TIÊU ĐIỂM KINH TẾ:

Hơn 110.000 tỷ đồng tăng lương; chia sẻ của Bộ trưởng Lao động trước ngày sáp nhập

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ông Đào Ngọc Dung nói gì với cán bộ, công chức khi Bộ Lao động sắp sáp nhập? Đồng won 'chao đảo' sau lệnh thiết quân luật của Tổng thống Hàn Quốc; duyệt hơn 110.000 tỷ đồng tăng lương cơ sở năm 2025; giá xăng RON 95 giảm xuống mức thấp nhất 3 năm... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua. 

Ông Đào Ngọc Dung nói gì với cán bộ, công chức khi Bộ Lao động sắp sáp nhập?

Theo Cổng thông tin Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), sáng 6/12, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai Kết luận số 09 của Ban chỉ đạo Trung ương về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương về việc tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước.

Hơn 110.000 tỷ đồng tăng lương; chia sẻ của Bộ trưởng Lao động trước ngày sáp nhập ảnh 1
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Bộ LĐ-TB&XH.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ, vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để tinh gọn, nâng cao hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, căn cứ theo thực tiễn, Trung ương đã xác định các mục tiêu lớn trong triển khai Nghị quyết số 18 như: Tiếp tục tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Đảng và Nhà Nước; nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy; tiết kiệm kinh phí, chuyển đổi mạnh mẽ và dần dần sang hình thức tự chủ, chủ động sắp xếp lại cơ cấu bên trong.

Dẫn lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ trưởng nhấn mạnh, công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để tinh gọn, nâng cao hoạt động hiệu lực, hiệu quả lần này là “một cuộc cách mạng”.

Bộ LĐ-TB&XH là một trong những bộ ngành nằm trong kế hoạch sắp xếp, hợp nhất theo kế hoạch đề ra. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao các đơn vị tham mưu khẩn trương triển khai các nhiệm vụ liên quan đến tổ chức bộ máy, phương án sắp xếp nơi làm việc của Bộ sau khi tiến hành hợp nhất các cơ quan.

Chia sẻ với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung động viên: “Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ LĐ-TB&XH phải cố gắng hết sức để hoàn thành toàn bộ các nhiệm vụ đã được giao”.

Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cũng yêu cầu, mỗi cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phải ổn định tổ chức, giữ vững kỷ cương, nguyên tắc và tiếp tục thực hiện tốt công việc của mình. Đặc biệt là vai trò của người đứng đầu đơn vị, làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên cấp dưới, duy trì tinh thần đoàn kết và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đồng won 'chao đảo' sau lệnh thiết quân luật của Tổng thống Hàn Quốc

Theo Reuters, ngày 3/12, đồng won Hàn Quốc chạm đáy 1.430,82 won đổi một USD, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2022. Mức giảm gần nhất là 1,9% ở mức 1.430,60 won/1 USD.

"Do giới đầu tư không có gì chắc chắn về lệnh thiết quân luật của Tổng thống Hàn Quốc, đồng won tạm thời chịu áp lực lớn", Christopher Wong - chiến lược gia ngoại hối và tỷ giá tại OCBC ở Singapore - cho biết.

Hơn 110.000 tỷ đồng tăng lương; chia sẻ của Bộ trưởng Lao động trước ngày sáp nhập ảnh 2
Hàn Quốc hỗn loạn trước thông tin thiết quân luật.

Với mức lỗ hơn 9% trong năm nay, đồng won là một trong những đồng tiền có hiệu suất tệ nhất châu Á. Đồng tiền Hàn Quốc cũng liên tục chịu áp lực khi Ngân hàng Hàn Quốc cắt giảm lãi suất mạnh tay để hỗ trợ nền kinh tế.

Cổ phiếu niêm yết ở nước ngoài giảm mạnh. MSCI South Korea ETF giảm 4,5%, trong khi Franklin FTSE South Korea ETF (FLKR.P) giảm 3,2%.

Giá won giảm mạnh do nhà đầu tư "tháo chạy khỏi thị trường". Giới đầu tư cho rằng Hàn Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mức thuế quan thương mại mới của Mỹ.

Rong Ren Goh - nhà quản lý danh mục đầu tư trong nhóm thu nhập cố định tại Eastspring Investments ở Singapore - cho biết: "Đồng won Hàn Quốc đang chịu áp lực từ đe dọa về thuế quan và tác động bất lợi của chúng đối với các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu. Diễn biến mới nhất này có thể làm trầm trọng thêm sự suy yếu của đồng won Hàn Quốc".

Duyệt hơn 110.000 tỷ đồng tăng lương cơ sở năm 2025

Chiều 4/12, Văn phòng Quốc hội cho biết, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.

Cụ thể, Quốc hội quyết nghị, tổng số thu ngân sách trung ương của năm tới là 1.020.164 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số thu ngân sách địa phương là 946.675 tỷ đồng.

Hơn 110.000 tỷ đồng tăng lương; chia sẻ của Bộ trưởng Lao động trước ngày sáp nhập ảnh 3
Bổ sung 110.000 tỷ đồng thực hiện tăng lương cơ sở năm 2025 (ảnh minh họa).

Quốc hội cũng cho phép sử dụng 60.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và 50.619 tỷ đồng nguồn từ địa phương còn dư, chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.

Cùng với đó, Quốc hội cũng quyết định, tổng số chi ngân sách trung ương năm 2025 là 1.523.264 tỷ đồng.

Đối với các cơ quan, đơn vị có cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương, Quốc hội cho phép bố trí chi đảm bảo tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo các nhiệm vụ đặc thù của các cơ quan, đơn vị (ngoại trừ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam).

‘Siêu ủy ban’ quản lý hàng triệu tỷ đồng sắp dừng hoạt động

Chiều 6/12, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức hội nghị tổng kết năm 2024.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, Ủy ban sẽ kết thúc hoạt động để chuyển về Bộ Tài chính, các đơn vị khác. Ông Phớc đề nghị Ủy ban cần họp với các tập đoàn, tổng công ty, bộ ngành sắp xếp hợp lý để đảm bảo hiệu quả, phù hợp.

"Đây là vấn đề cần làm và phải làm thật nhanh", Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nói và đề nghị Ủy ban cần tập trung cho việc này một cách khoa học, hiệu quả nhất, tránh tâm lý hoang mang, dao động.

Hơn 110.000 tỷ đồng tăng lương; chia sẻ của Bộ trưởng Lao động trước ngày sáp nhập ảnh 4

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - cho biết, hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty phát triển liên tục, ổn định, hoàn thành kế hoạch hằng năm. Tổng giá trị vốn nhà nước được bảo toàn, phát triển.

Đến nay, tổng vốn chủ sở hữu 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1,18 triệu tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2018); tổng tài sản đạt 2,54 triệu tỷ đồng; tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,85 triệu tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách giai đoạn 2018-2023 đạt 1,28 triệu tỷ đồng, chiếm bình quân 10-12% tổng thu ngân sách hằng năm của cả nước.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp thua lỗ nhiều năm hoặc có nguy cơ thua lỗ khi chuyển giao về Ủy ban, sau quá trình tái cơ cấu, kiện toàn thay thế cán bộ lãnh đạo chủ chốt đến nay đều hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi.

Giá xăng RON 95 giảm xuống mức thấp nhất 3 năm

Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm giá bán lẻ RON 95-III ở mức 294 đồng/lít, về còn 20.563 đồng/lít. Giá bán lẻ xăng E5 RON 92 tăng nhẹ 24 đồng/lít, lên mức 19.864 đồng/lít.

Hơn 110.000 tỷ đồng tăng lương; chia sẻ của Bộ trưởng Lao động trước ngày sáp nhập ảnh 5
Giá xăng dầu biến động trái chiều.

Giá dầu diesel giảm 395 đồng/lít, về còn 18.382 đồng/lít. Giá dầu hỏa bán lẻ giảm 325 đồng/lít, về mức 18.817 đồng/lít. Giá dầu mazut vẫn giữ nguyên ở mức 16.125 đồng/kg.

Ở kỳ điều hành này, cơ quan quản lý không thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với các mặt hàng xăng dầu. Từ đầu năm đến nay, xăng tăng 22 lần, giảm 26 lần. Dầu diesel có 21 lần tăng và 26 lần giảm.

Chính thức: Nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày, dịp lễ 30/4-1/5 nghỉ 5 ngày liên tiếp

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có thông báo chính thức về việc nghỉ tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm 2025 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Hơn 110.000 tỷ đồng tăng lương; chia sẻ của Bộ trưởng Lao động trước ngày sáp nhập ảnh 6

Theo Thông báo Chính thức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày liên tiếp.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (công chức, viên chức) được nghỉ Tết Âm lịch năm 2025 từ thứ Bảy ngày 25/01/2025 Dương lịch (tức ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết Chủ nhật ngày 02/02/2025 Dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Đợt nghỉ này bao gồm 5 ngày nghỉ tết Âm lịch và 4 ngày nghỉ hằng tuần.

Công chức, viên chức được nghỉ dịp lễ Quốc khánh năm 2025 từ thứ Bảy ngày 30/8/2025 đến hết thứ Ba ngày 02/9/2025 dương lịch. Đợt nghỉ này bao gồm 2 ngày nghỉ lễ Quốc khánh và 2 ngày nghỉ hằng tuần.

Công chức, viên chức được hoán đổi ngày làm việc từ thứ Sáu ngày 2/5/2025 sang thứ Bảy ngày 26/4/2025. Như vậy, dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm 2025, công chức, viên chức được nghỉ 5 ngày liên tục từ thứ Tư ngày 30/4/2025 đến hết Chủ nhật ngày 04/5/2025(làm bù vào thứ Bảy ngày 26/4/2025).

MỚI - NÓNG
Lãnh đạo TPHCM bất ngờ 'vi hành' loạt siêu thị
Lãnh đạo TPHCM bất ngờ 'vi hành' loạt siêu thị
TPO - Không chỉ dự trữ nguồn hàng Tết với số lượng lớn, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất tại TPHCM còn đang tăng cường sản xuất để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; tăng cường nhiều khuyến mãi, tăng giờ bán hỗ trợ người dân mua sắm Tết.