Thông tin trên được TS.BS Trần Thị Minh Hạnh (Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM) báo cáo tại Hội nghị khoa học Bệnh viện Hoàn Mỹ TPHCM.
Theo BS Hạnh, theo nghiên cứu mới đây của các BS, tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh TPHCM là 41.4%. Tỷ lệ thừa cân béo phì cao nhất ở học sinh tiểu học (51.8%), nam cao hơn nữ và ở nội thành, vùng ven cao hơn ngoại thành. “Tình trạng này đang gia tăng một cách đáng báo động. Vì béo phì là yếu tố nguy cơ đối với tình trạng tăng huyết áp ở học sinh”, BS Hạnh nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, tỷ lệ thừa cân béo phì ở TPHCM gia tăng với tốc độ quá nhanh, gần 5 lần sau 10 năm, từ 4.0% (năm 2002-2004) lên đến 19% (năm 2014). Theo các chuyên gia, sự gia tăng nhanh này có thể do sự tiêu thụ năng lượng quá mức so với nhu cầu, kết hợp với việc ít hoạt động ở trẻ.
“Các yếu tố môi trường cũng có ảnh hưởng đến tình trạng thừa cân béo phì ở học sinh TPHCM. Nguy cơ này sẽ càng tăng trước thực trạng học sinh khó tiếp cận các địa điểm thuận lợi cho vận động như sân thể thao, phòng tập, công viên..nhưng lại dễ tiếp cận với các địa điểm bán thức ăn nhanh. Chúng tôi khảo sát tại một số trường tiểu học trên địa bàn và nhận thấy thực phẩm được bán tại căn tin nhà trường nhiều bánh kẹo và nước ngọt hơn là thực phẩm tốt cho sức khỏe như sữa, trái cây…”, BS Hạnh thông tin.
Các chuyên gia cho rằng, thực trạng béo phì, đặc biệt là béo phì trung tâm thể hiện sự tích lũy mỡ nội tạng là yếu tố nguy cơ đối với các bệnh tim mạch và chuyển hóa. Sự gia tăng béo phì ở tuổi học đường là một trong các yếu tố dẫn đến tình trạng bệnh mạn tính không lây liên quan dinh dưỡng hiện nay như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa…