Hôm nay thí sinh bước vào thi địa lý

Sáng 2/7, tại điểm thi ĐH Sư phạm Hà Nội, một số thí sinh ra sớm nói rằng, đề Văn khá dễ. Thí sinh khá hào hứng với câu hỏi nghị luận bàn về sự hèn nhát và dũng khí. Ảnh: Như Ý.
Sáng 2/7, tại điểm thi ĐH Sư phạm Hà Nội, một số thí sinh ra sớm nói rằng, đề Văn khá dễ. Thí sinh khá hào hứng với câu hỏi nghị luận bàn về sự hèn nhát và dũng khí. Ảnh: Như Ý.
TP - Hôm qua, kết thúc ngày thi THPT thứ hai, số thí sinh vi phạm tăng hơn so với ngày thứ nhất với 136 em (2 khiển trách, 3 cảnh cáo, 131 đình chỉ). Nhiều giáo viên nhận định, thí sinh dễ đạt 5-6 điểm Văn, khó đạt điểm cao môn Lý. Nhiều điểm thi không có hoặc có rất ít học sinh thi môn Lịch sử, Địa lý.

Tại điểm thi ĐH Thủy lợi (do ĐH Thủy lợi chủ trì cụm thi), môn Ngữ văn có 14 thí sinh bị đình chỉ, trong đó có 13 em mang tài liệu và 1 em mang điện thoại. Các thí sinh này đều là công an nghĩa vụ. Theo báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT, buổi sáng thi Ngữ văn có 89 thí sinh bị đình chỉ. Trong đó, 80 thí sinh bị đình chỉ dự thi tại các cụm thi do ĐH chủ trì, 9 thí sinh bị đình chỉ do các sở GD&ĐT chủ trì.

Môn Văn: Dễ đạt 5-6 điểm

Tại cụm thi ĐH Bách khoa Hà Nội, mới hết 150 phút thi, nhưng đã có thí sinh rời phòng thi. Nguyễn Công Diệp, Trường THPT Thường Tín, Hà Nội, nói rằng, đề thi Văn năm nay rất hay, em thích nhất câu nghị luận xã hội. “Đề thi có nhiều câu hỏi yêu cầu thí sinh phải có kiến thức xã hội, kiến thức thực tế. Những đề thi như thế sẽ giúp chúng em chủ động học hỏi kiến thức xã hội bên cạnh kiến thức trong sách vở”, Diệp nói. Cũng tại điểm thi ĐH Bách khoa Hà Nội, nhóm thí sinh đến từ Trường THPT Thăng Long rất hứng khởi khi ra khỏi phòng thi trước 30 phút thu bài. Thí sinh Nguyễn Thế Long nhận định, đề Văn năm nay dễ hơn năm 2015, và 8 câu trong phần đọc hiểu rất thú vị.

Về đề Ngữ văn năm nay, cô Ngọc Vũ Thị Bích Ngọc, tổ trưởng Bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Lê Hồng Phong, khẳng định, đề thi bám sát chương trình Ngữ văn THPT, chủ yếu là lớp 12, không gây bất ngờ cho thí sinh. Đề có sự phân hóa phù hợp với yêu cầu thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH. Học sinh trung bình có thể đạt 5 - 6 điểm. Ở phần Đọc hiểu, chọn được ngữ liệu hay, phù hợp. Mức độ vừa phải, học sinh dễ đạt điểm ở phần này. Phần Làm văn, Câu 1, vấn đề nghị luận rõ ràng, không quá khó, có đất cho học sinh bày tỏ quan điểm của bản thân. Câu 2, vấn đề nghị luận, kiểu bài được định hướng rõ.

Cô Võ Thị Thanh Nhàn, giáo viên dạy Văn ở tỉnh Hà Tĩnh, đánh giá: “Với phần Đọc hiểu, năm nay, đề có phần ngược so với năm 2015 khi cho nhận định sau đó mới yêu cầu phân tích nhận định đó”. Cô Nhàn dự đoán, nhiều thí sinh không khó để đạt 6-7 điểm môn Văn. Cô Phan Hà Thanh, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Lê Qúy Đôn (Hà Nội), đánh giá, đề thi môn Văn năm nay cơ bản, phù hợp với số đông học sinh, không có yếu tố bất ngờ, đột phá như kỳ vọng. “Một đề thi không đánh đố, cấu trúc tương tự đề của Bộ mà đa số thí sinh đã được ôn luyện nên dễ dàng đạt điểm trung bình. Số học sinh khá khối C, D dễ dàng đạt điểm 7-8. Riêng điểm 9 lại rất khó khăn”, cô Thanh nói.

Ít thí sinh chọn môn Lịch sử

Hôm nay, 3/7, thí sinh thi Địa lý; ngày 4/7, thi Lịch sử. Tại cụm thi ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên, cho biết, môn Lịch sử có thí sinh đăng ký ít nhất - 990 em. Với môn thi này, cụm thi ĐH Bách khoa chỉ còn 1 điểm thi tại ĐH Xây dựng. 

Còn tại cụm ĐH Thủy lợi, ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo, cho biết, môn Địa lý chỉ còn 6/8 điểm có thí sinh thi, còn môn Lịch sử chỉ còn 2/8 điểm thi với 39 phòng thi.  Tuy nhiên, theo ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng, trường chủ trì cụm thi ĐH tại Điện Biên, nguyện vọng của thí sinh ở trên đó đăng ký dự thi ngược với khu vực Hà Nội. Các môn dự thi ít nhất lại rơi vào các môn khoa học tự nhiên như như Sinh, Vật lý. Môn Lịch sử có gần 50% thí sinh dự thi.

Tại cụm thi địa phương, lựa chọn môn thi tự chọn của thí sinh cũng khác so với cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và Chất lượng, Sở GD&ĐT Hòa Bình, cho biết, buổi thi môn Vật lý chiều qua, chỉ có 46 thí sinh dự thi, điểm thi ít nhất có 2 thí sinh. 

Còn buổi thi môn Hóa học chiều nay, có 155 thí sinh dự thi. Điểm thi ít nhất có 3 thí sinh. “Khác với cụm thi ĐH, các trường có thể tập hợp tất cả các thí sinh có cùng môn thi về một điểm thi, cụm thi địa phương, rải đều khắp tỉnh nên dù ít thí sinh lựa chọn vẫn phải tổ chức thi”, ông Vinh cho biết. Theo ông Vinh, trong số hơn 6.000 thí sinh dự thi tại cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì, hơn 5.000 em chọn môn Địa lý là môn tự chọn để xét tốt nghiệp.

Hôm nay, thí sinh bước vào ngày thi thứ ba với hai môn Địa lý và Hóa học.

Đề thi Ngữ văn không có sai sót, không bị lộ

Hôm nay thí sinh bước vào thi địa lý ảnh 1 Trang 218 cuốn “Thơ Việt Nam 1945-1985”
Kết thúc buổi thi môn Ngữ văn, dư luận băn khoăn Câu 1 của phần Đọc hiểu trích dẫn bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ có một chi tiết khác với văn bản mà nhiều người từng đọc. Đó là câu thứ ba trong khổ thơ đầu tiên của đoạn trích dẫn: “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”. Trong khi đó, văn bản nhiều thí sinh từng đọc ghi là: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”. Thí sinh băn khoăn không biết đâu là văn bản đúng. Trao đổi về vấn đề này, cô Vũ Thị Bích Ngọc, tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Lê Hồng Phong (Nam Định), cho rằng, nếu Ban đề trích dẫn không đúng thì mới có thể nói họ sai. “Ban đề đã ghi rõ xuất xứ của đoạn trích nên Ban đề phải theo xuất xứ này. Vì văn bản có nhiều dị bản”, cô Ngọc nói.

Tối 2/7, Bộ GD&ĐT có câu trả lời chính thức về vấn đề này. Bộ GD&ĐT khẳng định, Hội đồng ra đề thi trích dẫn từ bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ trong cuốn “Thơ Việt Nam 1945-1985” (Ban tuyển chọn và chú giải: Nguyễn Đức Nam (chủ biên), Bằng Việt, Nguyễn Văn Long, Nguyên An, Nguyễn Quốc Túy); Nhà xuất bản Giáo dục - 1985 (sách được xuất bản trong thời gian nhà thơ Lưu Quang Vũ còn sống). Nội dung trích dẫn: Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa. Óng tre ngà và mềm mại như tơ” (Nguyên bản dòng thứ 3 và 4 từ trên xuống trang 218, Sách đã dẫn). Trong quá trình biên soạn đề thi, Hội đồng ra đề thi đã kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối của ngữ liệu được trích dẫn, đáp ứng yêu cầu của đề thi. Bà Lưu Khánh Thơ, em gái tác giả Lưu Quang Vũ, khẳng định, cả hai phương án đều đúng. Vì ban đầu, tác giả Lưu Quang Vũ viết: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”. Sau đó, tác giả sửa thành: “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”.

Ban chỉ đạo thi Quốc gia 2016 cho biết, đầu giờ chiều 2/7, trên một số trang Facebook có đăng tin cho rằng, đề thi môn Ngữ văn bị lộ. Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ GD&ĐT đã cùng Bộ Công an nhanh chóng vào cuộc điều tra. Cơ quan công an khẳng định, đó là thông tin thất thiệt. Cơ quan công an đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định.       

Hoa Ban

Môn Lý: Rất ít điểm 10

Đề thi quốc gia môn Vật lý 2016 có tính phân loại cao với 30 câu đầu rất dễ - học sinh chỉ cần nắm bắt kiến thức trong sách giáo khoa là làm được. 20 câu sau là những câu dành cho học sinh có lực học khá giỏi và có khoảng 2-3 câu đòi hỏi phải nhớ công thức, biến đổi nhiều và có sự tư duy cao mà chỉ học sinh xuất sắc mới làm được. Tuy nhiên, có một sự chênh lệch lớn về độ khó giữa 30 câu đầu và 20 câu cuối nên học sinh trung bình và trung bình khá có thể chỉ làm được 30 câu đầu mà không làm được những câu tiếp theo. Một số câu khó trong đề đã xuất hiện trong các đề thi thử của các trường nhưng được cải biến đi, vì vậy phải là những học sinh xuất sắc, chịu khó luyện đề nhiều thì mới có thể làm tốt gần như toàn bộ các câu và đạt điểm 10. Nếu như năm trước, đề với mức độ tương đương và có thêm vài câu hỏi thi lạ, khiến cả nước chỉ  có một điểm 10 môn Vật lý thì năm nay có thể có nhiều hơn 1 điểm 10, nhưng cũng chỉ ở mức độ rất ít. Nhìn chung, đề đạt được yêu cầu phân loại học sinh, phù hợp với kì thi 2 trong 1. Phổ điểm chính sẽ là 5-6-7;  điểm 9-10 chỉ chiếm khoảng 10%; điểm dưới trung bình không nhiều vì 30 câu đầu rất dễ.

(Thầy Trần Đức Cầngiáo viên chuyên Vật lý, Trường THPT Lê Hồng Phong, Nam Định)

Nhiều điểm thi đã hết nhiệm vụ

Theo thông tin từ một số cụm thi, sau khi kết thúc môn Vật lý ngày 2/7, nhiều điểm thi ở TPHCM đã hoàn tất nhiệm vụ do không còn thí sinh nào dự thi. Tại cụm thi do ĐH Sư phạm TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Trung, Ủy viên thường trực Hội đồng thi, cho biết, ngay từ hôm qua (2/7), trường đã có 4 điểm thi hết nhiệm vụ và hôm nay sẽ giải tán. Nguyên do là trường đã bố trí các điểm thi theo môn để thuận tiện cho thí sinh và nhà trường. Điều này cũng xảy ra ở một số cụm thi ở các tỉnh do các trường đại học chủ trì.      

Nguyễn Dũng

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.