Hơn 7.000 lao động nước ngoài muốn nhập cảnh vào Việt Nam

Hơn 7.000 lao động nước ngoài muốn nhập cảnh vào Việt Nam
TPO - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, có 7.258 lao động, nước ngoài chủ yếu là các chuyên gia, lao động có trình độ chuyên môn, quản lý tại các doanh nghiệp đang đề nghị ưu tiên nhập cảnh vào Việt Nam.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến cuối tháng 6/2020, cả nước có 21.641 lao động nước ngoài (trong tổng số 93.425 lao động nước ngoài đang làm việc) chưa quay trở lại Việt Nam do dịch bệnh COVID-19.

Do vậy, hiện các địa phương và cơ quan đại diện ngoại giao các nước đang đề nghị ưu tiên cho lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, với số lượng trên 7.258 lao động (chủ yếu là lao động Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc); trong đó, tập trung vào các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, dự án áp dụng công nghệ mới của các tập đoàn đa quốc gia. So với cùng kỳ tháng 6 năm 2019, số lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam giảm 23,16%.

Trước tình hình trên, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đã đề xuất một số giải pháp liên quan đến việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài sau khi số lao động này hoàn thành các thủ tục y tế do Bộ Y tế quy định, đồng thời đàm phán với một số nước về quy trình tiếp nhận lao động. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang xây dựng phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm lao động ở Việt Nam để thay thế số lao động nước ngoài chưa thể quay trở lại…

Theo Bộ LĐ-TB&XH, trước tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước đến thời điểm này mới thực sự gặp khó khăn do không có đơn hàng hoặc thiếu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, một số DN đang buộc phải sa thải lao động hoặc tạm ngưng việc.

Theo dự báo số lao động bị thất nghiệp năm nay của Việt Nam cũng sẽ gia tăng. Ước tính hết quý II/2020, số người thất nghiệp tăng lên ở mức khoảng 1,5 triệu người, tăng hơn 200 nghìn người so với quý trước. Trong đó, tập trung ở một số ngành nghề như: May mặc, da giầy, túi xách; ngành thương mại điện tử, ngành du lịch; ngành khách sạn nhà hàng; ngành vận chuyển, giao nhận...

Ngoài ra, mức gia tăng thất nghiệp ở khu vực thành thị cũng sẽ cao hơn khu vực nông thôn, thất nghiệp sẽ tập trung ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp như: công nhân kỹ thuật không có bằng, trình độ sơ cấp…

MỚI - NÓNG