Hùng dũng ra khơi với chiến lược biển

Cảng chỉ đón được thuyền, làm sao vươn ra đại dương? Ảnh: N.Đ.Q
Cảng chỉ đón được thuyền, làm sao vươn ra đại dương? Ảnh: N.Đ.Q
TP - “Chúng ta có điều kiện để kéo nguồn lực từ bên ngoài vào, có cơ sở ban đầu để khai thác biển, có chiến lược biển, giúp ta tiến quân ra biển hùng dũng”, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trao đổi bên lề Diễn đàn Kinh tế biển Việt Nam 2011.

> Nâng cao năng lực quản lý vùng bờ biển
> Bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ tối thượng

Diễn đàn Kinh tế biển Việt Nam 2011 được Bộ TN&MT, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài tổ chức tại Nha Trang ngày 8-6, với chủ đề Động lực và thách thức cho sự phát triển của các khu kinh tế ven biển.

Cảng chỉ đón được thuyền, làm sao vươn ra đại dương? Ảnh: N.Đ.Q
Cảng chỉ đón được thuyền, làm sao vươn ra đại dương? Ảnh: N.Đ.Q.
 

Phải có cơ chế kinh tế biển hiện đại

“Việt Nam không thể khai thác biển tốt nếu không khẳng định được sự hiện diện của mình trên đại dương với tư cách một cường quốc biển. Trong tầm nhìn hiện tại, Việt Nam cần đặc biệt chú ý đến việc khẳng định sự hiện diện đại dương (trên các vùng biển quốc tế).

Đó là cách chứng tỏ năng lực khẳng định chủ quyền, năng lực vươn xa thực sự của Việt Nam, cũng là cách để thoát khỏi lối tư duy và phương thức sinh tồn đánh bắt gần bờ, thiếu ý chí và văn hóa chinh phục”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

“Phải phân biệt giữa vùng tranh chấp và vùng chồng lấn trên biển, có khu vực chồng lấn và tranh chấp, có vùng tranh chấp không chồng lấn. Có những nước vẽ vào mũi chân của ta mà nói đó là khu vực tranh chấp. Họ tranh chấp với ta nhưng ta không tranh chấp với họ, vì đó là của ta. Đã là của ta, sao gọi là vùng tranh chấp được. “ - PGS Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

 

Theo ông, nếu muốn thu hút những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính lớn nhất, công nghệ cao nhất vào phát triển kinh tế biển, phải có cơ chế hiện đại. Chẳng hạn với việc xây dựng cảng biển, cần tập trung vào những cảng lớn, vùng cảng lớn chứ không phải tỉnh nào cũng làm vài cảng nhỏ.

“Cứ rải mành mành, tỉnh nào cũng có cảng, nhưng chỉ đón được thuyền, không đón được tàu, làm sao vươn ra đại dương!”. Theo TS Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM, cản trở lớn nhất là phân tán nguồn lực, phân tán đầu tư.

PGS Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ mạnh hơn, bài bản hơn cho ngư dân, để họ có thể hùng dũng ra khơi. Phải có các mô hình tập đoàn hải sản tư nhân, thậm chí hợp tác quốc tế, mô hình kết hợp giữa quân và dân, vừa để ngư dân đánh bắt đạt hiệu quả, vừa bảo vệ tốt chủ quyền đất nước. Từ lâu, chúng ta đã có kiểm ngư, nhưng trong tình hình mới cần tăng cường năng lực cho lực lượng này, ông Hồi nói.

Hải đăng ở đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa Ảnh: N.Đ.Q
Hải đăng ở đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa.
Ảnh: N.Đ.Q.
 

Mới chỉ là quốc gia ven biển

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, lâu nay, sự chú trọng thường được dành cho lợi thế tĩnh (tự nhiên), mặc dù lợi thế vị trí địa - kinh tế, địa - chiến lược ngày càng trở nên quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa. Tư duy về lợi thế như vậy được phản ánh trong việc phát triển các lĩnh vực kinh tế biển cụ thể: Tập trung cho khai thác thủy sản, dầu khí, làm muối dưới dạng “thô, trong khi khai thác hàng hải, du lịch và cảng biển chưa phát triển.

“Trình độ phát triển kinh tế biển của Việt Nam nhìn chung còn thấp, Việt Nam cơ bản vẫn chỉ là một quốc gia ven biển, hơn là một quốc gia biển…”, ông Thiên nói. Theo PGS Nguyễn Chu Hồi, kinh tế biển nước ta phát triển chậm về thời gian, tụt hậu về công nghệ.

Trong thư gửi Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ T&MT Phạm Khôi Nguyên nhận định, Việt Nam chưa tổ chức được một cách khoa học và kiểm soát được không gian vùng biển của mình, chưa có nguồn nhân lực mạnh và công nghệ nghiên cứu, khảo sát hiện đại để phục vụ phát triển kinh tế biển.

Kinh tế biển Việt Nam có hai lợi thế quan trọng: Về tự nhiên (lợi thế tĩnh), Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, trung bình 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển, cao gấp 6 lần tỷ lệ chung của thế giới; diện tích lãnh hải thuộc chủ quyền rộng khoảng 1 triệu km2, dễ dàng tiếp cận đại dương, tài nguyên thiên nhiên giàu có…

Nước ta lại nằm trên các tuyến hải hành và luồng giao thương quốc tế chủ yếu của thế giới, nhất là trong thời đại bùng nổ phát triển của châu Á - Thái Bình Dương, có vị trí địa - kinh tế và địa - chiến lược đặc biệt.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG