HS thành thị chỉ tiến bộ bằng một nửa HS nông thôn

HS thành thị chỉ tiến bộ bằng một nửa HS nông thôn
TP - Đó là một ý trong những kết quả khảo sát kết quả học tập môn Toán và Tiếng Việt của học sinh lớp 5 năm học 2006 – 2007do Bộ GD&ĐT công bố trong Hội nghị ngày 31/10.
HS thành thị chỉ tiến bộ bằng một nửa HS nông thôn ảnh 1
Kết quả học tập của học sinh giữa các khu vực có sự phân hóa rõ rệt  Ảnh minh họa: Phạm Yên

Đây là cuộc khảo sát thứ hai trong chương trình nghiên cứu khảo sát có quy mô quốc gia và kéo dài theo chu trình 10 năm. Tuy  nhiên, đây là lần đầu tiên báo cáo kết quả khảo sát được Bộ GD&ĐT công bố công khai.

Lần đầu tiên, dư luận xã hội được chính thức tiếp cận với những con số được xem là có tính xác thực cao về kết quả học tập hai môn Toán, Tiếng Việt của học sinh lớp 5 trên toàn quốc.

Theo đó, môn Tiếng Việt có 81,82% HS đạt chuẩn và cận chuẩn (chuẩn – 70,8%; cận chuẩn - 11%); môn Toán có 87,2% HS đạt chuẩn và cận chuẩn (chuẩn - 74,1%; cận chuẩn – 13,1%).

Theo ông Nguyễn Lộc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (một trong hai đơn vị thực hiện cuộc khảo sát), chuẩn nghĩa là HS đạt hoặc vượt mốc điểm được cho là có kiến thức, kỹ năng cần thiết để tiếp tục theo học lớp 6; cận chuẩn nghĩa là nếu HS được bổ sung kiến thức và kỹ năng thì có thể đạt được mức chuẩn.

Ở môn Tiếng Việt, có 18,2% HS dưới chuẩn, môn Toán là 12,8%. Nếu đạt mức dưới chuẩn, HS không đủ kiến thức, kỹ năng để học tiếp lên lớp 6, phải học lại chương trình lớp 5. 

Về giới tính, nhìn chung HS nữ học tốt hơn HS nam. Với môn Toán, sự khác biệt không đáng kể nhưng ở môn Tiếng Việt, HS nữ học tốt hơn đáng kể (trung bình HS nữ đạt 510 điểm trong khi HS nam đạt 490,59 điểm).

Tuy nhiên, có sự phân hóa rõ rệt trong kết quả học tập của HS giữa các khu vực thành thị, nông thôn, vùng sâu; giữa các vùng miền (8 vùng miền: Đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long).

Nếu như tỉnh/thành phố có tỉ lệ HS dưới chuẩn môn Toán thấp nhất là 1,8% thì tỉnh/thành phố có tỉ lệ này cao nhất là 40,9% (môn Tiếng Việt, độ chênh cũng tương tự: 4,2% và 46,6%).

Trong bức tranh toàn cảnh kết quả học tập của HS lớp 5 trên toàn quốc, mảng sáng nhất thuộc về Đồng bằng sông Hồng (95,3% HS đạt chuẩn và cận chuẩn môn Toán; 91,4% HS đạt chuẩn và cận chuẩn môn Tiếng Việt), mảng kém sáng nhất thuộc về Tây Bắc (68,4% HS đạt chuẩn và cận chuẩn môn Toán; 62,9 % HS đạt chuẩn và cận chuẩn môn Tiếng Việt).

Thứ hạng sau Đồng bằng sông Hồng của cả hai môn Toán và Tiếng Việt lần lượt là: Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Bắc, Đồng bằng sông Cửu long (và cuối cùng là Tây Bắc).

Yếu tố tác động mạnh mẽ nhất tới kết quả học tập: nền tảng gia đình

Một kết luận của báo cáo khảo sát 2007 khiến ngay cả giới quản lý trong ngành GD&ĐT các địa phương xôn xao, đó là thông số nền tảng gia đình có mức ảnh hưởng cao nhất tới kết quả học tập của HS.

Nền tảng gia đình là tổng hợp các thông tin về đặc điểm HS như: điều kiện, hoàn cảnh gia đình, trình độ học vấn của cha mẹ, số bữa ăn hàng ngày, khoảng cách từ nhà đến trường...

Với môn Toán, trong khi nền tảng gia đình có thể giải thích 8,2% độ dao động kết quả học tập của HS thì các yếu tố tiếp theo đạt tỉ lệ thấp hơn nhiều: Cơ sở vật chất nhà trường – 4,44%; Đội ngũ giáo viên – 3,4%; HS “chậm tiến” (là tổng hợp các yếu tố: tháng tuổi, số năm lưu ban, số buổi nghỉ học...) – 2,24%; Sự chăm sóc của cha mẹ - 2,24%.... (theo xếp loại của các chuyên gia, sự chăm sóc của cha mẹ là một yếu tố độc lập, không nằm trong nền tảng gia đình).

Môn Tiếng Việt cũng có thứ tự các yếu tố ảnh hưởng gần giống như vậy: Nền tảng gia đình – 7,41%; Cơ sở vật chất nhà trường – 3,4 %...

Trao đổi với các phóng viên tại hành lang hội nghị, ông Nguyễn Lộc cho rằng, bản thân ông không ngạc nhiên trước kết luận này của khảo sát 2007 bởi nó cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của giới khoa học giáo dục nhiều nước trên thế giới.

Kết quả dạy học môn Toán nhìn chung dù tăng, nhưng vẫn lo

Như trên đã nêu, kết quả học tập của HS môn Tiếng Việt nhìn chung là thấp hơn  môn Toán. Nhưng so với kết quả khảo sát 2001, giữa môn tiếng Việt và môn Toán có sự khác biệt.

Nếu lấy kết quả năm 2001 làm mốc với chỉ số là 500 điểm thì năm 2007 kết quả học tập của HS môn Tiếng Việt là 533,77 điểm; còn môn Toán chỉ là 505,86 điểm. Phân tích theo từng khu vực, vùng miền, kết quả học tập môn Tiếng Việt của HS năm 2007 đều được cải thiện so với năm 2001.

Nhưng với môn Toán thì có sự khác biệt. HS nông thôn tiến bộ nhất (dù không nhiều). HS thành thị chỉ tiến bộ bằng một nửa HS nông thôn. HS vùng sâu, vùng xa thì “tụt lùi”.

Trên biểu đồ trong báo cáo tóm tắt trình bày tại hội nghị của đại diện các đơn vị thực hiện khảo sát, mũi tên biểu hiện kết quả học tập môn Toán HS vùng Tây Bắc có hướng chúc xuống!

Trong hội nghị, dù lãnh đạo Bộ GD&ĐT không cho rằng có sự “thụt lùi” kết quả học tập môn Toán năm 2007 với năm 2001 nhưng trong báo cáo tóm tắt của Bộ cũng thừa nhận có sự không phù  hợp giữa chương trình sách giáo khoa với trình độ của HS.

Nếu tính trên toàn quốc, 69,9% giáo viên cho rằng chương trình SGK phù hợp với trình độ HS.

Riêng vùng Tây Bắc, chỉ có 36,53% GV có ý kiến này; hơn 60% còn lại cho rằng quá sức HS. Tại hội nghị, một đại diện chuyên gia nước ngoài cũng nhận định, kết quả môn Toán không như mong muốn có thể do từ năm 2002 có sự thay đổi nội dung chương trình, SGK.

Vì thế, nên suy nghĩ tới giải pháp cải tiến cách viết SGK để làm sao SGK dễ hiểu hơn. 

Đánh giá kết quả học tập của HS lớp 5 đối với 2 môn Toán, Tiếng Việt lớp 5 là nghiên cứu khảo sát có quy mô quốc gia và kéo dài theo chu trình thời gian trong 10 năm (2001 – 2011).

Chu trình thời gian của nghiên cứu này được chia thành 3 đợt, theo các mốc thời gian: 2001, 2007, 2011. Nếu như cuộc khảo sát 2001 do Ngân hàng thế giới chủ động tiến hành với sự tham gia của hầu hết chuyên gia quốc tế thì cuộc khảo sát 2007 Bộ GD&ĐT tham gia tích cực với vai trò chỉ đạo, lực lượng chuyên gia trong nước nhiều gần gấp 3 lần chuyên gia quốc tế.

Với bộ công cụ khoa học, khách quan, chính xác và quy trình đảm bảo chuẩn quốc tế, cuộc khảo sát đã lượng hóa được kết quả học tập của học sinh lớp 5 hai môn học chính trong chương trình Tiểu học tất cả các địa phương trên toàn quốc. 

Cuộc khảo sát 2007 đã được tiến hành ở 60.000 HS (chiếm khoảng 4% tổng số HS lớp 5 của cả nước) của 4.000 trường tiểu học trên địa bàn 64 tỉnh/thành (theo đơn vị hành chính cũ). Ngoài ra, khảo sát 2007 còn thu hút 8.000 giáo viên môn Toán và Tiếng Việt lớp 5 cùng 4.000 hiệu trưởng trường tiểu học tham gia trả lời phiếu hỏi.

Bộ công cụ được sử dụng trong khảo sát gồm: hai bộ đề kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh (một cho môn Toán, một cho môn Tiếng Việt), ba phiếu hỏi thu thập thông tin cơ bản của HS, giáo viên và hiệu trưởng.

Các đề kiểm tra do các nhóm chuyên gia của Bộ GD&ĐT xây dựng, mỗi đề gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm khách quan với thời gian làm bài là 60 phút (riêng môn Tiếng Việt có thêm một bài kiểm tra tự luận với thời lượng 15 phút).

Báo cáo khảo sát 2007 dày 516 trang, nguyên bản tiếng Việt và có bản dịch tiếng Anh.

MỚI - NÓNG