Tác phẩm điêu khắc quốc tế Huế ẩn hiện lẩn lút giữa cây rừng, cỏ dại trong “công viên nước kinh dị nhất thế giới” hồ Thủy Tiên.
Những ngày gần đây, khi ngang qua khu nghỉ dưỡng Tam Giang (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, TT-Huế), công chúng yêu nghệ thuật điêu khắc xứ Huế và du khách giật mình phát hiện hàng loạt tác phẩm nghệ thuật của Trại sáng tác Điêu khắc Quốc tế Huế, nằm trong khuôn khổ Festival Huế 2008, từng được trưng bày trong khu resort đã “không cánh mà bay”. Không ai biết chúng được chuyển đi đâu, do ai quản lý và đã nhận được sự cho phép di dời của cơ quan chức năng hay chưa. Được biết, đây là tài sản văn hóa của nhà nước, nhưng lâu nay bị “nhốt” trong khuôn viên doanh nghiệp.
Đó không phải là nơi duy nhất xứ Huế có hàng loạt tác phẩm điêu khắc quốc tế thuộc tài sản nhà nước bị “nhốt” sau hàng rào doanh nghiệp, khiến công chúng phải xót xa. Tình trạng này còn xảy ra tại vườn tượng quốc tế trên đồi Thiên An (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy). Vườn tượng Thiên An cũng ra đời từ một kỳ Festival Huế, hiện bị bỏ mặc trong hoang phế. Toàn bộ tượng nằm lọt trong khu giải trí Thủy Tiên - nơi vừa được một tờ báo nước Anh gọi là “công viên nước kinh dị nhất thế giới” do hoang phế, vắng người.
Mới đây, chúng tôi trở lại công viên nước Thủy Tiên vào một chiều muộn chớm đông u ám. Cả một khoảnh đồi nhỏ dùng đặt tượng điêu khắc gần mép hồ Thủy Tiên nhìn từ phía xa cứ rờn rợn như một khu nhà mồ vùng cao bị bỏ hoang, với những bức tượng đá loang lổ vệt rêu lẩn lút ẩn hiện trong cây rừng, cỏ dại. Cách đó vài trăm mét, nổi trên mặt hồ Thủy Tiên là chiếc đầu quái thú bằng bê tông thô thiển phủ rêu đen kịt giữa công viên nước bỏ hoang. Chiếc đầu quái thú này vừa gây chú ý lớn khi được đăng lên báo Anh với tên gọi “công viên nước kinh dị nhất thế giới”. Khu công viên Thủy Tiên giờ càng tăng thêm vẻ kinh dị, lạnh lẽo bởi những tác phẩm điêu khắc quốc tế bị bỏ hoang phủ rêu đen giữa dày đặc cây rừng âm u.
Tại vườn tượng, chỉ sau một thời gian ngắn, không ai còn nhận ra tác phẩm “Melody of Friendship” (Giai điệu và tình bạn), do nghệ sĩ Sushil Sakhuja (Ấn Độ) thực hiện trên chất liệu đá trắng và kim loại. Nhiều thanh inox và các cấu kiện mang hình trái tim, trăng, sao đã rơi rụng, hoen gỉ. Nhiều tác phẩm điêu khắc độc đáo bỗng trở nên vô danh, do biển thuyết minh bằng đá đã biến mất. Có nơi, biển ghi tên tác giả, tác phẩm bị đập phá tan nát không thương tiếc. Nếu có dịp trở lại vườn tượng Thiên An, có lẽ nghệ sĩ Sin Shijie (Đài Loan) không còn nhận ra tác phẩm điêu khắc “Hair Cutting” (Hớt tóc) là “con đẻ” của mình.
Mới đây, tại buổi làm việc với Sở Văn hóa & Thể thao (VHTT), ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế đã giao sở này xác lập sở hữu và giao quyền quản lý phù hợp cho các địa phương, đơn vị đối với các tác phẩm điêu khắc quốc tế.