Bài học đau xót từ những người bị bãi nhiệm
Ông thấy sao về một số điểm mới đáng chú ý trong quy định, như nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách và mở rộng hơn đối với thành phần đại biểu ngoài Đảng tự ứng cử?
Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương đưa tỷ lệ 5 - 10% người ngoài Đảng tự ứng cử, tương đương với 25 - 50 đại biểu trong khoá tới. Bởi đây chính là chế định thể hiện quyền dân chủ trong bầu cử. Đồng thời, tôi cũng ủng hộ chủ trương tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên 40%. Mục đích nhằm để những người đại biểu chuyên trách ấy làm việc liên tục, thường xuyên, gần như chuyên nghiệp đối với hoạt động của Quốc hội.
“Tôi cũng kiến nghị, đề xuất phải công khai tài sản, công khai bằng cấp và công khai các yếu tố về nhân thân của họ để cử tri giám sát, lựa chọn bầu ra những người xứng đáng nhất” - ông Lê Như Tiến
Nhiều năm theo dõi và gắn bó với cơ quan dân cử, theo ông, nếu bầu cử một cách hình thức, bầu theo cảm tính thì hệ quả sẽ ra sao?
Trước tiên, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp vào ngày 23/5 tới đây là một ngày hội của toàn dân. Bên cạnh đó, bầu cử vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, nhưng đồng thời cũng là quyền lợi của cử tri trong việc lựa chọn người đại diện, tham gia vào xây dựng chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Vì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, còn HĐND các cấp là cơ quan quyền lực Nhà nước tại địa phương.
Người được lựa chọn bầu vào Quốc hội và HĐND chính là những người thay mặt mình để xây dựng chính quyền nhân dân. Nếu bầu hình thức, cảm tính, những người không đủ đức, đủ tài, đủ tâm và đủ tầm sẽ lọt vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Nếu lựa chọn người không đúng, Nhà nước, chính quyền và bản thân chúng ta cũng lãnh đủ hậu quả.
Chính vì vậy, cử tri không nên coi đây là chuyện hình thức, mà phải tự mình nghiên cứu kỹ hồ sơ và nhân thân của mỗi ứng viên. Không nên gửi gắm phiếu bầu hình thức, chẳng hạn cả nhà có 10 người, nhưng chỉ 1 người đại diện đi bỏ phiếu thay. Nên nhớ, người mình bầu ra chính là người thay mặt mình, đại diện cho mình gánh vác trọng trách, công việc của Nhà nước. Vì thế, chúng ta mới có khẩu hiệu sáng suốt lựa chọn những người đủ đức, đủ tài vào Quốc hội và HĐND.
Sự sáng suốt của mỗi lá phiếu bầu càng trở nên cần thiết khi liên tiếp trong các nhiệm kỳ qua, đã có những người bị bãi nhiệm khỏi cơ quan dân cử, thưa ông?
Đại biểu dân cử là người phải thực sự xứng đáng. Về tiêu chuẩn cụ thể đã được quy định từ Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, rồi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia. Trước tiên, ứng cử viên phải trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp và phải là người gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu trách nhiệm trước cử tri, nói lên tiếng nói của cử tri với Quốc hội và HĐND.
Trong đó, yêu cầu gắn bó mật thiết với nhân dân là điều quan trọng nhất. Bởi lâu nay có những đại biểu không làm được điều này. Họ chỉ vì quyền lợi của cá nhân họ, muốn đánh bóng tên tuổi, tranh thủ cơ hội để “giao tiếp” được với lãnh đạo các cấp. Vì quyền lợi cá nhân và lợi ích nhóm, liên tiếp trong 3 nhiệm kỳ qua, chúng ta rất đau xót khi có những người vừa trúng cử đã bị bãi nhiệm.
Tại khóa XII, một doanh nhân phía nam, bà Đặng Thị Hoàng Yến đã bị bãi nhiệm. Sang khóa XIII lại tiếp tục bãi nhiệm bà Châu Thị Thu Nga, sau đó bà Nga đã bị xét xử trước pháp luật. Rồi sang khóa XIV, ngay đầu nhiệm kỳ, một doanh nhân khác, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị bác tư cách đại biểu, vì có hai quốc tịch. Vì sao vậy? Vì họ không đại diện cho quyền lợi của nhân dân. Họ chỉ muốn đại diện cho quyền lợi của chính mình. Như vậy thì không thể ở trong Quốc hội - cơ quan dân cử được.
Để cử tri có thông tin đầy đủ, lựa chọn được người xứng đáng nhất, và không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn, theo ông, hồ sơ của mỗi ứng viên phải được cung cấp cho cử tri như thế nào?
Điều này rất quan trọng. Hồ sơ của ứng cử viên phải được thông báo cho cử tri từ rất sớm. Không chỉ niêm yết ở những trụ sở phường, quận, mà còn phải gửi hồ sơ, tiểu sử của từng người đến từng gia đình. Qua đó, cử tri mới có điều kiện xem xét, nghiên cứu nhân thân từng người để lựa chọn bầu được người xứng đáng nhất.
Mặt khác, sau hiệp thương vòng 3, phải kiên quyết loại bỏ những người không đủ phẩm chất, năng lực ra khỏi danh sách ứng viên. Việc này thuộc về Hội đồng bầu cử quốc gia, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Điểm đáng lưu ý khác, Quốc hội bao giờ cũng có cơ cấu, nhưng đừng coi cơ cấu là quan trọng nhất, mà phải coi tiêu chuẩn là quan trọng nhất. Nếu như cơ cấu thì những người đó cũng phải là những đại biểu ưu tú nhất, tiêu biểu nhất đại diện cho các thành phần cơ cấu.
Ðề xuất công khai tài sản, bằng cấp
Có ý kiến cho rằng, hồ sơ về ứng cử viên cần đưa thông tin về tài sản, bằng cấp để cử tri theo dõi, giám sát, qua đó cũng giúp loại bỏ những người không xứng đáng?
Đúng vậy. Việc công khai bằng cấp để tránh chạy bằng, chạy điểm, dễ phát hiện gian lận. Còn tài sản của ứng cử viên cũng phải công khai, minh bạch cho cử tri nắm được và giám sát. Bản thân cử tri, đặc biệt tại nơi cư trú sẽ kiểm soát được hết. Tài sản không phải cái kim sợi chỉ mà không ai biết. Nay biệt thự này, mai ngôi nhà kia, nay ô tô này, mai đổi xe sang kia, tậu nhà, thay xe như thay áo, dân người ta biết cả.
Cho nên, tôi cũng kiến nghị, đề xuất phải công khai tài sản, công khai bằng cấp và công khai các yếu tố về nhân thân của họ để cử tri giám sát, lựa chọn bầu ra những người xứng đáng nhất.
Thưa ông, cũng có ý kiến lo ngại, làm vậy sẽ vi phạm quyền bí mật cá nhân?
Bí mật thông tin hay quyền riêng tư là quyền nhân thân của mỗi cá nhân. Nhưng khi anh đã vào một tổ chức nào đó, chịu quy định của một tổ chức nào đó thì phải chấp hành. Ví dụ khi anh tham gia cấp uỷ, tham gia vào HĐND, đại biểu Quốc hội, anh phải chịu quy định của những chế định đó.
Như vậy, không thể nói bằng cấp, tài sản là quyền riêng tư cá nhân được. Còn nếu không chấp nhận, anh hoàn toàn có quyền rút khỏi danh sách ứng cử. Tất nhiên, nếu áp dụng, việc này cần phải được quy định và có sự thống nhất trong triển khai thực hiện.
Trong quá trình vận động bầu cử, không ít ý kiến còn lo ngại tình trạng tranh thủ phiếu bầu không trong sáng. Ông suy nghĩ sao về vấn đề này?
Rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội khoá XII và XIII, tôi thấy rõ ràng có tình trạng lợi dụng để rồi sau đó bị bãi nhiệm. Khi vận động bầu cử, có hiện tượng vận động bầu cử “không trong sáng”. Họ phát tiền cho mỗi cử tri 500 nghìn đồng để ủng hộ mình, hoặc có những người hứa theo kiểu “tôi sẽ xây nhà, xây trường, xây trạm y tế”. Cũng có một số lãnh đạo quản lý hứa làm cầu, làm đường…
Những việc làm đó là tốt nếu như họ giữ lời và thực hiện vào dịp khác, chứ không phải vào dịp ứng cử. Bởi như thế coi như anh đã đưa quyền lợi vật chất ra để mua phiếu cử tri. Như thế, những ứng viên là cán bộ, công chức đơn thuần sẽ chịu thiệt thòi. Một ứng cử viên là giáo viên, làm gì có tiền để xây nhà, xây cầu, làm đường, phát tiền cho cử tri đi dự? Số tiền đó, cách làm đó chính là hình thức mua phiếu. Đây là cách ứng xử không trong sáng, không công bằng giữa các ứng cử viên.
Vận động “không trong sáng”, như thế là không nên. Thậm chí còn có tình trạng hứa hão, hứa suông. Sau khi trúng cử rồi, đường chẳng thấy đâu, trường cũng chẳng có. Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các tỉnh phải ngăn chặn ngay tình trạng này, không để tái diễn, ảnh hưởng đến kết quả bầu cử chung.
Cảm ơn ông.
Xem xét phạm vi công khai tài sản
Trao đổi với Tiền Phong, TS Bùi Đức Thụ, nguyên Phó Trưởng Ban công tác đại biểu cho biết: Có ý kiến, nếu thông tin công khai về tài sản như vậy sẽ ảnh hưởng đến bí mật, quyền riêng tư của công dân. Vậy bây giờ phải giải quyết vấn đề này như thế nào? Cơ sở của chúng ta vẫn phải bám vào pháp luật. Nếu quy định mâu thuẫn thì kiến nghị sửa đổi để tránh sự cong vênh. Nhưng trên thực tiễn vừa qua cũng không xảy ra mâu thuẫn, cong vênh gì cả.
“Có những cái phải công khai, dân chủ, chỉ có điều phạm vi công khai, dân chủ ở mức độ khác nhau. Như thế cũng không ảnh hưởng tới bí mật, quyền công dân. Vấn đề này, Hội đồng bầu cử phải lắng nghe, tổng hợp để có hướng dẫn, chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời, đảm bảo đúng theo nguyên tắc công khai, minh bạch và dân chủ”, ông Thụ nói.