Lừa gạt thông qua mạng xã hội
Ngày 23/8, Ủy ban Tư pháp tổ chức phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012 - 2017. Phiên giải trình được thực hiện trong bối cảnh tình hình mua bán người có chiều hướng phức tạp, trải rộng trên phạm vi cả nước, với nhiều vụ gây bức xúc lớn trong dư luận.
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, tội phạm mua bán người là loại tội phạm ẩn, nên việc xác định nạn nhân rất khó khăn. Ngoài 3 nghìn nạn nhân kể trên, còn có hơn 800 trường hợp phụ nữ vắng mặt lâu ngày ở địa phương và hàng nghìn người đang ở nước ngoài chưa có điều kiện xác minh, xác định họ có phải nạn nhân hay không.
Loại hình mua bán người xảy ra ở hai dạng: Mua bán trong nước (bán vào nhà hàng, quán karaoke, cafe trá hình, massage…), song chủ yếu là buôn bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, Campuchia, Lào. Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bóc lột tình dục (gần 80%), cưỡng bức lao động.
Cùng nhận định tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, báo cáo gửi phiên giải trình, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá, các đối tượng thường hoạt động thành đường dây, có tổ chức, xuyên quốc gia, với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.
Đặc biệt, đối tượng thường triệt để lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để lừa gạt nạn nhân như thông qua các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram, Wechat…), sử dụng tên giả, địa chỉ giả để dụ dỗ, giả vờ yêu đương, rủ đi chơi, mua sắm tại các chợ giáp biên giới để lừa bán ra nước ngoài...
Gần đây còn nổi lên tình trạng tìm người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, rồi hứa giới thiệu việc lương cao, sau đó bán cho các chủ tàu khai thác hải sản trên biển.
Muôn kiểu trá hình
Tại phiên giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu hàng loạt vấn đề cần làm rõ: Những con số Bộ Công an đưa ra có nghiêm trọng hay không? Ngoài đối tượng phụ nữ, trẻ em, thì đàn ông có bị mua bán nhiều không? Tình trạng mua bán nội địa, đặc biệt liên quan đến việc mua bán nội tạng ra sao? Thực tế theo báo cáo của thành phố Cần Thơ, có 8 trường hợp nạn nhân nam giới bị lừa qua Trung Quốc bán thận.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chất vấn về số lượng nạn nhân bị cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục, số người đang bị nghi nạn nhân, thời gian tới có kế hoạch giải cứu thế nào? Có tình trạng mua bán ra nước ngoài dưới hình thức xin con nuôi có tổ chức không? Có tổng rà soát trên địa bàn toàn quốc để đưa ra giải pháp tổng thể?...
Giải trình những vấn đề trên, Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng, do đây là loại tội phạm ẩn, rất khó trong phòng ngừa phát hiện, nên khó đánh giá hết thực trạng. Tuy nhiên, diễn biến tình hình xảy ra trong 5 năm qua cũng được đánh giá khá đầy đủ. Nếu làm tốt khâu tuyên truyền, phòng ngừa phát hiện, quản lý nhà nước sẽ kéo giảm được tình trạng mua bán người.
Theo ông Vương, con số 519 nạn nhân chưa trở về được thống kê qua các nguồn tin tố giác, khai báo. Tuy nhiên số này chủ yếu ở phía Trung Quốc không rõ địa chỉ, sang đó hợp pháp, kết hôn, lao động, sinh sống tạm trú bên đó, không thể đưa lực lượng sang giải cứu đối tượng này được. Về việc này, phía Bộ đội biên phòng còn cho rằng, không phải tất cả số nạn nhân cần giải cứu, bởi có người tự bán mình để kiếm được khoản tiền nào đó.
Ngoài hình thức lao động, theo Bộ Công an, gần đây còn xuất hiện loại hình kiểu thực tập sinh, tu nghiệp sinh, sang đến nơi bỏ ra ngoài làm ăn, thậm chí vượt biên sang nước khác, có trường hợp sang tận Anh. Về tình trạng mua bán người nhằm mục đích mua bán nội tạng, tướng Vương cho biết, đến nay chưa thụ lý vụ án nào, tuy nhiên có tình trạng mua bán nội tạng, nhưng theo hình thức tự nguyện.
Tại phiên giải trình, nhiều ý kiến đề nghị cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc tuyên truyền, vì thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức. Theo quy định, trách nhiệm của địa phương nhiều, nhưng trên thực tế cũng chưa được coi trọng. Cùng với đó, cần tập trung vào việc xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ và triển khai hỗ trợ lao động việc làm, có như vậy mới giải quyết được tận gốc của vấn đề.
Qua thực tế kiểm tra 7 tỉnh, Bộ trưởng Bộ LÐTB&XH Ðào Ngọc Dung nhìn nhận, số nạn nhân chủ yếu thuộc đối tượng đói nghèo, thiếu việc làm, trình độ dân trí thấp, có cuộc sống khó khăn, không ít đối tượng trẻ ham làm giàu, muốn có thu nhập cao hơn. Ông Dung cũng đặc biệt cảnh báo loại hình đi nước ngoài bằng hình thức thực tập sinh, đây chính là mối hiểm họa về mua bán người trong tương lai.