Hồi ức kinh hoàng về những ngày bị khủng bố Somali bắt cóc

Vừa qua, Jessica Buchanan - một nữ nhân viên người Mỹ làm công tác cứu trợ nhân đạo cho một tổ chức phi chính phủ (NGO) của Đan Mạch ở Somali, đã xuất bản cuốn hồi ký với tựa đề "Impossible Odds - Tai vạ không tránh khỏi", kể về 93 ngày cô bị nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan Somali là al-Sahbab bắt giam.

Cũng nhóm khủng bố này về sau đã gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Có tin cho hay một trong những kẻ bắt cóc Jessica Buchanan là Adbi - còn được biết đến dưới cái tên Adibi - cũng chính là kẻ đã bị Cơ quan An ninh Tunisia tiêu diệt khi tiến hành cuộc tấn công khủng bố vào Viện Bảo tàng Bardo ở thủ đô Tunis, Tunisia vào ngày 18/3 vừa qua khiến 23 người chết và 44 người bị thương.

1. "Khi biết tôi sẽ phải đến tỉnh Galkayo, Somalia, chồng tôi là Erik Landemalm đã nói với tôi bằng một giọng gắt gỏng: "Anh không thích cái việc đó.". Tôi trả lời: "Em cũng đâu muốn, nhưng em không còn sự chọn lựa nào…".

Jessica Buchanan mở đầu cuốn hồi ký bằng việc kể lại phản ứng của chồng cô vào buổi sáng ngày 21/11/2011. Buổi sáng đánh dấu một định mệnh bởi cô không ngờ rằng chỉ vài ngày sau, cô sẽ phải chịu đựng những giờ phút kinh khủng nhất trong cuộc đời mình.

Hồi ức kinh hoàng về những ngày bị khủng bố Somali bắt cóc ảnh 1

Jessica lúc mới đến thị trấn Galkayo.

Galkayo là một thị trấn nhỏ, chỉ cách "đường xanh - green line" một đoạn ngắn ("đường xanh" là ranh giới phân chia lãnh thổ, một bên do quân đội Chính phủ Somali kiểm soát còn bên kia do nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan al-Shabab chiếm giữ). Cả hai vợ chồng đều nghĩ rằng việc đi Galkayo vào lúc này không ổn lắm nhưng là một nhân viên năng nổ nên NGO muốn Jessica đến Galkayo để lập một văn phòng.

Jessica Buchanan bắt đầu cuộc đời thiện nguyện tại châu Phi từ năm 2006 với tư cách là giáo viên ở Kenya. Tại đây, cô gặp Erik Landemalm: "Anh ấy là người Thụy Điển, đến Kenya với mục đích thám hiểm, du lịch. Sau khi quen nhau, yêu nhau, năm 2009 chúng tôi thành hôn rồi về sống ở tỉnh Hargelsa, Somalia".

Lúc này, Jessica Buchanan chuyển sang làm việc cho một tổ chức NGO của Đan Mạch. Nhiệm vụ của cô là hướng dẫn người dân Somali cách nhận biết những quả mìn chưa nổ, chôn dưới lòng đất và cách tránh né vì đã có nhiều người chết hoặc tàn tật suốt đời do thứ vũ khí sát thương khủng khiếp này.

Jessica viết: "Chiến tranh giữa các bộ lạc và các nhóm phiến quân hoành hành khắp miền Nam Somalia, trong đó đáng kể nhất là nhóm al-Shabab. Ngoài chuyện tên bay đạn lạc, chúng tôi cũng rất sợ nạn cướp bóc và hãm hiếp. Người da trắng phương Tây là những mục tiêu để các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan bắt cóc, tống tiền nên chúng tôi hết sức thận trọng trong việc đi lại, chỉ đi khi nào cần thiết với điều kiện được bảo vệ an ninh cẩn thận".

Sáng 24/10/2011, Erik tiễn vợ ra sân bay. Anh nói: "Thôi em đi đi. Cố làm cho xong việc thật nhanh rồi về". Và mặc dù Jessica vẫn thường đi đến những vùng nguy hiểm nhưng lần này, chẳng hiểu sao cô lại thấy chồng cô  đặc biệt lo ngại. Có lẽ vì trước đó, Jessica đã cho Erik biết là mình có dấu hiệu của sự mang thai. 

2. Một tiếng sau, Jessica đáp chuyến bay của Liên Hiệp Quốc đi Galkayo. Tại đó, cô gặp đồng nghiệp là Poul Thisted, người Đan Mạch và một vài nhân viên phụ trách an ninh. Buổi tối, khi nghỉ đêm tại nhà khách của NGO Đan Mạch nằm ở phía bắc "đường xanh", Jessica nhận được tin nhắn của Erik: "Anh yêu em. Ráng cẩn thận nhé".

Hồi ức kinh hoàng về những ngày bị khủng bố Somali bắt cóc ảnh 2

Jessica và Poul trong đoạn phim video quay bởi nhóm al-Shabab.

Sáng hôm sau, Jessica và Poul cùng tham dự một buổi họp để nghe phổ biến tình hình tại trụ sở NGO ở Galkayo. Đến chiều, chiếc Land Cruiser quay lại đón cả hai về nhà khách. Ông Abdirizak, quản lý phụ trách an ninh ngồi phía sau với Jessica còn Poul ngồi phía trước, cạnh tài xế. Trong giây lát, Jessica nhận ra anh tài xế này là người mới. Lẽ thường cô sẽ hỏi vì sao lại đổi tài xế nhưng thấy Abdirizak không nói gì nên Jessica cũng bỏ qua..

Mười phút sau khi chiếc Land Cruiser lăn bánh, sự việc xảy ra y hệt như lúc trọng tài thổi còi để bắt đầu một trận thi đấu bóng đá: Một chiếc xe lớn cũ kỹ, dơ bẩn từ phía sau vọt lên rồi đột ngột quặt ngang, chặn đầu xe Land Cruiser khiến tài xế phải thắng gấp. Nhanh như chớp, một nhóm chừng 6, 7 người Somali tay cầm tiểu liên AK47 ào tới, vừa dộng báng súng vào cửa xe, vừa la hét om xòm.

Chốt khóa cửa xe vừa mở, hai gã Somali đã giật mạnh khiến cánh cửa tung ra. Một trong hai gã - mà sau này Jessica mới biết gã tên Ali - nắm lấy vai người phụ trách an ninh Abdirazak, lôi ông ra ngoài. Mặt Ali trông dữ tợn với đôi mắt đỏ ngầu, chứng tỏ gã đã nhai rất nhiều lá "khat", một loại lá gây kích thích thần kinh, giống như cần sa hoặc lá coca.

Tài xế lái xe - chẳng hiểu anh ta có làm việc cho bọn khủng bố Somali hay không nhưng trong lúc Ali chĩa súng vào đầu Abdirazak còn những gã kia ra hiệu cho Jessica và Poul bước ra ngoài thì anh ta len lén bỏ chạy. Ali quát lớn: "Mobile". Ý gã muốn hỏi là điện thoại di động của những người trong xe để ở đâu.

Sau khi tịch thu tất cả điện thoại, Ali lùa cả 3 vào xe rồi tự tay cầm lái. Cạnh gã là người quản lý phụ trách an ninh Abdirazak, còn Jessica và Poul ngồi ở ghế sau với 2 gã Somali khác, súng lăm lăm trong tay. Nhìn vào mặt Poul, Jessica hỏi nhỏ: "Chuyện gì xảy ra vậy?". Poul đáp: "Có lẽ mình bị bắt cóc rồi". Ngay lập tức, cái báng súng của gã Somali ngồi bên cạnh thọc mạnh vào hông Poul kèm theo tiếng quát bằng tiếng Anh nửa nạc nửa mỡ, ý nói “câm mồm”!.

Vừa lái xe, Ali vừa hỏi: "Chúng mày có tiền không". Poul trả lời không có. Câu nói ấy khiến Jessica sợ chết điếng vì bọn khủng bố vẫn chưa lục soát người và hành lý của cô.

Trong hồi ký, Jessica viết: "Tôi nhớ lại lời dặn của các chuyên gia ở các khóa học về cách đối phó với những sự cố. Họ dạy chúng tôi phải làm gì khi bị bắt làm con tin, rằng phải tuyệt đối giữ bình tĩnh, đừng biểu lộ sự tức giận. Đừng la hét, cũng đừng dọa chúng bằng cách cho chúng biết chính phủ của mình sẽ tiến hành giải cứu. Chọc giận bọn khủng bố trong lúc chúng đang hung hăng có thể khiến chúng giết mình một cách oan uổng mặc dù chưa chắc chúng đã muốn giết mình. Các chuyên gia dặn chúng tôi phải nhớ thuộc lòng số điện thoại của cơ quan, của gia đình hoặc bạn bè thân để nếu có thể liên lạc được thì đó là bằng chứng cho thấy mình vẫn còn sống…".

Chạy được hơn 1 tiếng, nhóm khủng bố Somali thay chiếc Land Cruiser bằng một chiếc bán tải, có lẽ chúng sợ trên xe Land Cruiser có thiết bị định vị vệ tinh. Trời tối đen và chỉ mở một bên đèn pha nhưng chiếc xe vẫn lao đi ào ào. Những băng đạn dài khoác trên vai bọn khủng bố thỉnh thoảng lại nhảy tưng tưng mỗi lúc xe thụt xuống một ổ gà. Bị bắt ngồi bẹp xuống thùng xe, Jessica cố dõi mắt lên trời, tìm ngôi sao Bắc Đẩu  để đoán xem mình đang bị đưa đi đâu.

Chạy thêm chừng 2 tiếng nữa, xe đột ngột dừng lại. Ali bước xuống, chỉ tay vào Jessica, Poul và Abdirazak, hét lớn: "Đi ra". Đến lúc ấy, Jessica nhận thấy đã có một nhóm Somali khác đợi sẵn, nhiều gã miệng nhai nhóp nhép lá "khat". Bụng cô quặn đau khiến cô lo lắng cho cái thai đang có thể đã thành hình trong người mình.

Nhóm khủng bố Somali dẫn chúng tôi băng qua những bụi cây nhỏ mọc lúp xúp. Trời bắt đầu trở lạnh khiến Jessica  rùng mình. Đôi xăng đan cô mang không thể bảo vệ cho bàn chân khỏi những bụi gai. Chúng đâm thủng lớp đế cao su, cào vào da thịt cô đau điếng. Mấy lần cô dừng lại, định gỡ gai ra nhưng một gã Somali nào đó lại thúc họng súng lên lưng cô: "Tôi không chịu đựng được nữa, tôi khóc tức tưởi, khóc không thành tiếng".

Cuối cùng, cả ba con tin cũng đến được điạ điểm phải đến. Chúng ra lệnh cho chúng tôi quỳ xuống nền đất của một căn nhà. Nghĩ rằng sẽ bị bắn, Jessica lâm râm cầu nguyện: "Nhưng không, chúng bảo chúng tôi ngủ".

3. Sáng hôm sau, lúc mặt trời vừa ló dạng, Jessica mới biết mình bị giam trong một chòi lá, xung quanh mọc nhiều cây keo gai. Gần đó có một ụ mối khá lớn. Jessica viết: "Qua những bài học đã được huấn luyện, tôi cố gắng nhớ kỹ những chi tiết này để nếu có thể liên lạc được với những người ở NGO, hoặc với gia đình hay với ai đó thì họ có thể tìm ra vị trí của chúng tôi. Một vài lần, tôi vừa nói tiếng Anh, vừa ra dấu cho tên lính gác biết là tôi muốn điện thoại cho NGO nhưng gã lắc đầu".

Hồi ức kinh hoàng về những ngày bị khủng bố Somali bắt cóc ảnh 3

Nhóm khủng bố al-Shabab trong một cuộc diễu hành.

Được phép đi vệ sinh, Jessica cố tình chọn một bụi cây khá xa để xem có gã Somali nào theo không. Sau khi quan sát, cô thấy một con đường đất. Trong cô chợt nảy ra ý nghĩ chạy trốn nhưng chạy đi đâu bây giờ? Cô đang ở một nơi hoang vắng, không biết nó nằm ở chỗ nào trên đất Somali. Cô lại không có thức ăn, nước uống, không quần áo ấm để che chắn cái lạnh ban đêm nên bất cứ mưu toan đào thoát nào rồi cũng sẽ thất bại, và sẽ bị bắt. Chưa kể việc cô bỏ trốn sẽ gây nguy hiểm cho Poul và Abdirizak.

Quay trở lại căn chòi, Jessica thấy một gã mặt mũi bặm trợn đã ngồi đó. Bằng một thứ tiếng Anh giả cầy, gã tự giới thiệu mình tên là Abdi, người Tunisia nhưng sang Somali để liên kết với Al-Qaeda, tham gia "thánh chiến". Gã cho biết gã sẽ không giết Jessica và Poul nhưng giam giữ họ để làm gì thì gã không nói: "Thức ăn của chúng tôi chỉ là cháo bột ngô nấu với muối, thỉnh thoảng mới có một mẩu pho mát lạc đà. Mỗi ngày chúng tôi được phát một chai nước nhỏ, đục và đầy cáu bẩn còn tắm rửa thì không. Có lẽ ở đây chẳng gần sông suối nên không riêng gì chúng tôi, mà bọn Somali đứa nào đứa nấy đều hôi như cú".

Hơn một tuần sau, cả 3 con tin lại phải di chuyển. Chỗ ở mới là một căn lều tranh khá lớn, nằm trước một cây cột thật cao. Lúc này Jessica biết Abdi là chỉ huy. Gã thích nói chuyện, nói nhiều, nhất là sau khi nhai lá "khat" nhưng gã lại rất cộc cằn và tính tình thay đổi bất chợt. Có lúc đang say sưa nói về đường lối, mục tiêu của tổ chức al-Shabab thì ngay lập tức, gã trở mặt la hét, chửi rủa thô tục "bọn Mỹ chúng mày…".

Một tối khát quá, Poul cố xin thêm nước. Xin đến lần thứ ba thì một gã Somali xông vào, chĩa thẳng khẩu AK vào trán anh, bóp cò. Jessica nhắm mắt lại, chờ tiếng nổ vang lên nhưng cô chỉ nghe một cái "cạch" - là tiếng kim hỏa đập vào buồng chứa không có đạn. Gã Somali cười lên hô hố còn Poul mặt tái xanh.  

Mấy ngày sau, căn nhà tranh giam giữ Jessica, Poul và Abdirazak có một vị khách. Hắn nói tiếng Anh rất rành, tự giới thiệu mình là Jabreel, "thông dịch viên trung lập" đến từ thủ đô Mogadishu. Jabreel cho biết sau khi al-Shabab đọc tin trên báo, trên truyền hình, chúng biết 2 con tin chỉ là những người làm việc thiện nguyện nên chúng đổi mục đích: "Thay vì dùng quý vị để trao đổi với những thành viên của al-Shabab đang bị Mỹ bắt giam, tụi nó đòi tiền chuộc 45 triệu USD thì mới thả hai người". Jessica trả lời, rằng chẳng ai lại bỏ ra 45 triệu để chuộc hai nhân viên cứu trợ. Jabreel phân trần: "Tôi đến đây để giúp giải quyết vấn đề. Tôi nói với chúng là tối đa chỉ có thể lấy được 900 nghìn USD mà thôi"…

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).