Việc huy động tài chính nói trên được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung công bố tại hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển” vừa qua.
Liên quan tới lộ trình xây mới loạt dự án chung cư cũ nói trên, UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở Xây dựng TP và các đơn vị liên quan lập danh mục chi tiết để kêu gọi nhà đầu tư lập quy hoạch, đầu tư xây dựng, cải tạo đồng bộ 10 dự án chung cư này.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên cơ sở các danh mục đã được công bố, hiện Sở Xây dựng và các sở ngành liên quan đang xây dựng kế hoạch để trình TP phê duyệt.
Tuy nhiên, việc cải tạo sẽ được tiến hành lần lượt và đồng bộ từng khu, không triển khai ồ ạt nhằm đảm bảo tiến độ.
Theo quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội (có hiệu lực từ ngày 14/4/2016) do Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành, các dự án đầu tư xây dựng thuộc 10 dự án nói trên sẽ được xây tối đa 24 tầng.
Cụ thể, quy chế có danh mục chỉ rõ khu tập thể Quỳnh Mai được phép xây tối đa 24 tầng (cao 86m); khu tập thể Giảng Võ được xây tối đa 21 tầng (cao 76m); khu tập thể Ngọc Khánh được xây tối đa 21 tầng (cao 76m); các khu Thành Công, Khương Thượng, Vĩnh Hồ, Kim Liên, Phương Mai, Thanh Nhàn... được phép xây tối đa 24 tầng (cao 86m).
10 khu tập thể cũ dự kiến được xây mới đồng bộ gồm: khu tập thể Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng) có tổng mức đầu tư 29.000 tỷ đồng; khu tập thể Tân Mai (Hoàng Mai) 32.000 tỷ đồng; 3 khu tập thể ở Ba Đình, gồm khu Ngọc Khánh (47.000 tỉ đồng), khu Thành Công (44.000 tỷ đồng) và khu Giảng Võ (30.000 tỷ đồng); 4 khu tập thể ở Đống Đa, gồm khu Khương Thượng (6.000 tỷ đồng), khu Vĩnh Hồ (11.000 tỷ đồng), khu Trung Tự cùng khu vực lân cận (32.400 tỷ đồng) và khu Kim Liên (42.600 tỷ đồng); khu tập thể Nghĩa Tân (Cầu Giấy, 42.800 tỷ đồng).