Sáng 12/10, giữa mênh mông lũ, mưa trút nước không ngớt, nhiều đoàn cứu trợ tại TT-Huế đã trực chỉ những vùng sâu, vùng ngập lụt dài ngày; không ngại dầm dãi mưa lạnh, gió to, nước sâu để mang lương thực đến với dân nghèo.
Lực lượng chức năng lặn lội cứu trợ giữa mênh mông nước lớn.
Giữa cánh đồng trắng xóa nước thuộc vùng trũng Phong Điền, anh Trần Gia Công, Bí thư Tỉnh Đoàn TT-Huế, nói như hét trong gió lớn lẫn tiếng động cơ ghe máy gầm rú cùng nước xoáy: "Nhiều nơi còn ngập sâu lắm, bà con đang cạn dần cái ăn, đoàn cứu trợ đang tìm cách tiếp cận những nơi chia cắt để cứu trợ cho bà con".
Tại TP Huế, trong sáng 12/10, các hoạt động cứu trợ diễn ra hết sức khẩn trương, giữa lúc lũ vẫn còn rất cao, mưa lớn không ngớt.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch UBND phường Xuân Phú (bìa phải), về tận các khu dân cư ngập sâu để cứu trợ cho dân bị kẹt lũ dài ngày.
Trong đợt lũ này, Xuân Phú là một trong những phường ven sông tại TP Huế bị ngập sâu, tất cả các kiệt phố và hộ gia đình đều đã ngâm trong nước từ nhiều ngày nay.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch UBND phường Xuân Phú, cho biết, ngay khi xuất hiện lũ lớn, chính quyền phường đã chủ động chuẩn bị 100 thùng mì tôm và khẩn trương cấp phát về cho dân.
Bà Vọng, một phụ nữ lớn tuổi ngụ khu vực 6-phường Xuân Phú (Huế), xúc động: "Mấy hôm nay, tui chỉ còn biết ngồi nhà chờ lũ rút, nước vây bốn bề, gạo hết, mì tôm cũng hết, nếu phường không về cứu trợ, chắc là đói lả".
Giữa thành phố Huế, xóm De (phường Xuân Phú) là một khu dân cư biệt lập bị mưa lũ chia cắt, nơi đây gió lớn, nước xoáy vây quanh thường xuyên.
Những kiệt phố tại TP Huế vẫn mênh mông nước vào sáng 12.10
Không ít gia đình bị ngập sâu tại xóm De phải đóng cửa sang nhà hàng xóm cao ráo để tá túc nhiều ngày nay, nguồn lương thực cũng dần cạn kiệt. Rất khó khăn, lực lượng chức năng phường Xuân Phú dùng ghe thuyền mới tiếp cận được khu vực này, để cứu trợ cho dân vào trưa 12/10.
Trong ngày, UBND TP Huế cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức cứu trợ khẩn cấp cho dân. Trong ngày, đã có 1.400 thùng mì tôm từ TP Huế đã được chuyển khẩn cấp về cho các phường bị ngập sâu, mỗi phường được hỗ trợ 100 thùng mì tôm.
Dân quân phường Xuân Phú dầm mình giữa mưa lạnh đi cứu trợ.
Cùng với hỗ trợ mì tôm, tại TP Huế, người dân ở những nơi cao còn nấu cơm hộp gửi tặng cho người khó khăn ở vùng thấp trũng. Chính quyền các phường có địa hình cao ráo cũng thực hiện cách hỗ trợ hết sức thiết thực này, giữa lúc lũ lụt vẫn còn bao vây dài ngày.
Tại huyện Phong Điền, để kịp thời đảm bảo cho người dân không bị thiếu đói và rét lạnh trong quá trình di dời, UBND tỉnh TT-Huế đã hỗ trợ khẩn cấp cho huyện Phong Điền 3.000 thùng mì tôm, 18.000kg gạo…
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, chính quyền cũng đã chỉ đạo các địa phương triển khai các phương án để dân chủ động lương thực, thực phẩm từ 3 đến 5 ngày, nhằm ứng phó với tình hình mưa lũ kéo dài. Tuy nhiên, những ngày qua, tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, nước ngập hầu hết các vùng thấp trũng, vùng ven sông, nên nhiều lương thực, thực phẩm dự trữ của dân đã bị ướt, hư hỏng, trôi mất.
Ông Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tặng mì tôm cho dân vùng lũ Phong Điền.
Ngay sau khi tiếp nhận nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh TT-Huế, huyện Phong Điền đã chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp nhận và hỗ trợ ngay cho các địa phương; sau đó tìm cách chuyển kịp thời đến tận tay người dân.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay tại huyện Phong Điền và nhiều vùng lũ ở TT-Huế là mức nước dâng còn quá cao, chảy xiết nguy hiểm, phương tiện của lực lượng chức năng rất khó tiếp cận để cứu trợ cho dân.
Dịp này, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh TT-Huế cũng đã được chuyển hàng cứu trợ về "rốn lũ" Phong Điền, để các xã, thị trấn kịp thời tiếp tế cho người dân bị lũ bao vây nhiều ngày nay không thể rời nhà.