành phố thăm và động viên tinh thần công nhân tại nhà máy sản xuất xe máy Yamaha Motor Việt Nam.
TP - Sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu, công nhân đi làm trở lại tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp… tại Hà Nội tăng cao đột biến so với các năm trước. Những tấm biển đăng tuyển dụng gấp lao động sau Tết gần như không còn.

Chính sách hỗ trợ, gắn kết người lao động

Có mặt tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh nơi sinh sống của công nhân KCN Bắc Thăng Long. Trái ngược với sự vắng lặng những năm trước, năm nay nhà trẻ, trường mẫu giáo đều đã rộn tiếng trẻ em. Các em được bố mẹ đưa lên sớm để nhập học sau Tết. Chị Phương, nhân viên Cty TNHH Canon Việt Nam cho biết, gần như toàn bộ anh chị em công nhân đều đã lên làm việc từ ngày mùng 6 Tết. “Ngoài phong trào thi đua làm việc ngày đầu tiên sau nghỉ Tết, Cty còn tổ chức giao lưu văn nghệ, lãnh đạo Cty mừng tuổi… nên ai cũng háo hức”, chị Phương chia sẻ.

Chị Phượng, công nhân tại Cty TNHH Denso Việt Nam cho biết thêm: Gia đình tôi (gồm 4 người) thuê được căn hộ ở Khu nhà ở xã hội Kim Chung. Căn hộ khép kín, sạch sẽ giá thuê chỉ 1,5 triệu/tháng. “Đây gần như là căn nhà thứ hai của gia đình, nên về quê mà vẫn cứ mong ra làm việc sớm”, chị Phượng chia sẻ.

“Nhờ sự quan tâm, chính sách đãi ngộ tốt, những năm gần đây, tỷ lệ đi làm sau kỳ nghỉ Tết của công nhân luôn đạt 99%”.

Chị Phạm Thị Vân Anh

Chủ tịch Công đoàn 

Cty TNHH 

Canon Việt Nam

Theo lãnh đạo UBND xã Kim Chung, phần đông người lao động đã lên các khu nhà ở, nhà trọ từ ngày 3/2 (mùng 6 Tết), số còn lại đã có mặt sau đó hai ngày. Hiện nay, các hoạt động học tập, làm việc của xã đã trở lại guồng quay thường ngày. Tại KCN Bắc Thăng Long, KCN Quang Minh… những tấm biển tuyển dụng lao động gần như đã không còn như những năm trước. Những chính sách hỗ trợ, gắn kết người lao động với doanh nghiệp, điều kiện sống được đảm bảo đã giúp hạn chế chuyện “nhảy việc”.

Chị Phạm Thị Vân Anh, Chủ tịch Công đoàn Cty TNHH Canon Việt Nam cho biết, từ năm 2010, Cty đã tổ chức buổi lễ gặp mặt đầu năm và phát động phong trào thi đua trong công nhân lao động vào ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết. Người lao động được giao lưu văn nghệ, được lãnh đạo Cty gửi lời chúc Tết  và được mừng tuổi… “Nhờ sự quan tâm, chính sách đãi ngộ tốt, những năm gần đây, tỷ lệ đi làm sau kỳ nghỉ Tết của công nhân luôn đạt 99%”, chị Vân Anh nói.

97% công nhân tại các KCN đã đi làm lại

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Khắc Tuấn, Trưởng ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội cho biết, 97% công nhân tại các KCN đã đi làm lại. Một vài đơn vị đạt tỷ lệ 100%. “Một số doanh nghiệp lớn còn tổ chức xe đưa đón công nhân sau Tết, tạo thuận lợi cho công nhân. Tác phong người lao động đã được nâng cao nên mức độ nhảy việc như các năm trước hầu như không diễn ra”, ông Tuấn khẳng định.

Ngày 6/2, đến thăm Cty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá: Đây là một trong những doanh nghiệp đã làm rất tốt công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Đặc biệt các chương trình văn hóa, văn nghệ phục vụ việc chăm sóc tinh thần cho người lao động luôn đạt được thành tích cao và đáng khích lệ. Bà Tuyến cho biết thêm, nhằm đôn đốc các doanh nghiệp, công đoàn cơ sở và công nhân lao động thực hiện tốt chủ đề năm 2017 “Kỷ cương hành chính” của TP Hà Nội, Liên đoàn đã tổ chức 6 đoàn đi kiểm tra, động viên công nhân lao động tại các doanh nghiệp. Cả 6 đoàn đều báo cáo những kết quả tích cực.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội chia sẻ: Sự biến động thị trường lao động năm nay không nhiều được cho là do người lao động có nhu cầu ổn định công việc và đa số các doanh nghiệp thực hiện chính sách lương, thưởng và phúc lợi tốt, đã giữ chân được người lao động và sự gắn kết cung - cầu trong thị trường lao động đã trở nên chặt chẽ hơn.

MỚI - NÓNG