Hôm nay, Chủ tịch nước Trần Đức Lương lên đường thăm Trung Quốc

Hôm nay, Chủ tịch nước Trần Đức Lương lên đường thăm Trung Quốc
Sáng nay, 18/7, Chủ tịch nước Trần Đức Lương rời Hà Nội đi Bắc Kinh thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc 5 ngày, theo lời mời của Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào.
Hôm nay, Chủ tịch nước Trần Đức Lương lên đường thăm Trung Quốc ảnh 1
Chủ tịchTrung Quốc Hồ Cẩm Đào (phải) và Chủ tịch nước Trần Đức Lương (ảnh tư liệu)

Cùng đi với Chủ tịch nước Trần Đức Lương có nhiều quan chức cao cấp và hơn 70 doanh nghiệp. Ngoài các hoạt động ở Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương còn đi thăm hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây.

Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Chủ tịch nước Trần Đức Lương không chỉ là cuộc gặp cấp cao thường niên Việt Nam – Trung Quốc mà còn là dịp để Việt Nam khẳng định lại rằng Việt Nam hết sức coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc, lãnh đạo và nhân dân Việt Nam quyết tâm và mong muốn đưa quan hệ hữu nghị, ổn định, hợp tác toàn diện với Trung Quốc lên tầm cao mới.

Theo dự kiến, sau lễ đón chính thức diễn ra vào 5 giờ chiều ngày 18/7, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào sẽ có cuộc hội đàm. Hai Chủ tịch sẽ trao đổi ý kiến một cách sâu rộng về quan hệ giữa hai nước.

Hai nhà lãnh đạo cũng tập trung kiểm điểm việc thực hiện các hiệp định và thỏa thuận trước đây, đề ra những phương hướng và biện pháp lớn nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai Đảng, hai nước, đặc biệt là đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại cùng có lợi cho tương xứng với tiềm năng của hai bên và quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương sẽ góp phần đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước tiếp tục phát triển theo phương châm 16 chữ vàng: “Láng giềng hữu nghị, Hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, Hướng tới tương lai”.

Ngoài quan hệ song phương, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào còn thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

Trước chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, các quan chức Bộ thương mại hai nước đã kết thúc vòng đàm phán song phương thứ 6 về việc Việt Nam gia nhập WTO.

Các chuyên gia hai bên đã hoàn tất những công việc cuối cùng để nhân dịp này hai nước ra tuyên bố kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO. Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam gia nhập WTO vào cuối năm nay.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội xúc tiến mậu dịch quốc tế Trung Quốc và các phân hội tỉnh Thiểm Tây, Quảng Tây dự định sẽ tổ chức các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp hai nước tại Bắc Kinh, Tây An, và Quảng Tây.

Việt Nam và Trung Quốc vừa kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Vì vậy chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc.  

Thời gian qua, quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước phát triển nhanh chóng. Năm 2004, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 7,2 tỷ USD (theo cách tính của Việt Nam), vượt cả mức kế hoạch 5 tỷ USD cho năm 2005.

Tính đến tháng 5 năm nay, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đạt hơn 675 triệu USD với 328 dự án, đứng thứ 15 trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Vừa qua, hai nước đã đạt được những thỏa thuận bước đầu về nhiều dự án có số vốn lớn hàng trăm triệu USD như: mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên; xây dựng nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn, xây dựng nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám ở Ninh Bình; xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội – Hà Đông; cải tạo hệ thống tín hiệu đường sắt khu vực phía Bắc Việt Nam.

Hai bên cũng đạt được nhận thức chung về việc xây dựng hai hành lang kinh tế  Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và  Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng. Đến nay, Trung Quốc đã viện trợ ODA tổng cộng 312 triệu USD cho Việt Nam, trong đó có 50  triệu USD viện trợ không hoàn lại.

Hai bên đã ký kết được những hiệp định hợp tác quan trọng như Hiệp định về biên giới trên đất liền, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, và Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ.

Đây là những văn kiện rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc không ngừng tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc.

MỚI - NÓNG