Hiện tại, nước lũ trên địa bàn huyện đã rút xuống dù chậm, người dân các xã bắt đầu việc dọn dẹp nhà cửa. Một số thôn như La Châu (Hòa Khương); Phú Hòa, Thạch Nham Tây (Hòa Nhơn); Bồ Bản, Túy Loan (Hòa Phong); Phong Nam (Hòa Châu)… vẫn còn ngập nặng.
Ông Phùng Văn Mai, trưởng thôn Tây An (Hòa Châu) cho hay nước rút từ đêm qua, đến sáng nay được hơn một nửa. “Giờ bà con đã quay lại nhà, trước mắt là cào hết bùn non rồi dọn dẹp”, ông nói.
Theo báo cáo từ UBND huyện Hòa Vang, sau nhiều ngày lũ, toàn địa bàn có 10.431 hộ ngập, 316 hộ phải di dời đến nơi an toàn. Trong đó xã Hòa Tiến ngập là tới 2.320 hộ, Hòa Phong 2.553 hộ, tổng số hộ sơ tán là: 26 hộ, Hòa Châu1.564 hộ. Có 3 người bị thương trong lũ. 38 công trình trường học các cấp bị ngập, 120 phòng học và 2.085 bộ bàn ghế bị nhấn chìm. Riêng về sản xuất nông nghiệp, hơn 90 ha rau, đậu các loại bị ngập úng hư hại; gần 13.000 con ga cầm bị chết, trôi mất; 175 ha ao đang nuôi tôm cá bị ngập lút, mất sản phẩm hoàn toàn; 180 tấn lúa giống chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân bị ướt hỏng... Ước tính tổng thiệt hại ban đầu hơn 44 tỷ đồng.
UBND huyện Hòa Vang cũng đề nghị thành phố Đà Nẵng hỗ trợ thuốc để tiêu độc, khử trùng sau lũ cùng kinh phí để huyện khắc phục hậu quả.
Lũ nhấn chìm hơn 10.000 ngôi nhà trên địa bàn huyện Hòa Vang. Ảnh: Thanh Trần.
Giao thông tê liệt, người dân phải ra vào thôn bằng ghe, thúng. Ảnh: Thanh Trần.
Một cụ già ở thôn Tây An (xã Hòa Châu) bơi thúng đi lấy mì tôm khi nước lũ ngập quá nửa nhà. Ảnh: Thanh Trần.
Người dân chất đồ đạc lên ghe để khỏi bị nước cuốn trôi. Ảnh: Thanh Trần.