Huawei kiện chính phủ Mỹ

Ông Quách Bình phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở Huawei (Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc). Ảnh: CNN
Ông Quách Bình phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở Huawei (Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc). Ảnh: CNN
TP - Công ty công nghệ Huawei khổng lồ của Trung Quốc hôm qua tuyên bố họ đã nộp đơn kiện chính phủ Mỹ vì đã ban hành lệnh cấm sử dụng sản phẩm của họ. Trong đơn kiện, họ cũng cáo buộc phía Mỹ “tin tặc” máy chủ của họ, đánh cắp thư điện tử.

Đây là động thái mới nhất và mạnh mẽ nhất từ công ty chuyên sản xuất thiết bị viễn thông chống lại các cáo buộc từ giới chức Mỹ rằng công nghệ của Huawei tạo ra mối nguy toàn cầu. 

Theo một tuyên cáo từ chủ tịch luân phiên Huawei  Quách Bình hôm qua, Huawei đã nộp đơn kiện thách thức tính hợp hiến của điều luật 889 trong bộ luật Quyền Quốc phòng quốc gia (NDAA) 2019 của Mỹ.

NDAA không những hạn chế Huawei phục vụ khách hàng Mỹ, mà còn tước bỏ cơ hội phục vụ khách hàng bên ngoài nước Mỹ bởi luật này ngăn cản các cơ quan chính phủ Mỹ ký hợp đồng hoặc cấp vốn, cho vay bên thứ ba mua thiết bị và dịch vụ của Huawei.

Ông Quách nói Huawei không còn lựa chọn nào ngoài việc kiện chính phủ Mỹ, cho rằng hành động của họ vi phạm hiến pháp nước Mỹ.

Ông Thẩm Ý, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý không gian mạng (đại học Phục  Đán, Thượng Hải) nói với Hoàn cầu Thời báo rằng động thái của Huawei cho thấy trong tiến trình toàn cầu hóa, những   công ty như Huawei cũng phải tìm đến biện pháp pháp lý để bảo vệ mình, thay vì các biện pháp chính trị. Trong đơn kiện, công ty Trung Quốc cáo buộc chính phủ Mỹ “tin tặc” các máy chủ của họ và “đánh cắp thư điện tử, mã nguồn” trong khi đưa ra các cáo buộc vô căn cứ về cái gọi là nguy cơ an ninh mạng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói ông không có thông tin về vấn đề liệu chính phủ Trung Quốc có tìm kiếm các bước đi pháp lý chống lại bộ luật NDAA của Mỹ hay không, nhưng nói thêm rằng động thái của Huawei “hoàn toàn hợp lý và hoàn toàn có thể hiểu được”.

Vụ kiện sẽ bị bác?

Một số chuyên gia pháp lý nói vụ kiện của Huawei rất có thể sẽ bị bác bởi các tòa án Mỹ đều không muốn phải dự đoán, thăm dò các quyết định liên quan đến an ninh quốc gia của các cơ quan chính phủ, điều có thể khiến họ rơi vào thế “việt vị”.

“Vụ kiện sẽ rất khó khăn bởi vì quốc hội có thẩm quyền rất rộng trong việc bảo vệ chúng tôi khỏi các mối đe dọa về an ninh có thể nhận thức được”, Franklin Turner,  một luật gia làm việc cho chính phủ Mỹ theo hợp đồng với hãng luật McCarter & English, nói với Reuters.

Hồi tháng 11/2018, một tòa phúc thẩm liên bang bác đơn một vụ kiện tương tự mà bên đứng đơn kiện là công ty an ninh mạng Kaspersky Lab của Nga. Công ty này kiện một lệnh cấm sử dụng phần mềm của họ trong mạng lưới chính phủ Mỹ.

Tòa án ở Texas thụ lý đơn kiện của Huawei không có nghĩa vụ và không có ràng buộc gì với phán quyết của tòa thụ lý vụ Kaspersky Lab, nhưng có thể cũng sẽ bác đơn bởi tính tương đồng của hai vụ kiện, theo nhận định của Steven Schwinn, giáo sư trường luật  John Marshall ở Chicago, nói. “Tôi không thấy có khả năng nào Huawei thoát khỏi kết quả đó”, ông Schwinn nói.

Quan chức pháp lý hàng đầu của Huawei là Tống Lưu Bình nói hai vụ việc là khác nhau xét về mặt bằng chứng và quy mô, và rằng công ty Trung Quốc “hoàn toàn có căn cứ”.

Nếu tòa phán quyết rằng đơn kiện của Huawei có lý, vụ kiện sẽ tiếp tục chuyển qua phần sau, khi các tài liệu nội bộ được trưng ra và các quan chức chính phủ Mỹ có thể buộc phải cung cấp các căn cứ (để đưa ra lệnh cấm) và trình bày các mối quan ngại về an ninh.

Mọi việc giữa Huawei trở nên căng thẳng sau khi Canada bắt giữ phó chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu của Mỹ. Sau đó,  nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, bố đẻ bà Mạnh, nói vụ việc có động cơ chính trị.

Bà Mạnh, người có nhiều tài sản ở Canada, cũng đã kiện chính phủ Canada về các thủ tục bắt giữ bà.

MỚI - NÓNG