Mới đây, tại Hội nghị khoa học Điều dưỡng nhi toàn quốc lần thứ 14, Bệnh viện Nhi T.Ư công bố “Nghiên cứu thực trạng bạo lực bệnh viện đối với điều dưỡng và một số yếu tố ảnh hưởng tại Bệnh viện Nhi T.Ư năm 2017”. Kết quả cho thấy, 72,7% điều dưỡng bị bạo lực trong 12 tháng qua; 65,3% điều dưỡng bị bạo lực lời nói và 23,7% điều dưỡng bị bạo lực thể chất.
Nghiên cứu trên do nhóm cán bộ y tế của Bệnh viện Nhi T.Ư thực hiện từ tháng 4 đến tháng 7/2017 trên 300 đối tượng là các điều dưỡng làm việc tại các khoa lâm sàng của bệnh viện. Nghiên cứu cũng kết luận, điều dưỡng làm việc tại khu vực cấp cứu, khám bệnh có nguy cơ bị bạo lực cao hơn 2 lần so với điều dưỡng các khu vực khác. Từ đó, nghiên cứu khuyến nghị tăng cường các biện pháp an ninh, an toàn tại các điểm nóng như khu vực hồi sức, cấp cứu, phòng khám...
Một nghiên cứu về mức độ stress ở điều dưỡng viên được tiến hành từ tháng 4 đến tháng 7/2017 trên 287 điều dưỡng viên cho thấy có 42% điều dưỡng viên của bệnh viện bị stress. Tỷ lệ điều dưỡng viên tại Bệnh viện Nhi T.Ư mắc stress cao so với một số bệnh viện tại Hà Nội cũng như trên cả nước. Các điều dưỡng viên làm việc tại các khu vực khám bệnh và chịu đựng độ ồn cao hơn so với các điều dưỡng viên khác.
Theo các chuyên gia, stress có biểu hiện làm suy giảm sức khỏe của điều dưỡng viên về thể chất lẫn tinh thần cũng như gây ra một số hành vi không tốt ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người bệnh.
Ông Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, nói: “Trong hai năm qua, số vụ bạo hành nhân viên y tế tăng nhanh. Tại Việt Nam, Bộ trưởng Y tế từng nói ngành y tế đang gần như đơn độc trong cuộc đấu tranh chống bạo hành bác sĩ. Có bác sĩ gục ngất trên bàn cấp cứu, có bác sĩ bị đa chấn thương, có người chạy không kịp trước nhát dao chí tử cướp đi tính mạng. Cán bộ y tế đang có những nỗi lo lắng bất an mang tên bạo hành bệnh viện”.
Trước băn khoăn của nhiều nhân viên y tế về việc có được trốn chạy khỏi nơi có nguy cơ bị bạo hành, bởi họ đang làm nhiệm vụ khám chữa bệnh cứu người, ông Mục nói: “Nhân viên y tế được quyền tránh khỏi nơi bị đe dọa, tức là có quyền chạy trốn, theo điều 35 Luật Khám chữa bệnh khi thấy có những nguy cơ không an toàn vì bị đe dọa. Nhân viên y tế hoàn toàn được chạy trốn khỏi nơi không an toàn trước khi báo cáo lãnh đạo”.
Theo ông Mục, nạn bạo hành nhân viên y tế đang diễn ra trên toàn cầu. Công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, 8 - 38% nhân viên y tế bị bạo hành ở nơi làm việc. Tại Trung Quốc, theo thống kê của Bộ Y tế nước này, trong năm 2010 có hơn 17.000 vụ bạo hành, trong đó bạo hành thân thể là 11%. Nhân viên y tế trực tiếp cung cấp dịch vụ là một công việc nguy hiểm ở Trung Quốc. Tại Ấn Độ, theo Hội Y học, trên 75% bác sĩ Ấn Độ đương đầu bạo hành nơi làm việc. Tại Mỹ năm 2010 có 11.370 vụ bạo hành cán bộ y tế, tăng 13% so với năm 2009. Tỷ lệ nhân viên y tế bị bạo hành cũng cao hơn 4 lần so với ngành nghề khác. Trong năm 2014, thống kê của Hội Điều dưỡng Mỹ cho thấy, 21% điều dưỡng bị xâm hại thân thể, hơn 50% bị bạo hành bằng lời.