Hơn cả lãng phí

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, GS Ngô Đức Thịnh, tục lệ mang tiền lẻ đi lễ chùa có từ xa xưa vốn được các cụ gọi giản dị là tiền “giọt dầu”, với ý nghĩa góp chút lòng thành nhỏ bé vào hoạt động của đền, chùa.

Ngày nay, không ít chốn đền chùa chay tịnh đó bỗng trở nên xô bồ, nhốn nháo mỗi dịp lễ hội. Tiền lẻ tràn ngập khắp nơi, tiền vứt trắng suối Giải Oan nơi Chùa Hương, phủ kín Giếng Ngọc ở Đền Hùng, rải khắp mình tượng, thậm chí nhét tận tay, tận miệng tượng Phật. 

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phải thốt lên “đó là những hình ảnh rất phản cảm, chưa kể làm như vậy là hủy hoại đồng tiền, trái pháp luật!”. 

Chỉ tính riêng số tiền lẻ mùa Lễ hội Chùa Hương năm ngoái mà Ngân hàng Nông nghiệp huyện Mỹ Đức (Hà Nội) gom về đã lên tới 1.200 bao, chở tới 15 xe chuyên dùng mới hết. Như vậy đủ biết số tiền lẻ mà các đền chùa thu gom trên cả nước sẽ lớn biết chừng nào! 

Mỗi năm, NHNN phải bỏ ra 300 tỷ đồng phục vụ riêng việc in tiền mệnh giá nhỏ, trong đó chi phí in thường tốn gấp 3-5 lần mệnh giá. Đa số lượng tiền này chỉ phục vụ mỗi việc đi lễ rồi lại quay một vòng về nằm im trong kho ngân hàng. Một sự lãng phí lớn cho một đất nước còn nghèo như Việt Nam!

Nhưng ngẫm ra, 300 tỷ cùng công sức của hàng ngàn người thu gom, kiểm đếm, chuyên chở... chưa đắt bằng cái giá phải trả cho một sự xuống cấp nghiêm trọng về văn hóa tín ngưỡng chốn cửa thiền. Đó mới là điều đáng lo ngại! Mái chùa cổ kính rêu phong nơi làng quê thanh bình đâu phải chỗ cho những bon chen, những khát vọng vật chất hay chức quyền. 

Đâu phải chỗ để phủ kín những đồng tiền đầy toan tính. Thời xưa, dân đi lễ chùa quá lắm cũng chỉ chút hương hoa, vài đồng bạc lẻ với những ước vọng chân thành và nhân ái. Tiền nhiều rải khắp nơi đâu thay được tấm lòng thành. 

“Những việc làm đó xuất phát từ việc chúng ta chưa hiểu về việc phát tâm công đức; vô hình trung làm sai lệch đi hình ảnh của các bậc tôn kính, đấng tối cao khi ta đặt niềm tin vào. Đến chùa lễ phật cần bằng chính tâm của mình”, theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Tổng thư ký Văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Như vậy, chính cái tâm thế của đám đông xô bồ chốn cửa thiền mới đáng lo, hơn cả sự lãng phí và phản cảm.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.