Hơn 1.500 ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên nghề kêu gọi vốn đầu tư

Sau 5 tháng triển khai, từ hơn 1.500 ý tưởng tham gia, ban tổ chức cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp quốc gia - Startup Kite 2022 đã chọn ra 80 đội thi tham gia vòng Chung kết để chọn ra các ý tưởng xuất s ắc nhất kêu gọi nhà đầu tư để hiện thực hoá.

Ngày 25/11, tại Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (TPHCM), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN, Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức Khai mạc vòng chung kết cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên GDNN năm 2022 - Startup Kite 2022.

Tại vòng chung kết, có 80 đội thi được lựa chọn qua các vòng trước đó từ hơn 1.512 ý tưởng gửi về dự thi, các đội sẽ thuyết trình về ý tưởng khởi nghiệp của mình trước ban giám khảo. Sau đó, sẽ có 6 đội thi xuất sắc nhất tham gia phần gọi vốn, thuyết trình và thương thuyết với các nhà đầu tư để kêu gọi vốn đầu tư cho dự án của mình.

Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, mỗi năm các trường nghề đào tạo khoảng 2,2 triệu học viên ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có khoảng 600.000 học sinh, sinh viên hai hệ cao đẳng, trung cấp. Với quy mô đào tạo lớn, sinh viên trường nghề được đánh giá năng động sẽ là nguồn nhân lực giàu tiềm năng, đặc biệt là trong khởi nghiệp.

Hơn 1.500 ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên nghề kêu gọi vốn đầu tư ảnh 1

Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN phát biểu Khai mạc vòng chung kết cuộc thi Startup Kite 2022.

Với các ý tưởng các em học sinh, sinh viên đem đến mang tới cuộc thi Startup Kite 2022, ông Khánh tin tưởng, những dự án khởi nghiệp trên sẽ được triển khai trong thực tiễn đời sống, mang lại giá trị hữu ích cho bản thân các em, cộng đồng và xã hội. Ông cũng hy vọng các doanh nghiệp, các nhà đầu tư sẽ kết nối với các trường, hỗ trợ những ý tưởng khởi nghiệp khả thi của các em sinh viên phát triển thành hiện thực, đưa vào sản xuất kinh doanh. Qua đó, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển của đất nước.

Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng đánh giá, cuộc thi Startup Kite 2022 không chỉ giúp sinh viên nghề thể hiện khả năng sáng tạo, các em còn học được cách làm việc và triển khai một dự án kinh doanh như thế nào. Qua đó, sinh viên nghề được học hỏi thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tế trước khi ra trường.

Nhóm tác giả là sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng mang tới hội thi Dự án Thiết bị giám sát điều khiển tự động hệ thống trồng rau thủy canh - khí canh. Thiết bị này sẽ giúp giám sát các chỉ số nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ dinh dưỡng... hệ thống trồng rau sạch, sau đó điều khiển tưới nước để điều chỉnh các chỉ số cho phù hợp.

Nhóm sinh viên Trường Cao đẳng nghề Kiên Giang mang tới Dự án Sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ ván tàu thuyền cũ. Đây là một ý tưởng kinh doanh mới mẻ có thể tận dụng những tấm ván từ tàu thuyền cũ thành các sản phẩm hữu ích như thớt, đồ lưu niệm...

Ngoài ra còn có dự án Sự sáng tạo của những viên sỏi của sinh viên Trường Cao đẳng Thái Nguyên; dự án Thiết bị điều chỉnh chiếu sáng nuôi cấy mô thông minh của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt; dự án Sản xuất, kinh doanh chẩm chéo hương vị Tây Bắc của Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Điện Biên…

Hơn 1.500 ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên nghề kêu gọi vốn đầu tư ảnh 2

Các sinh viên nghề trình bày về ý tưởng khởi nghiệp, sau đó bảo vệ để tìm nhà đầu tư nhằm hiện thực hoá ý tưởng.

Startup Kite được Tổng cục GDNN tổ chức thường niên, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, kích thích khả năng sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh; thúc đẩy việc ứng dụng kiến thức, kỹ năng được trang bị trong nhà trường vào cuộc sống cho học sinh, sinh viên.

Năm nay, cuộc thi Startup Kite được tổ chức từ tháng 5 đến tháng 11, thu hút 1.512 ý tưởng, dự án tham dự vòng sơ tuyển. Trong đó, có 206 dự án của các em học sinh, sinh viên của 57 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại 30 tỉnh, thành phố được lựa chọn vào vòng bán kết; và 80 ý tưởng, dự án được lựa chọn vào vòng chung kết.

Vòng Chung kết sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 25-27/11) với 2 chặng thi. Ở chặng 1, các đội thi sẽ thuyết trình trên sân khấu trước ban giám khảo; chặng 2, có 6 đội thi xuất sắc nhất được chọn lọc từ 80 đội ở chặng 1 sẽ được tham gia phần gọi vốn. Vòng này, các đội thi sẽ trực tiếp kêu gọi vốn đầu tư (thuyết trình và thương thuyết với các nhà đầu tư) và xử lý tình huống do ban giám khảo đưa ra.

Các đội thi xuất sắc sẽ được ban tổ chức kết nối với các doanh nhân và hướng dẫn hoàn thiện ý tưởng dự án. Cơ cấu giải thưởng gồm 1 Giải nhất, tối đa 2 Giải nhì, tối đa 3 Giải ba, dự kiến 30 Giải khuyến khích và 1 Giải được yêu thích nhất.

MỚI - NÓNG