Hướng tới công nghệ ô tô phát triển giao thông bền vững

Các nhà sản xuất ô tô đang đau đầu với giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường sống.
Các nhà sản xuất ô tô đang đau đầu với giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường sống.
Cũng giống như các nước khác trên thế giới, xe thân thiện môi trường sẽ là xu hướng tất yếu của Việt Nam trong tương lại.

Cứ 1% GDP tăng lên có 3% GDP bị thiệt hại do môi trường

Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí đang ngày càng trở nên trầm trọng, nhất là ở các thành phố lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội. Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cứ 1% GDP tăng lên thì 3% GDP sẽ bị thiệt hại do các vấn đề môi trường. Dự báo tỉ lệ chi trả cho các vấn đề sức khỏe liên quan đến môi trường chiếm 1,2% GDP vào năm 2020, gấp 4 lần so với năm 2010.

Ngành công nghiệp ô tô cũng đứng trước thách thức lớn khi khí CO2 thải ra từ xe hơi là một trong những nhân tố gây biến đổi khí hậu. Một số chất độc như CO, Pb, NOx thải ra từ xe hơi cũng góp phần gây ô nhiễm không khí. Trong khi đó, nguồn dầu mỏ dần suy kiệt trước nhu cầu sử dụng ngày càng tăng.

Nhận thức được các thách thức của ngành liên quan đến vấn đề môi trường, các hãng ô tô trên thế giới đã nỗ lực nghiên cứu, phát triển và cho ra đời nhiều công nghệ xe thân thiện môi trường như xe sử dụng pin nhiên liệu, sử dụng năng lượng điện, xe hybrid… Đặc biệt, xe hybrid có lợi thế hơn xe điện khi không cần xây dựng cơ sở hạ tầng mới như trạm sạc điện. Nói một cách dễ hiểu hơn, đây là loại xe sử dụng hai nguồn động lực: Động cơ đốt trong và động cơ điện. Xe hoạt động dựa trên sự kết hợp giữa động cơ đốt trong và động cơ điện sao cho tối ưu nhất.

Ở Việt Nam, hiện mới chỉ xuất hiện xe hybrid và xe điện với số lượng rất hạn chế. Trong đó, xe hybrid chiếm đa số do phù hợp hơn với điều kiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam: đường sá chật hẹp; xe buýt quá cỡ so với đường đi; giao thông đan xen; ô nhiễm…Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ năm 2010 đến tháng 3/2017, Việt Nam tiêu thụ khoảng 1.229 ô tô hybrid, trong khi ô tô điện chỉ có 7 chiếc.

Cần có giải pháp đồng bộ để phát triển giao thông bền vững

Theo Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, xe thân thiện môi trường, trong đó có xe hybrid là xu hướng tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nhằm bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều chủ trương khuyến khích xe thân thiện với môi trường trong đó có xe hybrid. Tại văn bản Luật số 106/2016/QH13 của Quốc hội về Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và luật Quản lý thuế có quy định về ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hybrid như sau: “Xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng thì thuế suất bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe cùng loại”. Ngoài ra, nhiều văn bản quy chuẩn quốc gia cũng được đưa ra liên quan đến chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, tiêu chuẩn về xe thân thiện môi trường, tiêu chuẩn riêng cho xe hybrid.

Chính phủ đã nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải giảm tiêu thụ nhiên liệu và các bộ ban ngành liên quan đã ban hành một quy định về sử dụng nhiên liệu tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, Chính phủ đã tổ chức các cuộc hội thảo, các cuộc họp song phương, trong đó có các bên liên quan như các chuyên gia kỹ thuật, các tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu và hiệp hội để được tham vấn về quan điểm của họ.

Theo nghiên cứu của công ty Toyota, một giải pháp đồng bộ giữa các bên liên quan chính, bao gồm: Chính phủ, cộng đồng (các tổ chức phi lợi nhuận và giới nghiên cứu), các nhà sản xuất ô tô – là cách hiệu quả nhất để theo đuổi các giải pháp giao thông bên vững. Đơn cử như các bên liên quan đã đề xuất thu thập dữ liệu tiêu thụ nhiên liệu thông qua việc dán nhãn tiêu thụ nhiên liệu. Việc này cũng giúp nâng cao nhận thức và giáo dục người tiêu dùng về vấn đề tiết kiệm nhiên liệu. Hành vi của người dùng là một phần quan trọng của giải pháp đồng bộ, vì sự lựa chọn của người tiêu dùng đối với các phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, góp phần vào giải pháp giao thông bền vững. Toyota tin rằng, việc thu thập dữ liệu đáng tin cậy như vậy thông qua nhãn dán sẽ giúp cho Chính phủ sau này hoàn thiện chính sách tiết kiệm nhiên liệu một cách hiệu quả hơn.

Trước đó, Toyota cũng đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến giải pháp đồng bộ áp tại các thị trường khác nhau như Thái Lan, Nhật Bản, Califonia. Tại Việt Nam, dự kiến đến năm 2020 sẽ bước vào giai đoạn ô tô hóa nhờ sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sức mua ngày càng tăng. Trong quá trình ô tô hóa, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hội nhập vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN khi thuế nhập khẩu đối với các loại xe trong khu vực ASEAN sẽ được dỡ bỏ bắt đầu từ năm 2018. Hai sự kiện này là cơ hội vàng cho Việt nam tận dụng kinh nghiệm của tất cả các bên liên quan trong cộng đồng ASEAN nhằm xác định và theo đuổi giải pháp giao thông bền vững.

Toyota cho rằng cần phải có một giải pháp đồng bộ tổng hợp sâu hơn, rộng hơn đối với việc phát triển giao thông bền vững. Đồng thời, Toyota cũng bày tỏ sự quan tâm và mong muốn theo đuổi các giải pháp thực tế hướng tới các mục tiêu chung của công ty đối với giao thông bền vững. Hãng xe của Nhật Bản mong muốn được hợp tác cùng Chính phủ, người dân chung tay xây dựng một Việt Nam xanh hơn, tốt đẹp hơn. 

MỚI - NÓNG