Anh Chiến (ở thôn Cập Thượng, xã Tiền Tiến) cho biết gia đình có 14 lồng nuôi cá chép thương phẩm 1-3kg/con. Những ngày gần đây ngày nào gia đình cũng phải vớt cá chết nổi trên mặt nước. Ước tính sơ bộ, gia đình anh đã thiệt hại 6-7 tấn cá, trị giá hơn 300 triệu đồng.
Nhiều hộ khác nuôi cá lồng cũng gặp tình trạng cá chết hàng loạt, nổi kín mặt lồng. Nhiều hộ huy động cả gia đình vớt cá nhưng không xuể do cá chết quá nhiều, không kịp vớt, ảnh hưởng tới số cá còn lại.
Người dân xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) vớt cá chết hàng loạt trong các ô lồng nuôi thủy sản |
Sáng 7/4, trên sông Sặt đoạn chảy qua TP Hải Dương cũng xuất hiện xác cá chết trắng mặt sông. Cá chết chủ yếu là cá chép lớn (3-7kg), cá lăng, cá diêu hồng... gây ô nhiễm không khí, nguồn nước. Thành phố đã huy động công nhân môi trường, máy xúc ra sông Sặt vớt cá, đem chôn.
Đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, Sở đã phối hợp Cục Thủy sản và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ NN&PTNT) xuống kiểm tra tình trạng cá chết hàng loạt. Sau khi kiểm tra mẫu nước bước đầu xác định, nồng độ ôxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao dẫn đến thiếu ôxy.
Các chuyên gia nhận định, thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, cá yếu bị chết rải rác ở ô lồng có mật độ cá cao. Đoàn công tác khuyến cáo bà con khi thời tiết thay đổi cần giảm hoặc dừng cho ăn, tăng cường sục ôxy xuống ô lồng nuôi.
Khi có hiện tượng cá chết, cần nhanh chóng vớt lên rồi mang đi chôn lấp tránh ô nhiễm nguồn nước, làm lây lan dịch bệnh. Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở NN&PTNT Hải Dương, toàn tỉnh có hơn 300 tấn cá nuôi lồng bị chết, ước tính thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng.