Tổng Cục trưởng Giáo dục Nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh cho biết, từ thực tế triển khai hoạt động gắn kết đào tạo giữa trường đào tạo nghề và doanh nghiệp cho thấy: Doanh nghiệp chưa rõ quyền và trách nhiệm của mình. Trong khi các trường nghề chưa chủ động mời doanh nghiệp tham gia vào hoạt động của nhà trường.
Vì vậy, theo ông Minh, việc gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo còn hạn chế, người học sau tốt nghiệp nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
“Bộ LĐ-TB&XH đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong giáo dục nghề nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục hạn chế trên”, ông Minh nói.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho ràng, nguồn lao động chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo gắn liền với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp là yếu tố sống còn đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đây cũng chính là xu hướng đào tạo mà các nước tiên tiến trên thế giới đều thực hiện rộng rãi”, ông Lộc nói.
Tại hội thảo, các chuyên gia đều đồng tình cho rằng, cần xây dựng một cơ chế chặt chẽ cho sự hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Mối quan hệ này cần phải được xây dựng dựa trên lợi ích thiết thực từ các bên. Trên cơ sở đó mới nâng cao được chất lượng giáo dục nghề nghiệp, và tay nghề người lao động và đáp ứng đúng nhu cầu doanh nghiệp.
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Đào tạo Chính quy (Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp) cho rằng: “Bài toán về chất lượng nguồn lao động sẽ không giải quyết được nếu không gắn với doanh nghiệp. Bởi hơn ai hết, chính doanh nghiệp là người sử dụng lao động”.
Các đại biểu thảo tham gia diễn đàn thảo luận tại Hội nghị.
Theo ông Hùng, những nỗ lực của Nhà nước trong việc đảm bảo chương trình, giáo viên, cơ sở vật chất chỉ trong một chừng mực nhất định. Vì vậy, khi có sự tham gia của doanh nghiệp, nhà trường sẽ có điều kiện tiếp cận các trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại, từ đó chất lượng nguồn lao động cũng sẽ thay đổi.
Để liên kết trường nghề và doanh nghiệp trong đào tạo hiệu quả hơn, các đại biểu cũng đề xuất cần chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia đào toạ; xây dựng các danh mục ngành nghề doanh nghiệp phải sử dụng lao động qua đào tạo…
Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, những năm gần đây, giáo dục nghề nghiệp đang có nhiều khởi sắc. Tuy vậy, tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 8-10% tổng số học sinh tốt nghiệp.