Hũ gạo cứu người nghèo

Hũ gạo cứu người nghèo
TP - Bà con trong thôn, bất kể giàu hay nghèo mỗi gia đình đều có hũ gạo tiết kiệm riêng, mỗi bữa nấu cơm họ lại dành một nắm gạo bỏ vào hũ để chia sẻ với những người nghèo khổ, bất hạnh.

Việc làm đầy ân nghĩa này đã được thực hiện từ hơn 3 tháng nay tại thôn nghèo Câu Nhi  (xã Hải Tân, Hải Lăng, Quảng Trị).

Hũ gạo cứu người nghèo ảnh 1
Mệ Trần Thị Mẫn (85 tuổi) nhận gạo từ hũ gạo người nghèo của bà con trong thôn  Ảnh: Đ.V

Những nắm gạo nghĩa tình

Hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, từ đầu tháng 8/2008 đến nay, Chi hội Phụ nữ thôn Câu Nhi đã phát động chị em trong thôn làm hũ gạo tiết kiệm nhằm góp phần giúp đỡ những gia đình nghèo khó, bất hạnh.

Hũ gạo tiết kiệm là những chiếc hộp nhựa, bình hoa, hũ sành... được đặt trong gian bếp của mỗi gia đình, các điểm xay xát mà người dân nơi đây quen gọi là “hũ gạo người nghèo”.

Cả thôn được chia thành 10 tổ, mỗi tổ khoảng 40 hộ, mỗi hộ có một hũ gạo tiết kiệm. Cứ mỗi bữa vo gạo nấu cơm, không ai bảo ai chị em lại tự nguyện bớt lại một nắm gạo bỏ vào hũ.

“Mỗi nắm gạo tuy không nhiều nhặn gì nhưng tui cảm thấy rất vui vì đó là nắm gạo có ý nghĩa giúp đỡ những người khốn khó. Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau mà!”- Chị Đỗ Thị Vân vừa bỏ nắm gạo vào hũ tiết kiệm của gia đình mình để chuẩn bị bữa cơm trưa, vui vẻ nói.

Chị Đỗ Thị Quy, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Câu Nhi hồ hởi cho biết: “Hầu hết người dân trong thôn đều làm nông, tuy tiền bạc không sẵn nhưng gạo thì luôn có.

Bởi vậy khi biết làm hũ gạo tiết kiệm là chị em vui vẻ hưởng ứng liền”. Tháng đầu tiên, gom số gạo trong toàn thôn lại được gần 1.000 lon gạo (khoảng hơn 2 tạ), vượt xa dự kiến.

Số gạo ngay sau đó được chia làm 10 phần, mỗi phần khoảng 30 kg để trao cho mười hộ khó khăn nhất trong thôn. “Thấy những người nghèo nhận được gạo vui mừng, nhiều người đã bật khóc, chúng tôi rất xúc động tự nhủ sẽ cố gắng nhiều hơn nữa”- Chị Quy bộc bạch.

Rồi cứ thế, tháng thứ hai, tháng thứ ba..., những nắm gạo tiết kiệm đầy ý nghĩa lại được trao đến những người khốn khó.

Giúp người khốn khó

Đưa bàn tay run run nhận bao gạo được trao, mệ Trần Thị Mẫn, 85 tuổi, xúc động nói: “Cảm ơn các o, các chú nhiều lắm! Tui già rồi, lại có một thân một mình nên được các o giúp đỡ như ri là tui mừng và cảm ơn lắm. Số gạo này tui để dành ăn đến cuối tháng”.

Bà Mẫn sống đơn độc trong căn nhà lá lụp xụp nằm cuối thôn, không con cái, cuộc sống rất khốn khó nên từ khi phát động hũ gạo tiết kiệm, mỗi tháng Chi hội Phụ nữ thôn đều cố gắng ưu tiên giúp đỡ bà đầu tiên.

Không riêng bà Mẫn, bà Bùi Thị Thỉu, 70 tuổi, đau yếu liên miên lại sống lủi thủi một mình không ai chăm sóc cũng đã được ưu tiên giúp đỡ hàng tháng.

Chị Nguyễn Thị Thủy, 35 tuổi có hoàn cảnh rất khó khăn. Cách đây 4 năm, chồng chị Thủy đã đột ngột qua đời vì căn bệnh ung thư để lại 3 con nhỏ, đứa nhỏ nhất chưa đầy 8 tháng tuổi. Một nách chị nuôi ba con đang tuổi ăn tuổi học, lại thường xuyên bị bệnh tật hành hạ nên gia đình chị thật sự rơi vào khó khăn cùng cực.

Trong đợt này, chị Thủy là một trong những gia đình đầu tiên được bình xét để nhận gạo giúp đỡ. “Tui không biết lấy gì để cảm ơn tấm lòng của mọi người. Tui cũng sẽ cố gắng dành dụm để lần sau có thể giúp đỡ lại những người khó khăn hơn mình”- Chị Thủy xúc động.

Số gạo gom được trong tháng sau khi trao nếu còn thừa sẽ được dành lại hoặc bán đi để mua các nhu yếu phẩm, thuốc men để giúp đỡ những người đau ốm đột xuất, gặp hoạn nạn... ở thôn.

Sau hơn 3 tháng phát động, số gạo tiết kiệm của thôn Câu Nhi thu được là 2.350 lon và đã được trao đến hàng chục gia đình nghèo khổ, bất hạnh. Đến nay, “Hũ gạo tiết kiệm” ý nghĩa này đã lan tỏa và được nhiều thôn, xã khác không chỉ của huyện Hải Lăng, mà các huyện khác như Triệu Phong, Gio Linh ... làm theo.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.